17/07/2014 10:27 GMT+7

"ĐB Quốc hội phát biểu bài người khác là không nghiêm túc"

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ngày 16-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp để đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 7 và chuẩn bị bước đầu cho kỳ họp thứ 8.

tzqTMLum.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng - Ảnh: V.Dũng

Đi vào phân tích những hạn chế, bất cập của kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng tuy thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp rất lớn nhưng người nghe, xem lại không nhiều vì phát trong giờ hành chính mọi người bận làm việc, trong khi “giờ vàng” có nhiều người xem thì tin tức về Quốc hội lại ít được phát. “Cần tính toán lại cách đưa tin. Quốc hội của dân thì làm gì dân phải biết. Cách đưa tin cũng vậy, cần đưa những ý kiến trái ngược nhau, chứ cái gì cũng tốt cả thì tôi cho rằng cũng không tốt” - ông Sơn bày tỏ. Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bản báo cáo rút kinh nghiệm kỳ họp cần nêu rõ những hạn chế, yếu kém gắn với từng việc cụ thể, từng người cụ thể, không nên viết chung chung. “Chúng ta cần thẳng thắn với nhau. Hạn chế của cơ quan soạn thảo nào, dự luật nào, nội dung nào, cơ quan thẩm tra luật đó hạn chế gì, phó chủ tịch Quốc hội nào phải chịu trách nhiệm. Ví dụ luật nào thuộc cá nhân tôi phụ trách chỉ đạo mà còn những vấn đề hạn chế, yếu kém, chỗ nào chuẩn bị chưa kỹ thì cần được chỉ rõ để tôi cùng với cơ quan chuyên môn nghiên cứu, điều chỉnh” - bà Ngân nói. Bà cũng ái ngại trước tình trạng đại biểu Quốc hội điểm danh hộ, biểu quyết hộ nhau.

Ở một khía cạnh khác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lo ngại tình trạng phát biểu ở hội trường chỉ thiên về một phía có thể khiến dư luận hiểu méo mó về một vấn đề Quốc hội đang thảo luận. “Tôi thấy ở hội trường có một nhược điểm là các đồng chí am hiểu nhất lại không nói gì cả. Ví dụ khi thảo luận về nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, tại trung ương đã thảo luận và nhất trí cao, có nhiều đồng chí phát biểu, ở Thường vụ Quốc hội cũng nhiều đồng chí phát biểu, nhưng ra Quốc hội các đồng chí lại không phát biểu, không tranh luận với các đại biểu có ý kiến khác. Như vậy thì ra Quốc hội chỉ nói một chiều, lập luận của cơ quan trình, lập luận của cơ quan thẩm tra không được bảo vệ” - Chủ tịch Quốc hội nêu ví dụ. Cạnh đó, ông cũng nêu tình trạng “có đại biểu còn phát biểu bài của người khác, thế là không nghiêm túc, cần phải rút kinh nghiệm ngay”.

Liên quan đến đề án đổi mới nội dung chương trình sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý Bộ Giáo dục - đào tạo và Chính phủ phải chuẩn bị tốt để Quốc hội xem xét. “Ra Quốc hội thì phải nói rõ là thực hiện đề án cần bao nhiêu tiền. Dứt khoát là đề án thì phải có kinh phí để thực hiện, chứ trả lời như bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo vừa rồi là không được. Không có chuyện nói đến đề án mà lại không nói đến tiền” - Chủ tịch Quốc hội nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên