17/06/2014 15:03 GMT+7

Đại sứ Việt Nam tại Úc "phản pháo" luận điểm sai của Trung Quốc

TUỔI TRẺ ONLINE
TUỔI TRẺ ONLINE

TTO - Vừa qua, đại sứ Trung Quốc tại Úc cho đăng trên tờ The Australian bài viết liên quan đến sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có nhiều luận điểm phiến diện, sai trái.

Đại sứ Việt Nam tại Úc, ông Lương Thanh Nghị đã lập tức có bài viết "phản pháo" đăng trên tờ báo này.

UrZstiyf.jpgPhóng to
Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc - Ảnh:news.cn

Tàu Trung Quốc giăng “bẫy” tàu Việt NamTàu cá Trung Quốc manh động không kém tàu hải cảnhTàu Trung Quốc điên cuồng tấn công tàu Việt Nam

Sau đây là toàn văn bài viết của đại sứ Lương Thanh Nghị với tiêu đề "Luật biển và giới hạn hành xử của các nước". TTO xin giới thiệu nguyên văn bài viết này:

"Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan khổng lồ CNOOC981 sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một hành động khiêu khích và tiếp tục leo thang của Trung Quốc ở biển Đông.

Hành động này đã vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ấn định bởi Công ước về Luật biển của LHQ (UNCLOS), vi phạm Tuyên bố ứng xử của các bên tại biển Đông được ký giữa Trung Quốc và ASEAN năm 2002, và đe dọa tự do hàng hải, hòa bình, an ninh khu vực.

Theo UNCLOS, công ước mà cả Việt Nam và Trung Quốc là thành viên, quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế không được mở rộng ra quá 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.

Trong vùng đặc quyền về kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển.

Vì vậy, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trong khu vực cách đường cơ sở của VN từ 120 đến150 hải lý rõ ràng đã vi phạm quyền lợi hợp pháp của Việt Nam và bất chấp luật pháp quốc tế.

Trung Quốc cho rằng khu vực hạ đặt giàn khoan nằm trong vùng tiếp giáp của quần đảo Hoàng Sa do Trung Quốc quản lý, chỉ cách đảo Tri Tôn 17 hải lý. Tuy nhiên, Trung Quốc cố tình lờ đi 3 thực tế quan trọng sau:

- Thứ nhất, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử đáng tin cậy và cơ sở pháp lý vững chắc về sự thụ đắc hòa bình và quản lý liên tục, có hiệu quả đối với Hoàng Sa bởi các chính quyền Việt Nam ít nhất từ thế kỷ 17.

- Thứ hai, quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực vào năm 1974. Việt Nam chưa bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc và liên tục khẳng định chủ quyền của mình đối với Hoàng Sa.

- Thứ ba, yêu sách về “quyền lịch sử” không phù hợp với các quy định của UNCLOS. Như giáo sư Carlyle A. Thayer (nhà nghiên cứu nổi tiếng trên thế giới về biển Đông - ND) chỉ rõ, đề cập của Trung Quốc đến vùng tiếp giáp trong bối cảnh giàn khoan là không thích đáng. Vì vậy, lý lẽ bào chữa của Trung Quốc đối với vụ việc CNOOC981 là không đáng tin cậy cả trên thực tế và pháp lý.

Lấy cớ để bảo vệ giàn khoan, Bắc Kinh đã huy động hơn 120 tàu lớn, bao gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu săn ngầm, tàu tuần tiễu tấn công nhanh và nhiều máy bay chiến đấu đến khu vực giàn khoan. Tàu Trung Quốc đã cố tình đâm va và bắn vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự Việt Nam. Cả thế giới đã kinh ngạc khi xem đoạn băng ghi hình về việc tàu Trung Quốc cố tình đâm chìm một tàu cá Việt Nam nhỏ hơn rất nhiều, làm mười ngư dân Việt Nam chới với giữa biển khơi. Những hành động gây chết người như vậy là không thể chấp nhận được và vi phạm các chuẩn mực được thừa nhận rộng rãi của quan hệ quốc tế hiện đại.

Hơn nữa, Trung Quốc tùy tiện cấm tất cả các tàu khác đi vào khu vực cách giàn khoan 3 hải lý. Tàu Trung Quốc thậm chí cản trở tàu Việt Nam tại khu vực cách giàn khoan 17 hải lý. Đây là một sự vi phạm khác đối với luật pháp quốc tế vì UNCLOS chỉ cho phép khu vực an toàn không quá 500m xung quanh các cấu trúc nhân tạo được lắp đặt. Hành động như vậy đã vi phạm tự do hàng hải và đe dọa an toàn các tàu thương mại và đánh cá qua lại trên biển Đông.

Việt Nam cam kết giải quyết hòa bình tất cả các tranh chấp. Điều này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nêu rõ nhiều lần. Không một tàu chiến nào của Việt Nam được điều đến khu vực giàn khoan. Các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam được chỉ đạo tránh các hành động nguy hiểm của phía Trung Quốc. Việt Nam đã cố gắng liên lạc trực tiếp hơn 30 lần với Trung Quốc mà chưa nhận được phản hồi phù hợp.

Vì Trung Quốc phớt lờ thiện chí của Việt Nam, Việt Nam đã phải tiến hành các biện pháp hòa bình khác như nêu vấn đề tại các diễn đàn của ASEAN và Liên Hiệp Quốc. Việt Nam sẵn sàng tất cả các biện pháp hòa bình để bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trong khi bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực.

Đại sứ Trung Quốc tại Úc Mã Triều Húc đã đúng khi nói rằng “Trung Quốc và Việt Nam là láng giềng; quan hệ song phương tốt là lợi ích chung của nhân dân hai nước”. Việt Nam luôn mong muốn hợp tác cùng Trung Quốc để giải quyết một cách hòa bình và công bằng các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Chúng tôi hoan nghênh cam kết của đại sứ Mã về “cùng nhau hợp tác”.

TUỔI TRẺ ONLINE
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên