18/05/2014 09:04 GMT+7

Tàu Trung Quốc tăng quấy phá, ngư dân bị thương

VIỆT HÙNG - TRẦN MAI - P.VŨ
VIỆT HÙNG - TRẦN MAI - P.VŨ

TT - Trong hai ngày 16 và 17-5, các tàu Trung Quốc tăng cường hiện diện ở khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương 981 khiến việc đánh bắt của ngư dân gian nan.

Yêu cầu Trung Quốc bồi thường cho ngư dân Việt Nam2 ngư dân Việt Nam bị kiểm ngư Trung Quốc đánh trọng thương

IugnuMz8.jpg
Ông Bùi Hồng Vân nắm tình hình Hoàng Sa qua tổng đài Icom sáng 17-5 - Ảnh: Trần Mai

Dù “sóng gió” hơn nhưng ngư dân không sợ hiểm nguy, vẫn bám biển khai thác hải sản và hiện diện cờ Tổ quốc ở đó.

Tối 16-5, đài Icom cộng đồng xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) liên tục điện đàm với các tàu đang hành nghề ở Hoàng Sa để nắm tình hình nhưng bất thành. Ông Bùi Hồng Vân - trưởng đài Icom Bình Châu - nắm chặt Icom sốt ruột thét gào liên tục: “Anh em Hoàng Sa nghe rõ không?”. Đáp lại chỉ có tiếng gió hú, tiếng Icom rè rè. Không nhận được tín hiệu, ông Vân nói: “Chắc bữa rày tàu Trung Quốc quần dữ quá, anh em tranh thủ ban đêm đánh bắt nên các tàu không mở Icom”.

Bị ném đá

Lúc 7g ngày 17-5, đài Icom tiếp tục bật lên. Tín hiệu đầu tiên gửi về từ tàu QNg 90281 do ngư dân Đặng Tằm làm thuyền trưởng. “Tổng đài đây, anh em báo cáo tình hình đi!” Từ tàu QNg 90281 phát ra tiếng ồ ồ. “Báo cáo tàu đang hoạt động tại bãi Đá Bắc. Những ngày qua có rất nhiều tàu cá, tàu các lực lượng Trung Quốc xua đuổi, chúng tôi phải chạy quần đảo nhiều hải lý để tránh tàu Trung Quốc áp sát. 15 ngày ra khơi đến nay, tàu Trung Quốc tràn vào ngư trường ngày một nhiều, họ hung hăng hơn, không chỉ truy đuổi ban ngày, mà ban đêm vẫn đẩy đuổi, không cho anh em làm ăn. Hiện anh em vẫn bình thường, đang cố gắng bám biển. Ở nhà yên tâm, anh em vẫn an toàn”.

Dừng năm phút, ông Vân thở phào, rồi điện thoại báo cho người nhà ngư dân Đặng Tằm. Tiếp tục liên lạc, máy Icom rè rè rồi một giọng to sang sảng từ ngư dân Võ Bá Nha, thuyền trưởng tàu QNg 95027 (Bình Châu): “Alô, tổng đài nghe không, tin khẩn, tin khẩn”. Ngư dân Nha thuật lại rành rọt qua Icom: “Vào lúc 21g tối 16-5, tàu tôi đang đánh bắt gần đảo Phú Lâm thì bị tàu mang số hiệu 306 của Trung Quốc bất ngờ áp sát, anh em trở tay không kịp. Lực lượng tàu 306 dùng đá xây ném về phía tàu cá, anh em phải xuống hầm tàu tránh thương tích và tăng tốc thoát khỏi sự truy đuổi của tàu 306. Tàu tôi bể hết kính rồi”. Ông Vân hỏi: “Tàu Trung Quốc tấn công bao lâu?”. Ông Nha nói như gào: “Tụi tôi bị tấn công từ 9g tối 16-5 đến gần 1g sáng 17-5 thì bọn họ không đuổi tiếp nữa. Giờ buổi tối nó cũng xua đuổi anh em”. Anh em có thương vong gì không? Tàu QNg 95027 đáp lại: “Hiện tại anh em không bị thương vong gì. Nhưng qua bộ đàm, tôi nghe hiện tàu ngư dân Hải làm thuyền trưởng bị tấn công, có người bị thương. Tôi đang cố gắng liên lạc để tiếp ứng nhưng sóng mất liên tục, khó liên lạc quá”.

G3czmXhQ.jpg
Bà Võ Thị Dung, chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM, trò chuyện với ngư dân Nguyễn Năm, tàu QNg 96138 - Ảnh: P.Vũ

Hai ngư dân bị Trung Quốc đánh

Ông Vân lục sổ tìm số hiệu tàu và tần số liên lạc. Tàu bị nạn là QNg 90205 do ông Nguyễn Văn Quang làm chủ tàu, ngư dân Nguyễn Tấn Hải làm thuyền trưởng. Ông Vân cầm Icom căng thẳng: “Có ai biết tình hình tàu 90205 không, báo về tổng đài gấp”. Không có tín hiệu. Vài phút sau, ngư dân Võ Thành Tân, thuyền trưởng tàu QNg 90572 nối liên lạc. Anh Tân cho biết: “Hiện tàu tôi đang đánh bắt ở đảo Bom Bay, không có chuyện gì. Hiện tàu Trung Quốc cũng nhiều, nhưng anh em không sợ mấy ngư dân Trung Quốc, chỉ sợ lực lượng ở tàu có súng thôi. Hồi 12g khuya, chúng tôi đã điện đàm được với tàu của Hải. Nghe anh em tàu đó nói lúc đang neo tàu, anh em lặn thì chỉ còn Hải với Lê Anh ở trên tàu nên bị tàu Trung Quốc tông, rồi họ còn leo lên tàu đánh đập hai người”. Ông Vân hỏi: “Lúc đó tàu ở vị trí nào?”. Anh Tân thông tin: “Tàu của Hải lúc đó cách đảo Phú Lâm chừng 5 hải lý. Nghe nói Hải và Lê Anh bị họ đánh, cướp 2 Icom, 1 máy dò, 4 máy định vị, đập cabin, lấy hết toàn bộ hải sản lặn được”. “Còn ai bị đánh, bị thương nữa không?”, ông Vân hỏi thêm. Ngư dân Tân nói: “Mấy anh em lặn ở dưới thì không sao. Tàu của Hải đang chạy về hồi 4g ngày 17-5, nghe còn cách đất liền khoảng 170 hải lý nhưng đến sáng thì điện đàm không liên lạc được”.

Ông Nguyễn Văn Trung, phó cục trưởng Cục Kiểm ngư, đã xác nhận thông tin này và cho biết vụ việc xảy ra ở đảo Phú Lâm (phía đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 110 hải lý). Lúc 23g ngày 16-5, tàu ngư chính 306 của Trung Quốc đã khống chế tàu cá QNg90205 của ngư dân Quảng Ngãi và đánh đập ngư dân khiến hai ngư dân Việt Nam bị thương nặng. Bên cạnh đó còn phá hoại tài sản trên tàu ngư dân Việt Nam.

Quá khâm phục ngư dân

Trưa 17-5, vừa bước xuống từ chuyến tàu cao tốc đến huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đoàn công tác của Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã bắt đầu ngay các cuộc thăm hỏi ngư dân. Dò theo danh sách để tìm đến từng địa chỉ, phải đến căn nhà thứ ba, bà Võ Thị Dung - chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM - mới gặp được ông Nguyễn Năm, tàu QNg 96138, vừa trở về từ ngư trường Hoàng Sa sau khi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi tới bể lốc máy. Ông Năm kể: “Tàu mình thì nhỏ yếu, tàu của họ to mạnh. Họ đuổi ráo riết làm tôi phải kéo máy chạy để tránh va chạm, quá tốc độ thiết kế nên máy bể luôn. Về sửa chữa đợt này chắc cũng mất 60-70 triệu đồng”. Sửa xong rồi thì sao? “Thì lại tiếp tục ra Hoàng Sa. Ông cha mình để lại cho mình vùng biển để vươn khơi mưu sinh mà, Trung Quốc có làm gì chúng tôi cũng không sợ” - ông Năm quyết liệt nói.

Lời quả quyết của người ngư dân có 21 năm bám biển khiến bà Dung cùng các thành viên trong đoàn phải thốt lên thán phục. Ở các địa chỉ còn lại, đoàn chỉ gặp được những người vợ và những đứa con nhỏ. Những người đàn ông vẫn còn ở ngoài khơi. Những phần quà nhỏ mà đoàn mang theo: lá cờ Tổ quốc của bạn đọc báo Tuổi Trẻ, chiếc màn chống muỗi và bộ đồng phục học sinh của bạn đọc báo Phụ Nữ, khoản tiền 2 triệu đồng của bà con TP.HCM gửi qua Mặt trận Tổ quốc thay lời cảm ơn, thay lời cảm phục, gửi gắm của những người ở đất liền với ngư dân ngoài khơi xa.

“Nhân dân TP.HCM luôn hướng về miền Trung, biển đảo, đã từng chung vai chia sẻ với đồng bào Lý Sơn trong nhiều đợt bão lũ. Và lúc này, hơn lúc nào hết, hàng triệu người ở TP.HCM cũng như cả nước càng hướng về ngư trường Hoàng Sa, nơi những ngư dân Lý Sơn ngày đêm hiện diện để chứng minh chủ quyền của Việt Nam. Chỉ trong một ngày của đợt vận động lần 1, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã nhận được hơn 9 tỉ đồng, và nhanh chóng tiến hành chuyển giao ngay để chung sức cùng bà con ngư dân và các lực lượng chấp pháp” - bà Võ Thị Dung cho biết. Sáng 17-5, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã bàn giao cho Hội Nghề cá xã An Hải, An Vĩnh (Lý Sơn, Quảng Ngãi) mỗi nơi 500 triệu đồng, Quỹ hỗ trợ ngư dân tỉnh Quảng Ngãi 2 tỉ đồng.

Chiều cùng ngày, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP.HCM đã chuyển 3 tỉ đồng cho lực lượng cảnh sát biển.

Ngư dân không sợ Trung Quốc uy hiếp

Sáng 17-5, Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) đã tổ chức buổi gặp gỡ bà con ngư dân Đà Nẵng để thông tin vấn đề nóng bỏng trước sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam.

Tại buổi gặp mặt, cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Đào Hồng Đức cho biết trong những ngày qua, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác hải sản hợp pháp của ngư dân ta trên các vùng biển. Nhiều tàu cá và ngư dân ta hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đã bị phía Trung Quốc xua đuổi, ngăn chặn, lấy tài sản...Tuy nhiên, với tinh thần kiên cường bám biển, tàu cá và ngư dân Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng... vẫn vươn khơi bám biển sản xuất, góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển đảo.

Theo ông Đức, đối với các địa phương có ngư dân khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và giữa biển Đông, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tổ chức cho ngư dân hoạt động theo mô hình tổ đội khi khai thác trên biển. Động viên, hỗ trợ ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, đặc biệt là những ngư dân hoạt động trên ngư trường thuộc vùng biển quần đảo Hoàng Sa; phối hợp với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo vệ ngư dân, thăm hỏi, động viên kịp thời đối với gia đình và ngư dân gặp rủi ro trên biển.

Ông Đức chỉ đạo sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh thành ven biển nắm chắc số điện thoại, tần số liên lạc của các tàu cá, chủ động liên hệ với các ngư dân khi cần thiết; thông báo cho ngư dân số điện thoại đường dây nóng trực 24/24 giờ để kịp thời liên lạc với ngư dân trên vùng biển xa.

Đại úy Hà Văn Thoong, trưởng Ban tuyên huấn Bộ đội biên phòng Đà Nẵng, cho biết vừa qua nhiều tàu cá của ngư dân Việt Nam đã bị các tàu cá vỏ sắt Trung Quốc đâm vào. Nhiều tàu cá của Trung Quốc có vũ trang đã vào sâu trong vùng biển nước ta chỉ cách Đà Nẵng và Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 40-50 hải lý để thăm dò tình hình. Tuy nhiên, trước sự ngang ngược của Trung Quốc trên biển, bà con ngư dân Việt Nam tỏ ra quyết tâm cao, không sợ tổn thất hi sinh. “Khi lực lượng biên phòng chúng tôi xuống gặp gỡ, rất nhiều bà con ngư dân đã tự nguyện xung phong ra vùng biển Hoàng Sa” - đại úy Thoong nói.

HỮU KHÁ

VIỆT HÙNG - TRẦN MAI - P.VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên