02/06/2014 09:33 GMT+7

Phải có nội lực mạnh để độc lập và phát triển

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH thực hiện
V.V.THÀNH - C.V.KÌNH thực hiện

TT - TS Nguyễn Đức Thành - giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) - nói:

Teo tóp thị trường xuất khẩu gạoTái cơ cấu phải phụ thuộc vào thị trường"Lo lắng kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc"

- Phụ thuộc vào một thị trường dù là thị trường Trung Quốc hay thị trường nào khác cũng khiến ta ở thế bị động, họ “ngắt cầu dao” là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Sâu xa hơn, việc Trung Quốc dễ dãi trong việc nhập khẩu hàng thô, chưa qua chế biến sẽ khiến VN mãi ở thế sản xuất, xuất khẩu nông sản và khoáng sản thô, ít nỗ lực sản xuất để đáp ứng thị trường khó tính hơn, qua đó thu được giá trị gia tăng cao hơn. Và chính nguồn hàng hóa, nguyên vật liệu giá rẻ ngay bên cạnh sẽ dần bóp chết sản xuất một số ngành của VN. Thực tế là các nước như Thái Lan, Malaysia... tập trung vào sản xuất công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao hơn đã không bị hiện tượng nhập siêu từ Trung Quốc.

Theo tôi, khi có khó khăn với thị trường Trung Quốc cũng là cơ hội để doanh nghiệp VN thay vì tìm mọi cách có nguyên liệu giá rẻ để cạnh tranh bằng giá thì chuyển sang phân khúc cao hơn, cạnh tranh bằng chất lượng, mẫu mã, uy tín thương hiệu... Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ xu hướng này.

* Nhưng thực tế giảm phụ thuộc vào Trung Quốc sẽ không dễ?

- Chúng ta cần tính toán đa dạng hóa nguồn cung cấp, giá có thể đắt hơn, nhưng doanh nghiệp cần tính xa hơn và có thể sẽ phải chấp nhận việc quay vòng vốn chậm hơn. Thời buổi toàn cầu hóa, cả thế giới là một thị trường nên không sợ thiếu nguyên vật liệu. Theo tôi, Chính phủ cũng đã có chuẩn bị. Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, Liên minh thuế quan (Nga - Belarus - Kazakhstan)... là cơ sở để chúng ta tiếp tục mở rộng và đa dạng hóa thị trường. Thuế giảm sẽ giảm giá khi nhập khẩu các mặt hàng từ các thị trường này và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

* Cái may là chúng ta đã thấy ngay những ngành có thể bị ảnh hưởng, đã thấy những ảnh hưởng về du lịch, những lo lắng về an ninh năng lượng... Nên đã đến lúc VN cần chuẩn bị, thay đổi?

- Chúng ta cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh cho khách du lịch, tạo thuận lợi cho khách du lịch Trung Quốc, không nên có những hành động cực đoan, không phù hợp với ứng xử văn minh. Nhưng cũng cần tính tăng chất lượng dịch vụ, hướng vào các thị trường khác. Như ai cũng biết, một khách du lịch từ Mỹ, EU hay Nhật Bản sang VN thường có mức chi tiêu nhiều gấp 5-10 lần so với du khách từ Trung Quốc. Vậy thay vì lo thiếu khách Trung Quốc, có thể tập trung để tăng khách từ các thị trường kia.

* Một trong những giải pháp để giúp hàng VN giá rẻ hơn khi xuất khẩu là phải giảm giá VND. Theo ông, đã đến lúc làm chưa?

- Tôi cho rằng sau sự kiện căng thẳng ở biển Đông, VN cần tính toán điều chỉnh tỉ giá để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa VN. Đồng tiền VN nhiều năm nay liên tục mỗi năm mất giá khoảng 5%. Trong khi đó, tỉ giá của VND với USD thay đổi rất ít. Giá VND cao, đồng nghĩa giá nhập khẩu vào rẻ và giá hàng xuất khẩu của VN đắt hơn, khó cạnh tranh hơn. Đã đến lúc tính toán giảm giá VND để hỗ trợ doanh nghiệp VN xuất khẩu và doanh nghiệp sản xuất phục vụ thị trường trong nước.

Nhìn rộng ra thì để giảm rủi ro, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, câu chuyện không chỉ đơn thuần là kinh tế. Điều quan trọng là chúng ta phải đặt mục tiêu, có chiến lược theo đuổi một mô hình phát triển có chất lượng tốt hơn Trung Quốc, từ thể chế cho đến môi trường kinh doanh, văn hóa ứng xử, thông tin cởi mở, hợp tác và ứng xử linh hoạt với thế giới... Chúng ta phải có chính nghĩa nhưng cũng phải có nội lực đủ mạnh, bước nhanh vào thế giới văn minh thì mới có đủ sức mạnh mềm để độc lập và phát triển.

Đại biểu ĐẶNG NGỌC TÙNG (chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):

Không để hoàn toàn lệ thuộc vào nền kinh tế nào

Chính phủ cần tính toán các giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế, không để hoàn toàn lệ thuộc vào một nền kinh tế nào. Cần tính toán các phương án đưa ra để làm sao đảm bảo yêu cầu này, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế của đất nước, giảm lệ thuộc vào kinh tế của Trung Quốc.

Còn riêng đối với ngư dân, khi chúng tôi tiếp xúc, họ thường hay than rằng bị các đầu nậu cho vay nặng lãi, nên các chuyến đánh bắt cá không đủ trang trải chi phí. Do vậy, trong phiên họp của Chính phủ mới đây đã có những quyết sách hay đối với ngư dân, đặc biệt là ngư dân đánh bắt xa bờ. Theo đó, chủ trương cho vay đóng tàu sắt đến 90%, thời hạn vay 10 năm và một năm ân hạn, lãi suất 3%/năm. Tương tự, đóng tàu gỗ được vay đến 70%, thời hạn và lãi suất vay cũng bằng vay vốn đóng tàu sắt. Tôi tin rằng ngư dân sẽ đồng tình.

V.V.THÀNH - C.V.KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên