Phóng to |
HLV Weigang (dấu tròn) và đội tuyển miền Nam trong những ngày tập huấn trước giải Merdeka 1966 - Ảnh tư liệu |
(Thật thú vị bởi HLV Weigang cũng là người mà cố nhà báo thể thao Tường Vy đã có lời bình sau Tiger Cup 1996: “Đây là một con người chứa trong mình một kho chuyện của bóng đá VN”). Và đây là “kho chuyện” của ông Weigang, 39 năm về trước.
Người thổi hồn cho đội tuyển
Năm 1964, ông Weigang đến Sài Gòn trong vai một ông giáo dạy nghề ở Trường kỹ thuật Cao Thắng. Ông giáo này mê bóng đá một cách kỳ lạ. Sau những giờ dạy, ông Weigang lại lang thang đến các sân bóng ở Sài Gòn để xem và tìm kiếm những tài năng. Cũng năm 1964 này, ông được bổ nhiệm làm HLV dẫn dắt đội tuyển thiếu niên đến năm 1965.
Năm 1966, chuẩn bị cho Merdeka 1966, ý kiến đưa ông Weigang làm HLV trưởng đội tuyển miền Nam được đưa ra. Ban đầu trong nội bộ Tổng cuộc Túc cầu cũng có nhiều ý kiến phản đối, nhưng sau đó tổng cuộc đã thuyết phục được mọi người với lý do: HLV Weigang sẽ dẫn dắt đội tuyển... miễn phí.
Phóng to |
Trung vệ Nguyễn Văn Mộng kể: “Một ông HLV chỉ hơn những cựu binh trong đội 5-7 tuổi, lại không có bằng cấp, không nói ra nhưng nhiều anh em ngấm ngầm tỏ ý không phục. 7g30 tập, anh em tuy có mặt đầy đủ nhưng cứ đủng đỉnh thay đồ.
Ông Weigang lập tức tiến về phía chúng tôi và gí sát đồng hồ vào mặt từng người: “Tôi nói các anh 7g30 là bắt đầu vào buổi tập chứ không phải đến giờ này mới bắt đầu thay đồ, hôm nay nghỉ tập!”. Tự ái vì bị nói nặng, sau đó không ai bảo ai, kỷ luật cứ răm rắp. Weigang dẫn chúng tôi 1-0.
Chỉ qua mấy buổi tập, ông Weigang đã chấm anh Tam Lang làm thủ quân của đội. Cái gốc nhà giáo đã giúp ông có những tuyệt chiêu tâm lý để biến 17 cầu thủ chúng tôi thành một khối thống nhất. Thời nào cũng vậy, đội tuyển của quốc gia nào cũng vậy, chuyện phe nhóm hay xích mích giữa các cá nhân với nhau là không thể tránh khỏi.
Chỉ một thời gian ngắn, qua những buổi tập, ông Weigang đã phát hiện những nhóm và những cầu thủ có “vấn đề” với nhau qua những đường chuyền “chết người” hay không chuyền bóng để “xách xe không chạy chơi”. Bài thuốc ông đưa ra là trò chơi kéo co và phân những cầu thủ “tay lái nghịch” ở cùng một phe. Muốn thắng thì phải cùng nhau hợp sức, dăm ba lần cùng nhau “chiến đấu” hiềm khích tự nhiên tiêu tan.
Một cái giỏi nữa của ông Weigang lúc ấy là chính sách sử dụng xoay vòng cầu thủ. 17 người của đội luôn được ông ấy sử dụng trong các trận đấu. Ông ấy bảo: “Bao giờ các anh cũng đá tốt nhất trong 70% thời gian của trận đấu. Vậy thì không có lý do gì tôi phải để một người đá liên tục trong các trận đấu”. Quan điểm ấy giúp chúng tôi giữ được thể lực, sự tinh anh cùng sự nỗ lực cao nhất trong mỗi trận đấu. Còn về phía ông Weigang, ông ta luôn có những cầu thủ dự bị tốt”.
Tiền vệ Nguyễn Ngọc Thanh cũng kể: “Ông Weigang hơn tôi chừng vài ba tuổi thôi. Ổng lanh lắm! Mấy động tác thị phạm khó, làm không được, ông bắt tôi với Tam Lang thực hiện để khỏi bị quê trước anh em. Nhưng cái hay của ông Weigang này là sống hết mình và hết lòng chiều chuộng anh em cầu thủ. Mà cái tình với anh em của Weigang còn kéo mãi đến mấy chục năm sau. Cái nhà tôi đang ở nè (trên đường Thích Quảng Đức, Q. Phú Nhuận, TP.HCM - NV), ổng cho mượn tiền mua lúc ổng sang đây làm HLV đội tuyển VN năm 1995. Mấy chục năm xa cách mà ổng còn đối với tôi như thế, huống hồ là hồi xưa...”.
Chúng tôi tìm đến ông Trần Văn Ba, là người từng làm việc ở văn phòng “Tổng cuộc Túc cầu” trước năm 1975. Ông Ba nói: “Ôi chiến tranh loạn lạc, tôi cũng không biết số phận chiếc cúp đi về đâu. Nhưng những gì còn trong văn phòng tổng cuộc thì tôi bàn giao lại hết cho cán bộ tiếp quản”. Cán bộ tiếp quản các cơ sở thể thao lúc ấy là ai? Đó chính là các ông Lê Bửu, Nguyễn Thanh Toàn, Năm Xá... Ông Bửu cho biết: “Chắc là mất cả rồi. Nên nhớ vài tháng trước ngày thống nhất, sân Cộng Hòa là nơi quân đội chế độ cũ trưng dụng. Rồi sau ngày thống nhất, nơi này cũng là do bộ đội ta tiếp quản đầu tiên, mãi đến tháng 7-1975 chúng tôi mới vào TP.HCM và làm thủ tục tiếp nhận. Chính tôi là người đề xuất đặt tên sân này là Thống Nhất như hiện nay. Trong khoảng thời gian quân đội hai bên sử dụng đó, các kỷ vật thể thao chắc chẳng còn gì. Khi tôi vào mang tiếng là bàn giao chứ chẳng có gì cả”. |
“Biết cái “dớp” nhiều lần thua trận trước Miến Điện nên đêm trước trận chung kết, ông Weigang không đả động gì đến trận đấu. Sáng hôm sau, ông rủ cả đội đi dạo loanh quanh nơi ở. Không có chuyện banh, bóng hay chung kết gì cả… Buổi đi dạo đó chỉ có những trận cười đã đời từ những câu chuyện tếu giữa thầy trò với nhau. Nhờ có một cái đầu rỗng từ buổi đi dạo này, chúng tôi có một giấc ngủ thật ngon lành cùng một tâm trạng sảng khoái trước trận chung kết” - ông Mộng hào hứng kể về những phút giây cuối cùng trước khi bước vào trận đấu.
17g chiều cả đội lên xe ra sân (cách nơi ở khoảng 30 phút xe chạy). Tiếng cười vẫn rộn rã dù mọi người đang chuẩn bị bước vào trận đấu cực kỳ khó khăn với đối thủ xương xẩu là Miến Điện. “18g cả đội bắt đầu khởi động. Vẫn chưa thấy gương mặt ai lo lắng. Đó là một điềm lành mà ông Weigang đã đem lại cho chúng tôi trước trận chung kết” - ông Mộng kể.
Ông Weigang cùng những học trò của mình đã có một chiến thắng thật đẹp trên đất Malaysia, nhưng chiếc cúp vô địch có được trong trận kịch chiến ở Kuala Lumpur 39 năm về trước vẫn là nỗi đau cho những chủ nhân của nó mỗi khi được ai đó hỏi đến...
Chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 đang ở đâu?
Trong một tấm ảnh mà trung vệ Phạm Văn Lắm còn lưu giữ, chiếc cúp vô địch Merdeka 1966 có hình một cầu thủ đang co chân sút bóng rất đẹp. Ông Lắm cho biết chiếc cúp có đế bằng gỗ và nặng khoảng 5kg. Sau khi đội trở về Sài Gòn, chiếc cúp được đặt ở trụ sở Tổng cuộc Túc cầu trong sân vận động Cộng Hòa (nay là sân Thống Nhất). Theo thủ quân Tam Lang và các cựu tuyển thủ, chiếc cúp có lẽ đã bị thất lạc trong những ngày Sài Gòn giải phóng.
Còn theo ông Mộng, lần cuối cùng ông nhìn thấy chiếc cúp này là vào khoảng năm 1976. Ông kể một lần đi qua ngã tư Phú Nhuận (ông Mộng vẫn không nhớ được chính xác ở con đường nào - NV), ông tình cờ bắt gặp chiếc cúp lăn lóc trong một hàng lạc xoong ở lề đường.
“Tôi dừng xe hỏi mua.Người bán ra giá 500 đồng. Một số tiền quá lớn với tôi hồi ấy... Và thế là đành đau lòng chia tay chiếc cúp mà cả đội đã nỗ lực hết mình mới giành được. Chiếc cúp đã tuyệt tích từ đó! Nhưng tôi tin nó vẫn còn được một người nào đó lưu giữ, bởi với số tiền lớn như đã nói ở trên, người nào mua nó từ hàng lạc xoong trên vệ đường ngày ấy chắc chắn phải có tình yêu sâu nặng với bóng đá...”.
Mịt mờ về số phận của chiếc cúp nhưng những lão cầu thủ vẫn hi vọng: khi hình ảnh của chiến thắng Merdeka 1966 được tái hiện trên Tuổi Trẻ, biết đâu chủ nhân đang lưu giữ nó sẽ giúp nó trở về với bóng đá VN...
Hi vọng là thế!
-------------------
Tin, bài liên quan
Kỳ 1: Ngày rúng động thể thao thế giớiKỳ 2: Mai Văn Hòa và chữ ký giải nợ Chà vàKỳ 3: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 4: Gặp lại “kỳ quan bóng bàn thế giới”Kỳ 5: “Lưỡng thủ vạn năng” Phạm Văn RạngKỳ 6: Danh thủ Trương Tấn Nghĩa: tài năng và đào hoa!Kỳ 7: Danh thủ Thể Công làm HLV trên đất ĐứcKỳ 8: Ngã rẽ của ông Weigang và số phận chiếc cúp vô địch
Kỳ sau: Phạm Huỳnh Tam Lang - ký ức một thời vang bóng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận