Đức, Mỹ căng thẳng vì hoạt động do thám
Bà Angela Merkel trong chuyến thăm Nhà máy FAW - Volkswagen tại Thành Đô, Trung Quốc ngày 6-7 - Ảnh: AFP |
Ngay trước thềm chuyến thăm, người đứng đầu Cơ quan tình báo nội địa Đức BfV Hans-Georg Maasen đã đưa ra lời cảnh báo các công ty của Đức đang đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng từ tình báo công nghiệp của Trung Quốc. Theo ông Maasen, tình báo công nghiệp từ rất nhiều đơn vị khác nhau ở Trung Quốc đang được đầu tư rất nhiều nguồn lực cho các hoạt động của mình.
“Rất nhiều công ty vừa và nhỏ của Đức là những con mồi ngon ăn” - ông Maasen nói với tờ Welt am Sonntag. Với thành phần tư nhân chiếm vai trò chủ chốt, các công ty vừa và nhỏ được coi là xương sống của nền kinh tế Đức.
Tình báo mạnh
"Chỉ riêng cơ quan tình báo kỹ thuật của Trung Quốc cũng có hơn 100.000 nhân sự rồi" Ông Hans-Georg Maasen |
“Họ thường không biết đâu là những báu vật của mình hay không biết phía còn lại quan tâm tới gì - ông Maasen nói - Họ đối mặt với lực lượng rất mạnh. Chỉ riêng cơ quan tình báo kỹ thuật của Trung Quốc cũng có hơn 100.000 nhân sự rồi”. Cho đến giờ đã có một loạt nước phát triển lên tiếng về việc tình báo Trung Quốc thường xuyên ăn cắp thông tin tình báo công nghiệp (dù Bắc Kinh vẫn phủ nhận). Mỹ vẫn cáo buộc tình báo Bắc Kinh ăn cắp công nghệ để hiện đại hóa kho vũ khí của mình.
Tình báo Trung Quốc nhắm vào tất cả các ngành từ nông nghiệp cho tới hàng không và công nghệ máy tính. Theo giới phân tích, việc ăn cắp này giúp Trung Quốc đỡ mất hàng chục năm phát triển công nghệ. Trong một số trường hợp, lực lượng tình báo nước này huy động cả sinh viên và kỹ sư thâm nhập hệ thống mạng các nước.
Chuyến đi của bà Merkel cũng đồng thời tập trung vào quan hệ thương mại khi bà mang theo một đoàn doanh nhân lớn. Thương mại song phương hiện đạt khoảng 140 tỉ euro/năm trong ba năm vừa qua.
Bà Merkel đã có chuyến thăm nhà máy của Volkswagen ở Thành Đô. Trong hôm nay, bà Merkel có cuộc hội đàm với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Bắc Kinh. Cuộc gặp với ông Tập Cận Bình là cuộc gặp thứ ba giữa hai lãnh đạo trong năm nay. Dự kiến trong chuyến đi, hai bên có thể ký thỏa thuận về thành lập liên doanh giữa Tập đoàn hàng không Lufthansa và Air China.
Lo ngại phụ thuộc
Về mặt kinh tế, hai nước đang trở nên phụ thuộc vào nhau hơn bao giờ hết. Khủng hoảng giai đoạn 2008-2009 khiến thị phần ở châu Âu thu hẹp và đẩy Trung Quốc trở thành thị trường mới quan trọng cho các tập đoàn như Siemens, Volkswagen... của Đức. Kể từ năm 2009, xuất khẩu từ Đức tới Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi. Tập đoàn Audi tuần trước tuyên bố đã xuất khẩu hơn 50.000 xe hơi tới Trung Quốc chỉ trong vòng một tháng. Với Volkswagen và dòng xe S-class của Mercedes, Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất của họ.
Theo Guardian, dù tầm quan trọng ngày càng tăng, giới doanh nhân Đức hiện cũng dè dặt về sự phụ thuộc vào kinh tế với Trung Quốc, đặc biệt sau khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine cho thấy tác hại thế nào của việc quá lệ thuộc vào một nguồn thị trường (khí đốt từ Nga). Dù chỉ khoảng 6% tổng xuất khẩu của Đức tới thị trường Trung Quốc nhưng riêng trong lĩnh vực máy móc, con số này lên tới 40%.
“Con số đó khiến tôi lo lắng - Klaus Meyer của Trường kinh doanh Trung Quốc - châu Âu nói với Guardian - Việc quá phụ thuộc vào một nước không bao giờ tốt cả”.
Theo ông Hans Kundnani của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu, tình hình căng thẳng ở biển Hoa Đông với Nhật khiến chính giới Đức thảo luận rất kỹ về khả năng xảy ra kịch bản “Crimea châu Á” trong quan hệ với Trung Quốc. “Mọi người giờ lo lắng quan hệ gần gũi của Đức với Trung Quốc có thể trở thành vấn đề” - ông Kundnani nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận