04/05/2014 09:05 GMT+7

Lãng phí có khi nguy hại hơn tham nhũng

XUÂN LONG
XUÂN LONG

TT - Ngày 3-5, trước kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc tiếp xúc cử tri tại các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội).

DBeoFpXy.jpgPhóng to
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện thân mật với các cử tri - Ảnh: Việt Dũng

Tại cuộc tiếp xúc, Tổng bí thư thẳng thắn trao đổi với cử tri nhiều vấn đề “nóng” diễn ra trong thời gian gần đây.

“Hăng hái với những dự án nghìn tỉ”

“Người dân đang thấy hiện tượng có cán bộ thiếu nhiệt tình với việc làm cho dân, nhưng hăng hái làm những việc có lợi cho mình” - ông Nguyễn Ngọc Hạc, cử tri phường Cống Vị (quận Ba Đình), mở đầu buổi tiếp xúc cử tri và đề nghị Quốc hội cần bàn kỹ về tình trạng chạy chức, chạy quyền, xây dựng cơ chế đào thải những cán bộ thoái hóa.

Dẫn chứng hình ảnh các em nhỏ phải chui vào túi nilông vượt suối tới trường, ông Trần Viết Hoàn, phường Liễu Giai (quận Ba Đình), bộc bạch: “Nhìn con cháu chúng ta ở miền núi phải chui túi nilông mà thấy đau lòng quá. Tại sao những cây cầu chỉ có vài tỉ đồng mà chúng ta không xây được cho dân? Không hiểu các tư lệnh nghĩ gì về trách nhiệm công bộc trước dân khi thấy những hình ảnh đó?”.

Ông Hoàn còn đặt vấn đề: “Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng vốn tới 339 triệu USD. Còn đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa có vốn tới 34.000 tỉ đồng. Rất nhiều dự án tăng vốn, ngốn vốn cho thấy khâu chuẩn bị rất mù mờ, thiếu cơ sở thực tiễn”.

Cử tri Nguyễn Cao Đức, phường Điện Biên (quận Ba Đình), cho biết đang có hiện tượng một số bộ ngành “hăng hái” với những dự án nghìn tỉ.

“Chúng tôi nghĩ cần phải xem lại cách làm việc của một số cơ quan. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL trình bày đề án chuẩn bị đăng cai Asiad 18 khăng khăng mức chi 150 triệu USD. Có bộ lại nói số tiền phải chi sẽ cao hơn. Nhiều chuyên gia nói số tiền đó không thể đủ, thậm chí còn tốn kém gấp nhiều lần số 150 triệu USD, nhưng bộ trưởng Bộ VH-TT&DL vẫn cố bảo vệ theo kiểu cố đấm ăn xôi” - ông Đức lưu ý.

Lo lắng về lãng phí

Theo cử tri, những dự án, đề án bị “tuýt còi” cho thấy năng lực trình độ của cán bộ soạn thảo có vấn đề. “Vấn đề đáng nói là trách nhiệm trước dân trong đầu tư công. Tiền đó là của dân nhưng các bộ đề xuất tiêu dễ quá, thậm chí không ai chịu trách nhiệm về bội chi” - cử tri Nông Quang Lộc, phường Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), lên tiếng.

Đề cập công tác phòng chống tham nhũng, cử tri Phạm Quy, phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình), cho rằng “người dân cảm nhận có chuyển biến nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu”.

“Việc sớm đưa ra xét xử những vụ đại án được người dân đánh giá cao, tuy nhiên từ công tác xét xử, điều tra, truy tố còn nhiều vấn đề phải xem lại. Ví như vụ bầu Kiên, khi xét xử thì thiếu người liên quan phải hoãn. Vụ án Huỳnh Thị Huyền Như thì ngân hàng cử người không đúng thẩm quyền” - ông Phạm Quy kiến nghị.

Cử tri Trương Đức Ngãi, phường Cống Vị (quận Ba Đình), chia sẻ: “Khi chứng kiến một số vụ đại án được đưa ra xét xử người dân cảm thấy mừng, nhưng khi thấy hoãn xử lại bán tín bán nghi. Chỉ có xử nghiêm bất kể là ai, bất kể cương vị nào, có vậy dân mới tin”.

Theo ông Ngãi, đi kèm với vấn nạn tham nhũng, tình trạng lãng phí cũng rất đáng lo. “30% cán bộ không làm được việc tức là lãng phí con người. Được đào tạo nhưng không được bố trí đúng việc là lãng phí chất xám. Người dân đã ví việc bố trí cán bộ bây giờ được xếp bậc như: thứ nhất là hậu duệ, thứ nhì là ngoại tệ, thứ ba là quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ. Đúng vậy thì nguy hiểm lắm” - ông Ngãi bộc bạch.

Tham nhũng, lãng phí luôn được quan tâm

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết “việc phòng chống tham nhũng, lãng phí là câu chuyện lần nào tiếp xúc cũng được cử tri nêu”.

“Hôm nay cử tri nhấn mạnh phải coi trọng cả chống lãng phí, điều này rất đúng. Nhiều khi chúng ta vẫn nói lãng phí có khi còn nguy hại hơn cả tham nhũng. Lãng phí về tiền bạc còn có thể đo đếm được, còn lãng phí về nguồn nhân lực, về tài nguyên, khoáng sản thì vô cùng lớn” - Tổng bí thư nói.

Chia sẻ với cử tri về việc hoãn xét xử một số vụ án lớn, Tổng bí thư khẳng định việc lùi, hoãn đều phải theo luật định.

“Có những bị cáo, bị can trước đây chưa khai hết, ra tòa rồi mới khai. Vừa rồi có rất nhiều chi tiết ra tòa họ mới khai, khai thì có tình tiết mới. Do đó, không thể kết luận ngay lập tức, phải điều tra, phải tìm hiểu, còn liên quan tới cả yếu tố nước ngoài nữa, nên phải dừng lại điều tra tiếp. Còn tại sao phải xử lâu? Trước đây cứ nói án bỏ túi là không phải. Cải cách tư pháp lớn nhất vừa qua là phải tranh tụng tại phiên tòa. Có tranh tụng, tranh luận, đương sự được bào chữa để tìm ra chân lý. Còn có quyết liệt hay không quyết liệt thì các bác cứ chờ xem” - Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chia sẻ.

Nói với cử tri về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: “Lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò tín nhiệm, là một kênh để đánh giá cán bộ, là một bước để tiến tới chuẩn bị bỏ phiếu tín nhiệm chứ không phải để làm mất tín nhiệm. Lấy phiếu tín nhiệm cũng để cảnh báo, răn đe, ngăn ngừa những việc làm không tốt”.

Theo Tổng bí thư, việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm vừa qua là một bước thí điểm, có một số vấn đề cần phải rút kinh nghiệm. Hiện Quốc hội đang xin sửa nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm.

“Làm là đúng, cần thiết, sắp tới vẫn tiếp tục làm, nhưng làm sao cho chặt chẽ, hiệu quả, đạt được mục đích yêu cầu” - Tổng bí thư nhấn mạnh.

XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên