Phiên xử bầu Kiên: Luật sư liên tục bị dừng bào chữaACB và VietinBank tiếp tục đổ trách nhiệm cho nhauXem toàn bộ diễn biến vụ bầu Kiên
Phóng to |
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên - Ảnh: T.L. |
Chiều 29-5, sau khi các luật sư kết thúc phần trình bày bài bào chữa, bầu Kiên và các bị cáo khác đã lần lượt tự bào chữa trước tòa.
Tự bào chữa cho mình, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã đưa ra nhiều luận điểm để bác bỏ bản luận tội của vị đại diện VKS và nhiều lần khẳng định mình vô tội.
“May mắn cho tôi, trên đường dẫn từ trại giam đến tòa, tôi nghe trên đài phát thanh và biết được chương trình làm việc của Quốc hội, tôi biết được Chính phủ đang trình Quốc hội Luật doanh nghiệp với hướng xóa bỏ ghi nội dung kinh doanh trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Nếu Quốc hội thông qua nội dung này thì tôi được giải oan”. (Nguyễn Đức Kiên) |
Ngoài ra, bầu Kiên xin được đọc tại tòa đơn kêu oan đã gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước, chánh án Tòa án nhân dân tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao… nhưng bị HĐXX từ chối.
Bầu Kiên tự bào chữa cho mình theo từng nhóm tội.
Về tội kinh doanh trái phép, bầu Kiên khẳng định: “Khi nhận được lệnh bắt, khởi tố, tôi thấy trời đất sụp đổ, tôi không thể nghĩ mình kinh doanh 30 năm mà bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép. Tôi không kinh doanh trái phép, không làm ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ của Nhà nước”.
Bầu Kiên cho rằng cơ quan điều tra đã có sai lầm nghiêm trọng trong việc cho rằng các công ty của bầu Kiên phát hành trái phiếu, thế chấp cổ phiếu của ngân hàng khác bán cho Ngân hàng ACB, lấy tiền ảo làm ảnh hưởng đến chính sách của Ngân hàng Nhà nước: “Khi phát hành trái phiếu, tôi đã thực hiện đúng quy định của Chính phủ, quy định về thế chấp và bán trái phiếu. Việc này không tạo ra vốn ảo mà tạo ra đồng tiền thật, góp vốn thật vào ngân hàng khác. Việc này thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ là các ngân hàng tăng vốn trước ngày 30-10-2010”.
Bầu Kiên cũng đề nghị tòa phải nói rõ việc đầu tư góp vốn phải có giấy phép thì quy định tại văn bản pháp luật nào.
Về việc đặt các lệnh mua bán vàng tại Công ty Thiên Nam, ông Kiên cho rằng người ký lệnh ủy thác là ông Lê Quang Trung (tổng giám đốc Công ty Thiên Nam), ông chỉ thực hiện các phiếu lệnh ủy thác đó, chỉ là người thông báo lệnh của ông Trung đến ACB mà thôi.
Về tội trốn thuế, bầu Kiên cho rằng đã “bị áp đặt tội trốn thuế”. Theo bầu Kiên, cáo trạng nói ông biết Quốc hội có nghị quyết miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009 là không chính xác.
“Làm sao tôi biết được việc miễn thuế này để ký hợp đồng ủy thác đầu tư với em gái. Đây là sự áp đặt, quy chụp, vu khống, xúc phạm đến Quốc hội và các đại biểu Quốc hội” - ông Kiên nói.
Theo bầu Kiên, cáo trạng cáo buộc ông trốn thuế 25 tỉ đồng thì phải xác định xem trong năm 2009, Công ty B&B có phải nộp thuế không.
“Tôi xin khẳng định B&B không phải nộp thuế trong năm 2009. Vì thuế thu nhập xác định từ ngày 1-1 đến 31-12 hằng năm, lấy tổng thu nhập cả năm trừ đi các chi phí phát sinh. Trong năm 2009, B&B lỗ 168 tỉ đồng, như vậy thì không phải nộp thuế. Khi tuyên án về hành vi trốn thuế, tôi yêu cầu cơ quan thuế giám định lại toàn bộ hoạt động của B&B. Hành vi trốn thuế được xác định như thế nào. Công ty B&B sai ở đâu, sai nội dung nào? Tôi sai ở điểm nào của quy định pháp luật. Nếu chỉ ra tôi sai ở điểm nào, tôi sẽ nhận tội ngay”- lời ông Kiên.
Bầu Kiên dẫn các điều luật để tự bào chữa cho mình - Ảnh: T.L. |
Về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ông Kiên cho rằng “tôi là doanh nhân uy tín, không bao giờ đi lừa bạn bè” và “không có ý thức chiếm đoạt”.
Nói về hoạt động chuyển nhượng 20 triệu cổ phần cho Thép Hòa Phát, ông Kiên khẳng định: “Đây là nghĩa cử tôi giúp bạn bè, tôi giúp anh Long. Ngoài ra không còn mục đích nào khác”.
“Vấn đề nảy sinh ở đây là Công ty Thép Hòa Phát có biết 20 triệu cổ phần đã được thế chấp hay không? Tôi đã rất kiên nhẫn, chịu đựng rất nhiều sức ép để không đẩy bạn bè tôi ở Hòa Phát vào vòng lao lý. Nếu tôi sơ suất một câu nói, một chữ ký thì bạn bè tôi là anh Dương, anh Long (Tập đoàn Hòa Phát) đã bị cơ quan điều tra bắt giam. Tôi không khiếu nại gì dù họ có sai sót”- lời bầu Kiên.
Bầu Kiên cho rằng không có ý thức chiếm đoạt tiền của Hòa Phát mà các sai sót này là của Tập đoàn Hòa Phát, đã ký phong tỏa cổ phiếu của ACBI tại ACB nhưng quên không thông báo cho hệ thống công ty.
“Tôi đã nỗ lực giải quyết việc này, tôi đề nghị Hòa Phát nhận cổ phiếu của em gái tôi, đợi khi ACB giải tỏa số cổ phiếu của ACBI thì Hòa Phát nhận. Nếu Hòa Phát không đồng ý phương án này thì phong tỏa cổ phiếu của em gái tôi lại, sau khi chúng tôi bán được cổ phiếu sẽ trả tiền cho Hòa Phát. Tuy nhiên cơ quan điều tra gây khó khăn, không nỗ lực giải quyết việc này”- ông Kiên nói.
Về hành vi cố ý làm trái, bầu Kiên cho rằng ông bị cáo buộc gây áp lực trong HĐQT ACB là không đúng. Bầu Kiên khẳng định mình không thể lũng đoạn ACB hoặc chi phối toàn bộ hoạt động của ACB.
Về khoản tiền 718 tỉ đồng ACB gửi tại VietinBank bị mất, bị cáo Kiên cho rằng: “Tôi không hiểu tại sao một ngân hàng lớn như thế, uy tín như thế mà không dám chịu trách nhiệm về việc làm của mình, nhân viên của mình. VietinBank đã chối bỏ trách nhiệm. Tiền đã vào VietinBank. Có một sự thật không thể chối bỏ là VietinBank đã sử dụng số tiền đó vào hoạt động kinh doanh khác của mình. Phải xác định đây là hành vi tham ô tài sản, chiếm đoạt tài sản tại Ngân hàng VietinBank. Tôi đề nghị HĐXX xem xét hành vi tham ô tài sản của Huyền Như, hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm của VietinBank”.
Chiều 29-5, khi được trình bày bài tự bào chữa cho mình, bị cáo Huỳnh Quang Tuấn và Phạm Trung Cang cũng đã xin HĐXX cho được miễn trách nhiệm hình sự trong vụ án. Bị cáo Lý Xuân Hải và Lê Vũ Kỳ cho rằng mình không phạm tội cố ý làm trái.
Sáng mai (30-5), phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận