25/06/2014 07:25 GMT+7

Giám sát oan sai, đẩy mạnh giảm nghèo

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sáng 24-6, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã vào phiên bế mạc. Ngoài đánh giá cao tâm huyết thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của các vị đại biểu Quốc hội và nhân dân, Quốc hội đã ra những nghị quyết quan trọng khác.

Bế mạc họp Quốc hội: Sẽ nói rõ lập trường về biển ĐôngQuốc hội mạnh mẽ lên án Trung QuốcQuốc hội đã thể hiện rõ quan điểm về tình hình biển Đông

iYdRDqaY.jpg
Các đại biểu tại phiên bế mạc - Ảnh: V.Dũng

Ngoài nghị quyết về giám sát tình hình oan sai và đẩy mạnh giảm nghèo, các nội dung còn lại chỉ là phần nhắc nhở các bộ ngành về những phần việc được giao cần làm tốt hơn.

Giảm hộ nghèo, giảm oan sai

Thông qua nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát năm 2015, Quốc hội quyết định sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về “Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật” tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm 2015).

Tại kỳ họp thứ 10 sẽ tiến hành giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014”.

Cũng với đa số phiếu thuận, nghị quyết đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 được thông qua trước giờ khai mạc. Theo đó, Quốc hội giao Chính phủ thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu đến năm 2015 giảm tỉ lệ hộ nghèo trong cả nước còn dưới 5%, các huyện nghèo còn dưới 30%.

Trong giai đoạn 2016-2020 phải bảo đảm ít nhất 90% hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế, 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, trên 90% trạm y tế cấp xã có đủ điều kiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; điều chỉnh cơ cấu đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và chính sách bảo hiểm y tế để bảo đảm tăng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, người cận nghèo.

Hạn chế vay để đảo nợ

Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 được Quốc hội thông qua đã đề cập đến những nội dung cụ thể, yêu cầu cụ thể đối với các vị bộ trưởng, trưởng ngành.

Đối với lĩnh vực tài chính, qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Quốc hội yêu cầu “phải có các giải pháp cần thiết bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, nợ Chính phủ trong giới hạn cho phép; tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; rà soát, đánh giá tổng thể nợ công, nợ của Chính phủ để có giải pháp cân đối vay và trả nợ, bảo đảm an toàn nợ công trong dài hạn và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 8”.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, nghị quyết của Quốc hội nêu: có biện pháp triển khai kịp thời, có hiệu quả chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp thu, hoàn chỉnh đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình Quốc hội xem xét, quyết định vào kỳ họp thứ 8 để triển khai tổ chức thực hiện trong giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo. Đồng thời, Quốc hội yêu cầu căn cứ vào kết quả dự báo lao động việc làm hằng năm để có định hướng đối với hoạt động tuyển sinh, đào tạo phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động; rà soát, có giải pháp chấn chỉnh tình trạng mở trường đại học và tuyển sinh tràn lan.

Với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Quốc hội yêu cầu “tập trung rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, xác định các quy định trái Hiến pháp để đình chỉ thi hành...”.

Quốc hội lưu ý tổng Thanh tra Chính phủ có biện pháp chỉ đạo kiên quyết, dứt điểm đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân; xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân...

Lấy phiếu tín nhiệm: nhiều ý kiến khác nhau

Về việc kéo dài thời gian để thảo luận nghị quyết 35 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm mà trước đó được Quốc hội giải thích là “để thêm thời gian cân nhắc cẩn trọng, vì còn những quan điểm khác nhau”, Tuổi Trẻ đã hỏi ông Nguyễn Hạnh Phúc - chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kiêm người phát ngôn của Quốc hội - tại cuộc họp báo quốc tế về tình hình biển Đông. Ông cho biết: Qua ý kiến thảo luận trên hội trường, tổ, đoàn còn một số nội dung đại biểu băn khoăn.

Về đối tượng lấy phiếu, có ý kiến đề nghị nên mở rộng đối với các trưởng ngành không phải do HĐND bầu. Về thời gian cũng còn nhiều ý kiến khác nhau: có ý kiến đề nghị một năm một lần, có ý kiến đề nghị một nhiệm kỳ một lần, có ý kiến đề nghị hai lần một nhiệm kỳ. Mức ghi trên phiếu cũng có ý kiến khác nhau: có ý kiến đề nghị giữ ba mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp, nhưng cũng có ý kiến đề nghị chỉ hai mức: tín nhiệm, tín nhiệm thấp.

“Chính vì còn có ý kiến khác nhau nên Quốc hội cho lui lại, xem xét sửa đổi nghị quyết này sau” - ông nói.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên