30/05/2014 08:54 GMT+7

Bộ Y tế: "VN đã phản ứng rất nhanh đối với dịch sởi"

 QUỐC THANH
 QUỐC THANH

TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký một báo cáo “nóng” 33 trang gửi các đại biểu Quốc hội nhằm cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu về một số vấn đề liên quan đến ngành y tế, trong đó nổi lên là tình hình dịch sởi gần đây.

Hơn 7.000 ca bệnh sởi, 111 ca tử vongBệnh viện Nhi trung ương kêu gọi hỗ trợ bơm tiêm điệnBệnh sởi gây biến chứng gì, điều trị ra sao?

Oa1ynvBb.jpgPhóng to
Trẻ bị sởi nhập viện tại khoa truyền nhiễm Viện Nhi Trung ương - Ảnh: Việt Dũng

Báo báo trên đề cập khá đậm nét về trách nhiệm liên quan đến bệnh sởi và hàng trăm trẻ tử vong. Bộ Y tế dẫn Luật tổ chức HĐND và UBND, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, nói rằng Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong phạm vi cả nước, bao gồm việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc.

Còn UBND các cấp thực hiện quản lý nhà nước về công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ.

Một số địa phương chưa quyết liệt ngay từ đầu khi xuất hiện trường hợp nhiễm sởi trên địa bàn, chưa ứng phó kịp thời khi tình huống dịch xảy ra, lúng túng trong xử lý dịch, dẫn đến dịch lan rộng.

Bộ Y tế đã rút kinh nghiệm và nhận rõ hạn chế trong công tác truyền thông, vận động và huy động các cơ quan truyền thông đại chúng cùng tham gia các hoạt động phòng chống dịch.

Theo giải thích của Bộ Y tế, ngoài nguyên nhân khách quan, số tử vong liên quan đến sởi cao trong thời gian qua là do sự quá tải cục bộ trong Bệnh viện Nhi Trung ương, sự tập trung bệnh nhân vượt quá giới hạn năng lực giải quyết của bệnh viện, xử lý nhiễm khuẩn bệnh viện chưa hiệu quả, chưa kiên quyết ngay từ đầu nên đã để xảy ra tình trạng nhiễm trùng, lây chéo giữa các bệnh nhân và dẫn đến tử vong. Đồng thời, việc để tình trạng người dân và y tế tuyến dưới tự vượt cấp lên Bệnh viện Nhi quá đông, tập trung trong thời gian ngắn, gây nên quá tải trầm trọng dẫn đến tử vong do bội nhiễm và lây chéo, đặc biệt đối với bệnh nhân sống trên địa bàn Hà Nội.

Tuy nhiên, trong báo cáo Bộ Y tế nêu: các hoạt động phòng chống dịch sởi vừa qua đã được Tổ chức Y tế thế giới đánh giá cao, Tiến sĩ Toda - chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cho biết bệnh sởi một khi bắt đầu lây nhiễm ở trẻ em thì rất khó để ngăn chặn, nhất là ở những trẻ em không được hoặc chưa được tiêm văcxin, để ngăn chặn sự lan rộng của dịch sởi, một quốc gia cần đạt ít nhất 95% trẻ em có miễn dịch với 2 mũi văcxin; ông cũng cho rằng Việt Nam đã phản ứng rất nhanh chóng đối với dịch sởi, đã huy động đầy đủ hệ thống y tế của mình để đối phó với sự bùng nổ của dịch bệnh.

Bên cạnh tình hình dịch sởi, Bộ Y tế còn báo cáo về bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết; vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lí giá thuốc và đấu thầu thuốc; đảm bảo cung ứng văcxin; kết quả triển khai đường dây nóng 4 tháng đầu năm 2014.

Liên quan đến các lĩnh vực nói trên, ngoài báo cáo tình hình, giải pháp, thành tựu, kết quả, bất cập…, Bộ Y tế còn bác bỏ một số thông tin mà bộ này cho là không chính xác. Đơn cử như thông tin tôm, cua, cá ở Hà Nội nhiễm kim loại nặng, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; hay thông tin hoài nghi đấu thầu thuốc theo qui định mới thì thuốc trúng thầu với giá rẻ, chất lượng chưa đảm bảo… Bộ này dẫn giải các qui trình, qui định để bác bỏ thông tin này.

142 trường hợp tử vong liên quan đến sởi

Theo báo cáo, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.602 trường hợp được xác định là mắc sởi trong số 21.639 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố. Trong đó 30% số mắc tập trung ở Hà Nội - địa phương có số mắc cao nhất và sau đó là TP.HCM.

Bộ Y tế cho biết có 87,4% trường hợp trẻ mắc sởi chưa tiêm văcxin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, 9% mới chỉ tiêm một mũi văcxin sởi; 76,5% trẻ mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi; 2,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi. Dịch xảy ra rải rác tại các xã/phường ở 62 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương, không có các ổ dịch tập trung.

Đã ghi nhận 142 trường hợp tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc; trong đó trên 57% trường hợp tử vong ở Hà Nội, 87,3% trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tiếp đó là ở Khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai (12%), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chỉ có 1 trường hợp tử vong. Khu vực miền Nam, miền Trung và Tây nguyên không ghi nhận trường hợp tử vong do sởi.

Bộ Y tế phấn khởi số trường hợp tử vong đã giảm nhanh, từ lúc ghi nhận số tử vong cao vào đầu tháng 3 và tháng 4, các tuần gần đây đã giảm rõ rệt, đến nay mỗi tuần chỉ ghi nhận một vài trường hợp tử vong, đây chủ yếu là những bệnh nhi nặng đã nằm điều trị từ trước.

Số trường hợp mắc sởi xác định tại các địa phương đã chững lại và bắt đầu giảm. Số trường hợp mắc sởi xác định ghi nhận cao nhất vào tuần thứ 10 (giữa tháng 3-2014) khoảng 400 - 500 ca, đến nay mỗi tuần ghi nhận khoảng 200 trường hợp. Trong ngày 18-5-2014 có 35 tỉnh, thành phố báo cáo không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Riêng ở Bệnh viện Nhi Trung ương: số bệnh nhân nhập viện do sởi đã giảm rất nhiều, số bệnh nhân lây sởi tại bệnh viện không còn; trong thời gian từ ngày 1 đến 12-5-2014, chỉ có 3 trường hợp tử vong.

 QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên