* Trao 750 triệu đồng hỗ trợ lực lượng cảnh sát biển
Phóng to |
Các chủ doanh nghiệp cùng đóng góp "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" tại tọa đàm diễn ra tại báo Tuổi Trẻ ngày 22-5 - Ảnh: Thanh Đạm |
Hơn 60 chủ doanh nghiệp đã tham dự, cùng lắng nghe những thông tin nóng nhất về tình hình biển Đông qua chia sẻ của lãnh đạo cảnh sát biển Việt Nam, phóng viên trở về từ Hoàng Sa của Tuổi Trẻ, đồng thời thảo luận để trả lời câu hỏi: Doanh nhân Việt Nam cần làm gì để góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo trong tình hình hiện nay?
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, giám đốc Công ty Smart World Techology, lo ngại: “Là một doanh nhân, trong tình hình hiện nay, giữa biển thông tin thì chính tôi cũng cảm thấy hoang mang. Tôi đồng ý với chiến lược trước mắt của Nhà nước là chủ trương giải quyết vấn đề biển Đông bằng biện pháp hòa bình. Nhưng còn về lâu dài thì sao? Nhất là khi chúng ta không thể thay đổi được thực tế là vẫn phải sống cạnh anh bạn láng giềng Trung Quốc?”.
Chị Phạm Thị Bích Huệ, tổng giám đốc Công ty Western Pacific Logistic, bày tỏ: “Trong tình hình này, khi trên biển các chiến sĩ đang từng ngày từng giờ đấu trí đấu lực với tàu Trung Quốc thì doanh nghiệp chúng tôi cũng phải gồng mình ứng phó với rất nhiều khó khăn hệ lụy từ sự việc xảy ra trên biển Đông”.
Về lâu dài, chị Thủy đề nghị Nhà nước nên có chiến lược rõ ràng về kinh tế để ứng phó với những động thái nhằm làm suy thoái nền kinh tế.
Anh Đỗ Thanh Năm - giám đốc Công ty Winwin - cho biết anh vừa có dịp ra Trường Sa cách đây không lâu. “Giữa biển cả mênh mông, rất khó dùng từ ngữ nào để diễn tả vẻ đẹp của biển và của tài nguyên thiên nhiên trên biển. Ta sẽ hiểu vì sao nhà cầm quyền Trung Quốc luôn có dã tâm độc chiếm biển Đông."
"Tuy nhiên, tôi có trao đổi với một số chủ doanh nghiệp Trung Quốc thì họ cũng không đồng tình với hành động này” - anh Năm chia sẻ.
Tuy nhiên, theo chị Phan Thị Ngọc Diễm - giám đốc điều hành Công ty TNHH truyền thông Ngọc Nam Phương, nhiều người bạn nước ngoài, kể cả người Trung Quốc, cũng có rất ít thông tin và không hiểu chuyện gì đang thật sự xảy ra trên biển Đông.
“Có bạn hỏi: Trung Quốc đang làm gì Việt Nam vậy? Rõ ràng họ có quá ít thông tin, chưa kể là họ còn không được tiếp cận thông tin đúng. Hiện tại nhiều bạn bè quốc tế còn e ngại đến Việt Nam. Do đó với mối quan hệ của mình, doanh nhân có thể trực tiếp truyền thông điệp cho khách hàng, cho đối tác, cho chính nhân viên của mình ngay từ bây giờ” - chị Diễm nói.
Theo chị Diễm, trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền quốc gia trên biển Đông, doanh nhân với vị trí của mình có thể tham gia tích cực và hiệu quả trên mặt trận kinh tế, truyền thông và ngoại giao.
Tại buổi tọa đàm, vấn đề: làm sao để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng được nhiều chủ doanh nghiệp đặt ra.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, giám đốc Công ty Smart World Techology, thẳng thắn chia sẻ: “Thú thật bây giờ ra đường tôi nghe bài hát hay khẩu hiệu cổ động “Hãy dùng hàng Việt Nam” thì tôi cảm thấy không thấy có chút cảm xúc nào. Nghe khẩu hiệu đó, người dân không thấy được lý do cụ thể vì sao phải dùng hàng Việt. Nên có kênh thông tin cụ thể hơn, rõ ràng và chính thống hơn về chuyện này, phân tích và nêu rõ lý do vì sao nên ủng hộ hàng Việt".
Cùng chia sẻ suy nghĩ này, chị Lê Thị Thúy Loan, giám đốc điều hành Công ty TNHH Loan Lê, nói: "Thời gian này có nhiều lời kêu gọi rất cảm tính, chẳng hạn như kêu gọi tẩy chay hàng Trung Quốc, kêu gọi dùng hàng Việt Nam dù chất lượng có kém hơn và giá cả cao hơn”.
Chị Loan cho rằng kêu gọi như thế không phải là yêu nước mà là hại đất nước, làm suy yếu khả năng tự hoàn thiện để vươn lên cạnh tranh trong quá trình hội nhập. Còn về việc lập tức tẩy chay hàng Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Theo chị Loan, việc cần làm là các doanh nghiệp phải đoàn kết để tránh tình trạng kinh doanh manh mún, đồng thời hỗ trợ nguồn lực cho nhau. Và ngay từ bây giờ Nhà nước hãy cùng các doanh nghiệp xây dựng nền công nghiệp phụ trợ.
Tại buổi tọa đàm, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM đã ra lời tuyên bố phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, kêu gọi doanh nhân Trung Quốc và doanh nhân các nước lên tiếng yêu cầu Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.
Hội Doanh nhân trẻ TP cũng kêu gọi các hội viên đoàn kết, có hoạt động thiết thực ủng hộ các lực lượng chức năng và ngư dân, thể hiện lòng yêu nước thiết thực bằng cách tập trung sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Dịp này, thông qua chương trình "Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông" của báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nhân trẻ TP đã trao 750 triệu đồng cho lực lượng cảnh sát biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận