Đang kiểm tra tài sản phó Tổng thanh tra chính phủ
Đại biểu Lê Việt Trường - Ảnh: V.Dũng |
- Làm thế nào để bảo đảm chất lượng kê khai tài sản? Qua thực tế chất vấn tại kỳ họp này mới thấy rõ, bộc lộ những khe hở. Ví dụ một cán bộ kê khai không có tiền gửi ngân hàng, chỉ có một nhà chung cư thôi, nhưng sau khi về hưu lại có một khối lượng tài sản khổng lồ xuất hiện thì phải có cơ chế để cơ quan bảo vệ pháp luật có thể yêu cầu phải giải trình. Do vậy, cần sửa đổi về thể chế, bổ sung quy định những liên quan đến vấn đề này. Còn như hiện nay, qua cách trả lời chất vấn của Tổng thanh tra Chính phủ như thế là bế tắc. Về hưu rồi thì coi như nằm ngoài vòng kiểm soát.
* Nhưng thưa ông, như Tổng thanh tra nhìn nhận biện pháp kê khai, minh bạch tài sản để phòng ngừa tham nhũng lại là một trong những biện pháp kém hiệu quả nhất. Ông nghĩ gì về điều này?
- Tôi cũng nhìn nhận điều này vì chúng ta thực hiện kê khai có một chiều, thiếu những cơ chế để kiểm tra, xác minh. Với một nền kinh tế tiền mặt như ở nước ta và nguồn thu nhập của một người không được phản ánh qua một tài khoản cố định thì biện pháp kê khai tài sản để phòng ngừa tham nhũng kém hiệu quả cũng là đương nhiên.
* Ông nghĩ như thế nào về trả lời của Tổng thanh tra đối với vấn đề liên quan đến khối tài sản của Phó tổng thanh tra Ngô Văn Khánh?
- Tôi nghĩ Hiến pháp mới thông qua năm 2013 cũng như Hiến pháp cũ đều khuyến khích người dân làm giàu hợp pháp. Có nghĩa là cán bộ, công chức cũng có quyền làm giàu hợp pháp. Nhưng khi khối tài sản mà dư luận đặt vấn đề thì phải xem xét. Việc đối chiếu bản kê khai tài sản của vị phó tổng thanh tra với từng loại tài sản thực tế chỉ là một việc thôi. Điều quan trọng là chứng minh tính hợp pháp của khối tài sản đó, nguồn gốc từ đâu ra. Nếu các cơ quan có trách nhiệm yêu cầu người đó chứng minh được nguồn gốc khối tài sản được dư luận quan tâm, tôi thấy là việc đáng mừng. Nhưng nếu không chứng minh được tài sản do đâu mà có thì phải xem xét nó ở đâu ra, có biện pháp xử lý.
* Liên quan đến những ồn ào bổ nhiệm hàng loạt cán bộ trước lúc nghỉ hưu mà Tổng thanh tra trả lời chất vấn, đại biểu có xem đây là một biểu hiện của tham nhũng ẩn nấp dưới công tác cán bộ?
- Khi tôi tiếp nhận thông tin này qua báo chí, tôi suy nghĩ điều này có thể là bình thường, nhưng cũng có thể là không bình thường. Bình thường nếu như công tác cán bộ được xem xét, triển khai theo quy trình, thủ tục quy định của pháp luật là không sao cả. Thế nhưng khi xen một động cơ nào vào đây hoặc gượng ép, thậm chí có trường hợp bỏ qua một số quy trình, quy định, thì các cơ quan có trách nhiệm phải yêu cầu Thanh tra Chính phủ tường trình lại toàn bộ sự việc, cần xem lại từng trường hợp một có đúng quy trình công tác cán bộ không. Nếu không đúng, dù chỉ vài trường hợp không chứng minh được tính khách quan, tính chính danh, rõ ràng là có chuyện, phải xem xét lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận