23/06/2014 07:43 GMT+7

Cần có tranh luận ở nghị trường

QUỐC THANH ghi
QUỐC THANH ghi

TT - “Nếu với cơ chế hoạt động như hiện nay mà tăng đại biểu chuyên trách thì lãng phí ngân sách, tiền thuế của dân. Không chỉ lãng phí mà còn rất lãng phí”...

Xj9zF2Vm.jpg
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Ảnh: Việt Dũng

Đó là một trong những nhận xét của đại biểu NGUYỄN THỊ QUYẾT TÂM - chủ tịch HĐND TP.HCM - khi trao đổi với Tuổi Trẻ xoay quanh chuyện chất lượng hoạt động của Quốc hội qua từng kỳ họp. Bà Tâm nói:

- Tôi thấy hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, nhưng muốn nâng cao hơn về chất lượng thì phải tiếp tục đổi mới. Để đáp ứng đòi hỏi này, Quốc hội phải hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, còn nếu hoạt động với đa số đại biểu là kiêm nhiệm thì có thể bị chi phối bởi rất nhiều mối quan hệ xã hội tế nhị, các quyết định của Quốc hội cũng khó đạt được như mình mong muốn. Với suy nghĩ như vậy, tôi luôn mong Quốc hội được hướng sang hoạt động chuyên nghiệp với đội ngũ đại biểu chuyên nghiệp, hoạt động như một nghề.

* Bà từng nói trong nhiều tình huống, liệu người đại biểu có đủ dũng khí để có chính kiến của mình? Có phải đây là một trong những điều cốt lõi chi phối mạnh mẽ đến tính chuyên nghiệp của Quốc hội?

- Tôi nghĩ mỗi đại biểu Quốc hội đều cần phẩm chất trung thực. Trước hết là trung thực với chính mình, trung thực với những điều mà mình thấy đó là lẽ phải, là nguyện vọng chính đáng của nhân dân... Nếu không trung thực, ngại tranh luận, sợ đụng chạm thì lẽ phải hoặc những vấn đề quan trọng mà Quốc hội thảo luận sẽ khó được làm sáng rõ.

Chính bản thân tôi và nhiều cán bộ lãnh đạo khác cũng phải rất suy nghĩ khi mình nói về một vấn đề nào đó. Lời nói của mình không chỉ đó là chính kiến cá nhân mà còn là tiếng nói của một người lãnh đạo ở địa phương, ở một ngành. Nói một cách nào đó, đôi khi cũng rất giằng xé với chuyện nói hay không nói, nếu nói thì giải quyết được vấn đề gì, còn không nói thì trách nhiệm của mình như thế nào? Đó là chưa kể mỗi người có một gia đình, phàm là con người thì các mối quan hệ khác nhau luôn luôn len lỏi, đan xen trong quá trình mình đảm trách nhiều “vai” khác nhau. Vấn đề là xử lý các mối quan hệ đấy như thế nào để vẫn giữ được hài hòa trong xã hội nhưng vẫn làm tròn được trách nhiệm, tôi nghĩ không phải là dễ, do đó rất cần sự trung thực, dũng khí ở mỗi đại biểu của dân.

* Khi thảo luận việc sửa đổi quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, người dân thấy bà rất quyết tâm với đề nghị hai mức tín nhiệm. Điều này khác với ba mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình. Có phải trong tình huống này là một sự lựa chọn hết sức khó khăn?

- Tôi nghĩ đây là một vấn đề mới và Quốc hội cũng mới thực hiện. Khi đưa ra làm được đại biểu rất đồng tình và khi thực hiện được nhân dân hoan nghênh. Tuy nhiên, ngay từ đầu tôi và nhiều đại biểu đã đề nghị thực hiện phương án lấy phiếu với hai mức tín nhiệm.

Tất nhiên đây là vấn đề đã được Đảng bàn, có định hướng, tôi biết rõ điều đó. Nhưng tôi còn biết một điều nữa là Đảng luôn luôn lắng nghe và đại biểu Quốc hội là một kênh cần lắng nghe. Từ trước đến giờ, có những chuyện Đảng quyết định rồi nhưng người dân, đảng viên lại có ý kiến mà Đảng thấy hợp lý thì Đảng vẫn điều chỉnh cho phù hợp. Với suy nghĩ như vậy, tôi nêu chính kiến của mình như một sự đóng góp thêm tiếng nói với hi vọng Quốc hội xem xét, lựa chọn điều hợp lý nhất. Đảng có chủ trương, định hướng lãnh đạo và Quốc hội có chương trình thảo luận, cũng có nghĩa là tạo điều kiện cho đại biểu phát biểu suy nghĩ một cách dân chủ. Tôi phát biểu một phần là chính kiến của tôi, nhưng có một phần là tôi lắng nghe ý kiến của cử tri, nhất là cán bộ hưu trí - trong đó có nhiều người trước đây giữ các chức vụ còn cao hơn tôi hiện tại.

* Là một đại biểu Quốc hội, bà có thể chia sẻ điều gì khi nhiều người theo dõi các phiên họp của Quốc hội cho rằng sự tranh luận để tìm ra chân lý ở nghị trường còn hạn chế, hoạt động theo chế độ hội nghị nhưng dường như “hội” nhiều hơn “nghị”...?

- Theo tôi, Quốc hội cần đổi mới phương pháp thảo luận ở hội trường làm sao để vừa lắng nghe được những ý kiến của đại biểu, đồng thời tạo không gian để đại biểu thảo luận sâu, tranh luận những vấn đề quan trọng còn nhiều ý kiến khác nhau. Tôi cho rằng trong các phiên thảo luận ở hội trường cũng có sự tranh luận nhưng chưa thật nhiều, chưa tập trung. Thực tế các phát biểu lặp lại rất nhiều, có những bài phát biểu gần giống nhau, làm lãng phí thời gian hạn hẹp của Quốc hội ở mỗi phiên thảo luận.

Để hoạt động của Quốc hội ngày càng có tính chuyên nghiệp hơn thì tăng đại biểu chuyên trách là cần thiết. Nhưng nếu với cơ chế hoạt động như hiện nay mà tăng đại biểu chuyên trách thì lãng phí ngân sách, tiền thuế của dân. Không chỉ lãng phí mà còn rất lãng phí bởi quy định về xe phục vụ, nhân sự giúp đại biểu chuyên trách... Do vậy, trước hết cần giải quyết cơ chế để đại biểu chuyên trách có thể hoạt động chuyên nghiệp rồi mới tính đến nên tăng bao nhiêu đại biểu chuyên trách là hợp lý, đảm bảo chất lượng nhằm tránh được nguy cơ tiếp tục lãng phí nhiều hơn nữa.

* Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai):

Hai việc khó nói với cử tri

pLFly3o5.jpg
Ảnh: V.Dũng
Kỳ họp thứ 7 này có hai vấn đề đáng được quan tâm. Thứ nhất, nó diễn ra đúng vào thời điểm Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam. Về việc này, Chính phủ cũng như những thông điệp mà Thủ tướng đưa ra tại các diễn đàn quốc tế đựợc nhân dân đồng tình. Liên quan đến vấn đề này, chúng ta ghi nhận Quốc hội đã có thông báo, Ủy ban Đối ngoại có tuyên bố, nhưng nếu kết thúc kỳ họp Quốc hội không ra một tuyên bố hay một hình thức tương xứng thì đó không chỉ là điều đáng tiếc. Mấy hôm nay, rất nhiều cử tri đặt câu hỏi về chuyện sai trái của Trung Quốc, không riêng tôi, nhiều đại biểu Quốc hội tôi biết cũng chia sẻ ý kiến của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) và tôi biết nhân dân đang chờ xem Quốc hội sẽ hành xử như thế nào. Theo tôi, tiếng nói của Quốc hội không chỉ là tiếng nói của “cơ quan quyền lực cao nhất”, mà trong thực tế còn có giá trị của mặt trận “ngoại giao nhân dân”, rất quan trọng trong công cuộc vận động bạn bè quốc tế ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của dân tộc ta...

Vấn đề thứ hai có liên quan đến việc sửa đổi nghị quyết về “lấy phiếu tín nhiệm”. Tham gia các hoạt động trong kỳ họp vừa rồi ai cũng thấy từ văn bản thẩm định của cơ quan Quốc hội, phát biểu của các đại biểu trong thảo luận và qua phiếu thăm dò đều có cơ sở để kỳ họp này ra nghị quyết. Nay có thông tin sẽ hoãn lại. Tôi nghĩ rằng ở đây nếu chúng ta biết nghe dân và thu phục được lòng dân là cẩm nang thành công của mọi thời.

Nói tóm lại, nếu có việc hoãn thông qua nghị quyết sửa đổi về “lấy phiếu tín nhiệm” và nếu không có một hình thức tương xứng nào để Quốc hội bày tỏ thái độ đối với sự kiện biển Đông, cá nhân tôi thấy khó nói với cử tri của mình.

V.V.THÀNH - V.V.TUÂN ghi

* Đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình):

Cần xem lại thảo luận tổ

TiBvA2X1.jpg
Việc bố trí thảo luận nhiều ở tổ theo tôi là cần xem xét lại. Quốc hội làm việc theo chế độ tập thể, quyết theo đa số. Vì vậy nên bố trí thời gian thảo luận ở hội trường là chính. Và trong thảo luận ở hội trường cần có sự gợi ý, hướng dẫn để các đại biểu tập trung thảo luận những vấn đề cốt lõi của tình hình kinh tế - xã hội, của các dự án luật... Vừa qua việc thảo luận ở hội trường còn dàn trải, nhiều khi các đại biểu nêu ý kiến trùng nhau, người phát biểu sau lặp lại ý của người phát biểu trước. Nếu phát huy được không khí tranh luận trên hội trường mới “lật ngược, lật xuôi” vấn đề, góp phần quan trọng nâng cao hơn nữa chất lượng làm việc của Quốc hội.

* Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên):

Ít đại biểu thảo luận về ngân sách

dfV5DskI.jpg
Kỳ họp đã thảo luận thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến 18 dự án luật khác. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là thảo luận về ngân sách nhà nước lại ít ý kiến tham gia và ý kiến cũng chưa sâu. Buổi thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước 2012 chỉ có chín đại biểu phát biểu. Đây là vấn đề tôi băn khoăn vì có cảm giác như đại biểu Quốc hội chưa làm tròn trách nhiệm với nhân dân. Tôi đã đề nghị buổi thảo luận quyết toán ngân sách nhà nước nên truyền hình trực tiếp. Cần cải tiến cách thông tin và tăng cường sự trợ giúp để các đại biểu Quốc hội có tài liệu sớm, được tham khảo ý kiến chuyên gia về vấn đề quyết toán ngân sách nhà nước.

* Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (phó Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương):

Chưa thật sự tranh luận

awLdtLof.jpg
Quốc hội chúng ta không có những phiên để tranh luận tay đôi với nhau hoặc giữa các nhóm ý kiến còn khác nhau. Cho nên chúng ta mới thảo luận, chưa tranh luận. Điều đó dẫn đến hạn chế trong chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Theo tôi, về lâu dài cần nghiên cứu để bố trí những cuộc họp mang tính chất tranh luận, trước hết nên tổ chức ở cuộc họp đại biểu chuyên trách. Đồng thời cần tăng cường nhiều hơn các cuộc họp chuyên trách về những vấn đề còn ý kiến khác nhau nhằm tổ chức tranh luận đến cùng và cùng làm sáng tỏ những vấn đề được đặt ra.

V.V.THÀNH - V.V.TUÂN - Q.THANH ghi

QUỐC THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên