12/06/2014 10:18 GMT+7

Đang kiểm tra tài sản phó Tổng thanh tra chính phủ

C.MAI - T.MAI
C.MAI - T.MAI

TTO - Về dư luận tài sản "khủng" của Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh,Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết đã chủ động yêu cầu ông Khánh báo cáo trước ban cán sự đảng chính phủ về nguồn gốc và quá trình kê khai tài sản từ 2007 đến nay.

HCmFqAhu.jpg
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chất vấn ba vấn đề: Thanh tra chính phủ có giải pháp gì mang tính đột phá trong phòng ngừa tham nhũng trong thời gian tới? Thứ hai là nguyên nhân chủ quan liên quan đến đạo đức cán bộ thanh tra phòng chống tham nhũng. Thứ ba là thời gian qua, có dư luận và báo chí có nêu về một phó tổng thanh tra chính phủ có quá nhiều tài sản, điều này có đúng không và hướng xử lý thế nào?

Rn6aHTRS.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: Việt Dũng

Về vấn đề giải pháp, theo ông Huỳnh Phong Tranh, Thanh tra chính phủ đánh giá có 4 giải pháp phòng ngừa hiệu quả tích cực gồm: công khai tài sản, công khai minh bạch hoạt động trong các cơ quan, đơn vị; thứ hai là xây dựng, thực hiện chế độ định mức tiêu chuẩn; thứ ba là thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc nghề nghiệp; thứ tư là cải cách hành chính.

Hai giải pháp được đánh giá là có hiệu quả trung bình gồm: chuyển đổi công tác; trả lương qua tài khoản.

Ba giải pháp được xem là có hiệu quả thấp gồm: minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nộp lại quà tặng; xử lý trách nhiệm người đứng đầu.

Thời gian tới, thanh tra chính phủ có đề xuất những giải pháp gồm: Chính phủ và Quốc hội nên nghiên cứu tiếp tục sửa đổi luật phòng chống tham nhũng theo hướng luật càng ngày càng chặt chẽ và có tính pháp lý cao hơn; thứ hai là triển khai tích cực chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác kê khai tài sản, thu nhập, thứ ba là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy.

Về năng lực đạo đức cán bộ đáp ứng nhu cầu thanh tra phòng chống tham nhũng, ông Huỳnh Phong Tranh nhận trách nhiệm vì trong thời gian qua ngành thanh tra cũng đã tham gia tích cực trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng nhưng mức độ chưa nhiều, chưa đạt.

Về dư luận tài sản "khủng" của Phó Tổng Thanh tra chính phủ Ngô Văn Khánh, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết: qua nhiều lần kê khai tài sản của nhiều năm, đối chiếu lại, ông Khánh kê khai tài sản đúng theo quy định của pháp luật.

"Chúng tôi đã đề nghị ông Ngô Văn Khánh báo cáo giải trình về việc kê khai này và ông Khánh đã giải trình trước ban cán sự đảng chính phủ và tập thể lãnh đạo của Thanh tra Chính phủ và đã gửi các cơ quan chức năng theo dõi, đối chiếu.

Thứ ba, hiện nay ông Khánh thuộc diện Ban bí thư quản lý nên Ủy ban kiểm tra trung ương đã vào kiểm tra và cùng phối hợp với ban cán sự đảng chính phủ nắm tình hình và đang đối chiếu tài sản của ông Khánh với bản kê khai để xem mức độ chính xác như thế nào và sẽ có kết luận".

Tham nhũng ít hay phát hiện khó hơn?

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) hỏi ông Tranh: Dù ngành thanh tra đã có nhiều nỗ lực trong việc thanh tra phát hiện tham nhũng nhưng vì sao tình hình tham nhũng ngày càng tăng?

Ông Thuyền dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng muốn chống tham nhũng hiệu quả trước tiên phải chống tham nhũng ngay trong chính cơ quan phòng chống tham nhũng, hỏi tổng Thanh tra Chính phủ rằng việc này có đúng hay không? Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì để thực hiện việc này, bắt đầu từ đâu?

Ông Thuyền cũng đặt câu hỏi vì sao có tình trạng số vụ tham nhũng bị phát hiện, có dấu hiệu hình sự nhưng thanh tra không chuyển hoặc chậm chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý?

Đại biểu Nguyễn Văn Rinh cũng đặt câu hỏi giải pháp kê khai tài sản hiện nay có phải là giải pháp hữu hiệu để phòng chống tham nhũng hay chưa?

Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dẫn các số liệu về việc phát hiện, xử lý các vụ tham nhũng qua các năm, số vụ phát hiện, chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự càng giảm trong khi nhận định, đánh giá của Thanh tra Chính phủ về công tác phát hiện xử lý tham nhũng là ngày càng tiến bộ.

Ông Hiến hỏi tổng Thanh tra Chính phủ: "Tham nhũng bị đẩy lùi hay việc phát hiện tham nhũng ngày càng hạn chế?". Tương tự ông Hiến, nhiều đại biểu cũng đề nghị Tổng thanh tra Nguyễn Phong Tranh đánh giá: Các số liệu vụ tiêu cực, tham nhũng bị phát hiện có phản ánh đúng tình hình tham nhũng hiện nay hay không?

Ông Nguyễn Văn Hiến cũng chất vấn về công tác phòng chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng hiện ra sao. Thanh tra Chính phủ có báo cáo đã xử lý 12 cán bộ công chức vi phạm nhưng đọc thấy những vi phạm này chẳng liên quan gì tới tham nhũng (như vi phạm Luật giao thông, sinh con thứ 3...). Thanh tra Chính phủ đã triển khai công tác phòng chống tham nhũng trong lực lượng thanh tra như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn nói vừa qua cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao việc chúng ta liên tục xử lý những vụ án tham nhũng lớn, đánh giá cao nỗ lực của các ngành các cấp trong công cuộc chống tham nhũng cam go không thua gì trong chống ngoại xâm.

Ông Sơn chất vấn cụ thể tổng Thanh tra Chính phủ về vụ án Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) vừa được TAND TP Hà Nội xét xử: Sao các bị cáo không có tình tiết giảm nhẹ mà hầu hết đều được tuyên ở khung hình phạt thấp? Mức án đó liệu đủ sức răn đe, phòng chống tham nhũng hay không? Sao VKS giữ nguyên quan điểm truy tố, tòa kết tội nhưng các bị cáo vẫn kêu oan, phải chăng luật pháp của chúng ta có cách vận dụng khó hiểu?

Đại biểu Trương Văn Vở (tỉnh Đồng Nai) chất vấn ông Nguyễn Phong Tranh về những món nợ văn bản, việc chậm triển khai chủ trương trong phòng chống tham nhũng: xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, khen thưởng bảo vệ người tố cáo tham nhũng, tố giác tội phạm.

3.000 người có dấu hiệu kê khai tài sản không trung thực

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Rinh (Hải Dương) về việc tham nhũng diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhưng kết quả của việc kê khai tài sản và tác dụng của nó đến nay như thế nào, theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, việc kê khai tài sản thu nhập được thực hiện từ năm 2008, đến nay hằng năm đều thực hiện việc kê khai: gồm kê khai lần đầu và kê khai bổ sung cho những người có phát sinh, những người có biến động tài sản cần kê khai bổ sung.

Ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ năm 2013 đến nay, sau khi luật phòng chống tham nhũng sửa đổi năm 2012 có hiệu lực, việc kê khai có tiến bộ hơn. Chính phủ đã ban hành nghị định số 78 về hướng dẫn thi hành luật phòng chống tham nhũng sửa đổi.

Đầu năm 2013, có trên 642.000 người kê khai, đạt hơn 98% và công khai trên 59%.

Đến nay có hơn 919.000/ 935.000 người đã kê khai tài sản, đạt 98%. Trong số kê khai này, có hơn 200.000 bản kê khai thuộc cấp ủy quản lý.

Trong quá trình kê khai tài sản thu nhập, khoảng 3.000 người có dấu hiiệu kê khai không trung thực, không rõ ràng và đã được xác minh làm rõ. Trong quá trình thực hiện, đã có 88 cán bộ đã được xử lý bằng các hình thức do kê khai không trung thực, chậm kê khai và vi phạm các quy định về kê khai tài sản.

Sẽ tích cực chuyển cơ quan điều tra xử lý vi phạm

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền rằng thanh tra ít chuyển, chậm chuyển vụ việc đã phát hiện dấu hiệu vi phạm qua Cơ quan điều tra để xử lý hình sự, ông Huỳnh Phong Tranh nói vừa qua ngành thanh tra đã tích cực trong việc phát hiện, chuyển cơ quan điều tra, nhưng đúng là chuyển chưa nhiều.

Bên cạnh đó, khi chuyển thì tính khả thi của việc điều tra truy tố xét xử cũng chưa đầy đủ lắm, yếu tố cấu thành tội phạm tham nhũng cũng chưa rõ lắm. Vấn đề này, ngành thanh tra sẽ tiếp tục triển khai, quan tâm thực hiện, tích cực chuyển các vụ việc sai phạm tới cơ quan điều tra xử lý.

Vừa qua, thanh tra đã chuyển hơn 200 vụ việc (240 người vi phạm) qua cơ quan điều tra đề nghị xử lý hình sự, trong đó Thanh tra Chính phủ chuyển hơn 40 vụ.

Trả lời chất vấn của đại biểu Điểu K' Rứ (Đắk Nông) về việc giải quyết những vụ khiếu nại kéo dài, ông Tranh cho biết trong 528 vụ việc khiếu nại kéo dài mà Thanh tra đã giải quyết (năm 2012-2013) thì hầu hết là các vụ khiếu nại phức tạp, có vụ đã kéo dài 30-40 năm. Thanh tra đã tích cực phối hợp với các địa phương để phối hợp giải quyết, tăng cường đối thoại với người khiếu nại trước khi ban hành quyết định.

Tổng thanh tra Huỳnh Phong Tranh lý giải nguyên nhân các vụ khiếu nại tồn đọng kéo dài hàng chục năm trên liên quan chính sách đất đai từ trước tới giờ như hợp tác hóa sản xuất nông nghiệp, chính sách thu hồi đền bù giải tỏa... Việc chính sách ban hành sau luôn có lợi hơn cho người dân nên là nguyên nhân phát sinh khiếu nại.

Việc giải quyết các vụ tồn đọng kéo dài đã đạt được một số kết quả như: cơ quan nhà nước đã khôi phục quyền lợi, hỗ trợ cho dân là trên 1.300 tỉ, 34ha đất sản xuất, 0,8ha đất ở... Có lẽ đây là việc giải quyết mang lại quyền lợi trực tiếp cho người dân, khôi phục quyền lợi cho người dân. Hiện vẫn còn 38 vụ kéo dài với khiếu nại phức tạp vẫn đang tiếp tục được giải quyết.

Liên quan việc đấu tranh phòng chống tham nhũng trong chính lực lượng phòng chống tham nhũng (thanh tra) và chủ trương tới, việc xửu lý cán bộ trong ngàng thanh tra toàn quốc, từ 2011-2013 toàn ngàng có 85 cán bộ công chức bị xử lý/28.000 cán bộ toàn ngành, có 14 người bị xử lý hình sự, có 11 người có dấu hiệu tham hhũng.

Riêng về số liệu cán bộ công chức của Thanh Tra Chính phủ bị xử lý ít, ông Tranh cho rằng nhiều năm qua ngành đã khắc phục nhiều hạn chế, yếu kém, nhưng vẫn còn nổi lên mấy nguyên nhân trong đó vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh xử lý cán bộ do bệnh thành tích, trong thời gian tới sẽ tập trung hơn.

Giải pháp sắp tới, theo Tổng thanh tra thì có nhiều: như khắc phục tình trạng nể nang, tăng cường giáo dục tư tưởng cán bộ, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu... nhưng theo ông, từ khi thực hiện Nghị quyết 04 thì thanh tra đã kiểm điểm nghiêm việc này.

Liên quan chất vấn của đại biểu về việc xử lý kết luận sau thanh tra còn thấp, Tổng Thanh tra Chính phủ nói có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do thiếu chế tài trong việc không thực hiện kết luận thanh tra, việc này Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định xử lý sau thanh tra.

Quy định của pháp luật hiện nay thì Thanh Tra chỉ có thẩm quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm chứ thanh tra không có quyền tự xử lý, không có quyền cưỡng chế thi hành. Sắp tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với Ngân hàng nhà nước dự thảo thông tư, cho phong tỏa tải khoản của đơn vị vi phạm đã có kết luận thanh tra nhưng không chịu thi hành.

Xử lý tham nhũng kiểu "Giơ cao đánh khẽ"?

Tiếp tục chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Phong Tranh liên quan việc xử lý tham nhũng, đại biểu Lê Trọng Sang (đoàn TP.HCM) nói: qua tiếp xúc cử tri, băn khoăn lo lắng vì cho rằng việc xử lý cán bộ tham nhũng thời gian qua còn nhiều vụ chưa nghiêm, còn tình trạng "giơ cao đánh khẽ", một số vụ tham nhũng xử lý còn chậm, vì sao kết quả thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng trong những năm qua còn thấp.

Theo số liệu cụ thể thì năm 2011, tài sản trong các vụ tham nhũng thu hồi được là 59,5/267,4 tỉ; năm 2013 thu hồi 59/117 tỉ đồng. Tổng Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì?

Đại biểu Đỗ Văn Đương cũng tiếp tục chất vấn: kết quả giải quyết khiếu nại của người dân có nêu 20% khiếu nại của người dân là đúng, như vậy tức là 20% quyết định của chính quyền là sai? Vậy Thanh tra Chính phủ đã giải quyết những trường hợp làm sai trên như thế nào?

Bổ nhiệm ồ ạt 60 cán bộ thanh tra là có sai sót

Trong gần một giờ đầu phiên chất vấn buổi chiều, các đại biểu tiếp tục đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trả lời về các khối tài sản đồ sộ của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền được phát hiện sau khi ông Truyền về hưu.

Đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP.HCM) thẳng thắn: Với tư cách là người đương nhiệm đứng đầu ngành Thanh tra Chính phủ, Tổng thanh tra nhìn nhận vụ việc này như thế nào? thông tin có chính xác hay không?

Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cũng tiếp lời: Quan điểm của chính đồng chí về khối tài sản khổng lồ của cựu Tổng Thanh tra Trần Văn Truyền ra sao? Đề nghị Tổng thanh tra trả lời rõ về việc bổ nhiệm vội vàng 60 cán bộ của Thanh tra Chính phủ trước khi cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền nghỉ hưu.

"Thanh tra là tai mắt của Chính phủ, nhân dân nên tai phải thính, mắt phải tinh, công tác cán bộ là rất quan trọng", bà An nói.

Trước đó, đại biểu Lê Đắc Lâm (tỉnh Bình Thuận) cũng chất vấn: khi đương chức thì cựu tổng thanh tra Chính phủ có kê khai tài sản không? Thanh tra Chính phủ có giải pháp gì để quản lý kê khai tài sản cán bộ về hưu, nhất là biện pháp gì xác minh nguồn gốc tài sản kê ?

Trả lời câu hỏi trên, ông Huỳnh Phong Tranh nói: Sau khi có thông tin trên thì Thanh tra Chính phủ có xác minh thì thấy khi đương chức, cựu Tổng thanh tra Trần Văn Truyền có kê khai đầy đủ, không có sai phạm gì. Còn chuyện kê khai tài sản khi nghỉ hưu thì hiện không có quy định. Thanh tra sẽ nghiên cứu đề xuất để có biện pháp quản lý đồng bộ.

Ông Tranh cũng cho biết hiện ông Trần Văn Truyền sinh hoạt Đảng tại Đảng bộ tỉnh Bến Tre, thuộc Ban bí thư quản lý và đã có chỉ đạo Ủy ban kiểm tra trung ương theo dõi vụ tài sản của ông Truyền.

Liên quan việc bổ nhiệm ồ ạt 60 cán bộ mà báo chí đã đăng, ông Tranh thừa nhận là có nhiều điểm chính xác. Việc bổ nhiệm 60 cán bộ này có 3 sai sót như: thời gian bổ nhiệm chưa đầy đủ, bổ nhiệm quá nhiều cấp phó so với chỉ tiêu quy định và có cán bộ được bổ nhiệm chưa đủ điều kiện, năng lực chưa đáp ứng.

Về việc này, tổng thanh tra Chính phủ nói đã có chỉ đạo, khắc phục kịp thời.

Tổng Thanh tra cũng tiếp thu ý kiến của đại biểu Bùi Thị An về việc chưa tổ chức thanh tra, phát hiện tỉ lệ chi sai ngân sách nhà nước, có vụ báo chí đã đăng. Thanh tra Chính phủ sẽ cho kiểm tra lại và trả lời sau.

Ông Huỳnh Phong Tranh cũng thừa nhận việc đại biểu chất vấn về tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ tham nhũng hiện quá thấp (chỉ từ 12-15%) và cho biết đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tăng cường năng lực hiệu lực của cơ quan thi hành án, sẽ có chế tài mạnh hơn. Tổng Thanh tra cũng nói sẽ học tập các nước về cơ chế việc thu hồi tài sản, nghiên cứu chương thu hồi tài sản trong công ước của Liên hiệp quốc để áp dụng vào luật Việt Nam.

Tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng: vấn đề nhức nhối

ESMcvDvA.jpgPhóng to
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng

Đánh giá về phần trả lời của Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét phần trả lời chất vấn của Tổng Thanh tra Chính phủ sâu, rất thẳng thắn, kể cả những vấn đề công tác cán bộ, kỷ luật cán bộ, tiền bạc, tài sản, công khai, minh bạch.

Chủ tịch quốc hội nhấn mạnh đấu tranh phòng chống tham những là việc rất cấp bách và lâu dài. So với tình hình tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí thì cuộc đấu tranh phòng chống tham những chưa đạt yêu cầu. Nhiệm vụ đặt ra đối với lực lượng này là cần nỗ lực, tích cực hơn nữa để ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

Về việc xử lý các vụ khiếu nại, khiếu kiện của nhân dân còn tồn đọng, các ngành đã phối hợp giải quyếr rất tích cực và cơ bản đã giải quyết xong, đây là điều rất tốt. Đã giải quyết được 528 vụ, trong đó có những vụ phức tạp và lâu dài, tuy nhiên vẫn còn 36 vụ tồn đọng lâu dài nhưng rất phức tạp. Vấn đề đặt ra là chúng ta vừa phối hợp giải quyết tiếp 36 vụ này, đồng thời ngăn chặn và hạn chế tối đa những vụ tồn đọng mới.

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, trong lực lượng đấu tranh phòng chống tham nhũng, biểu hiện tiêu cực vẫn còn mặc dù chúng ta đã xử lý. Có nhiều biệu hiện tiêu cực, thậm chí là tham nhũng, tiếp tay, là nguyên nhân gây ra tham nhũng và tiêu cực. Hiện tượng này vẫn còn nhức nhối và cũng là vấn đề quốc hội đặt ra đối với tổng thanh tra và các ngành liên quan khác trong việc đấu tranh này.

Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói muốn đấu tranh phòng chống tham nhũng thành công thì phải đấu tranh trước hết và thành công trong chính lực lượng chống tham nhũng.

Từ đó Quốc hội đặt ra cho Tổng tanh tra chính phủ và các ngành, các cấp là hoàn thiện thể chế trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Bầu Kiên bị phạt 30 năm tù là không thấp

Liên quan chất vấn của các đại biểu về vụ án Nguyễn Đức Kiên, ông Trương Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao đã có báo cáo giải trình thêm.

eM9unu2S.jpg
Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình - Ảnh: Việt Dũng

Chánh án Trương Hòa Bình cho biết Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã căn cứ vào các hồ sơ tài liệu mà cơ quan điều tra thu thập, kết quả thẩm vấn tại phiên tòa để ra phán quyết và Hội đồng xét xử độc lập, chịu trách nhiệm về phán quyết của mình, Chánh án tôn trọng.

Tuy nhiên, ông Bình cũng giải thích rõ mức án của từng tội danh trong mà tòa đã tuyên án Bầu Kiên, so sánh với mức án mà VKS đề nghị thì bản án tòa tuyên cao hơn. Ngoài việc tuyên phạt và tổng hợp bản án buộc Nguyễn Đức Kiên phải chấp hành 30 năm tù thì tòa còn phạt bổ sung bị cáo 75 tỉ đồng trốn thuế, 100 triệu đồng tội lừa đảo và khởi tố tiếp 2 vụ án hình sự có liên quan.

"Mức án 30 năm tù trong một đời người thì không phải là thấp", ông Bình nói. Theo ông Bình, bản án của TAND TP Hà Nội là khá toàn diện. Khi vụ việc có kháng cáo kháng nghị thì TAND Tối cao cũng sẽ tiếp tục xem xét theo quy trình.

C.MAI - T.MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên