09/04/2014 08:53 GMT+7

Về với cội nguồn

HÀ HƯƠNG
HÀ HƯƠNG

TT - Ngày 8-4, hàng triệu người Việt từ mọi miền đất nước hoặc từ nước ngoài đã tề tựu về dưới chân núi Nghĩa Lĩnh để chuẩn bị cho ngày chính lễ giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch).

Khai mạc hội trại Tự hào nòi giống Tiên Rồng 2014“5 không” tại Lễ hội đền HùngTổng bí thư dâng hương ngày giỗ Đức quốc tổ Lạc Long Quân

BjMwfVMa.jpgPhóng to
Đoàn kiều bào Việt Nam ở nước ngoài làm lễ dâng hương tại đền thờ vua Hùng (tỉnh Phú Thọ) vào chiều 8-4 - Ảnh: Nguyễn Khánh

Con đường đá từ cổng đền Hùng lên đền Hạ, đền Trung, đền Thượng đông nghẹt người. Những dòng người với niềm thành kính thiêng liêng cứ kéo dài không dứt... Về đến núi Nghĩa Lĩnh, thắp một nén hương ở đền thờ các vua Hùng, với nhiều người, là trở về với cội nguồn của ông cha.

Hơn 5 triệu người về giỗ Tổ

Với những người dân ở xã Hi Cương, Hùng Lô sống quanh khu di tích lịch sử đền Hùng, lễ giỗ Tổ đã bắt đầu từ rất sớm. Làng trên xóm dưới người chuẩn bị lá dong, người chuẩn bị gạo, đỗ xanh... để gói bánh chưng, bánh giầy. Gói bánh dâng vua đã trở thành nghi thức truyền đời của người dân đất tổ. Mặc cho những chiếc bánh chưng, bánh giầy xưng danh kỷ lục, người Hùng Lô vẫn gói những chiếc bánh chưng nhỏ với thịt lợn, đỗ xanh, gạo nếp.

Bà Nguyễn Thị Canh (Lâm Thao, Phú Thọ) có cách riêng của mình để tưởng nhớ đến cội nguồn ông cha. Mỗi năm, bà đều tự mình sắp lễ, nhờ cậu con trai chở đến đền Hùng rồi từng bước một lên núi. Lễ của bà chỉ có một ít trầu cau vườn nhà được bà hái vào lúc sáng sớm. “Năm nào tôi cũng về đây giỗ vua cha. Phải tự mình dâng lễ vật, dù lễ của mình nhỏ mọn lắm nhưng quan trọng là lòng thành với tổ tiên ông bà. Lễ mặn ngọt, to nhỏ không quan trọng lắm đâu” - bà Canh chia sẻ. Người đông, đường tắc nhưng khác với nhiều người khác, bà Canh không chen lấn mà lặng lẽ chờ tới lượt mình.

Vợ chồng ông bà Bùi Đình Hà cũng chở nhau lặn lội từ Hà Nam lên. Ông Hà bảo mười năm nay ông đều đi lễ đền Hùng. “Con chim có tổ, con người có tông, ngày giỗ năm nào tôi cũng về đền Hùng. Mỗi năm, đi được một vòng quanh núi là tôi mãn nguyện lắm rồi” - ông Hà nói. Trong dòng người về dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều bố mẹ đưa con cái cùng đi lễ. Bảo tàng Hùng Vương - nơi trưng bày hiện vật về các thời kỳ văn hóa của người Việt - cũng thu hút nhiều người tới tham quan.

Lượng người quá đông, cao điểm có ngày lên tới 2 triệu người, dẫn đến việc điều tiết các hoạt động trong lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương trở nên khá vất vả. Nhiều người do nóng lòng muốn đi nhanh mà giẫm lên cỏ, bám vào cây để trèo lên làm nhiều đoạn đường bị ách tắc. Lợi dụng lượng người đi lễ tăng cao, nhiều bãi xe tự phát tăng chóng mặt.

Nối liền với quê hương

Chiều 8-4, 70 kiều bào từ nhiều nước trên thế giới đã làm lễ dâng hương tại khu di tích lịch sử đền Hùng. “Đây là chuyến trở về đặc biệt đối với tôi, chuyến trở về cội nguồn mà tôi đã rất mong mỏi” - ông Huỳnh Công Mỹ, chủ tịch Tổng hội người VN tại Vương quốc Bỉ, chia sẻ. Với ông Mỹ, vợ là người Bỉ, con cái sinh ra và lớn lên ở Bỉ nên việc chia sẻ những suy nghĩ về quê hương, cội nguồn là điều không dễ dàng. “Vợ tôi là người Bỉ nên bà ấy không hiểu văn hóa truyền thống VN” - ông chia sẻ.

Những người Việt ở Bỉ hướng về quê hương bằng nhiều cách, trong đó có việc thành lập một lớp học mang tên lớp học Việt ngữ Hùng Vương. Lớp học dạy tiếng Việt cho những trẻ em có nguồn gốc VN được sinh ra trên đất Bỉ. “Lớp học dành cho những trẻ em có bố mẹ là người Việt, hoặc những trẻ em người Việt có bố mẹ nuôi người Bỉ. Nhiều em ở trường và ở nhà đều không hề nói tiếng Việt. Cho nên các em và cha mẹ rất thích tham gia lớp học tiếng Việt này” - ông Mỹ cho biết.

Theo ông Mỹ, tuy không có nhiều dịp nhưng những dịp Trung thu, Tết Nguyên đán là cơ hội để những người Việt có thể ngồi lại nói chuyện, chia sẻ để bớt nỗi nhớ quê hương. “Có trở về mới cảm nhận được VN đã thay đổi như thế nào. Tôi rất ủng hộ những chuyến hành hương về đất tổ để hiểu hơn truyền thống uống nước nhớ nguồn của người VN. Ở nước ngoài, chúng tôi cũng luôn nỗ lực quảng bá truyền thống văn hóa của người VN” - ông Huỳnh Công Mỹ chia sẻ.

Với chị Tạ Thùy Liên (Việt kiều Singapore), chuyến trở về lần này càng có ý nghĩa đặc biệt khi đất tổ là nơi chị sinh ra. “Tôi xa quê hương, đi học, làm việc ở Singapore 13 năm rồi. Chuyến trở về lần này, tôi rất mong muốn cùng với cộng đồng người Việt ở những nước trên thế giới có những sự hợp tác thiết thực, hiệu quả hơn để hướng về cội nguồn” - chị Liên tâm sự. Theo chị Tạ Thùy Liên, hiện có 12.000 người Việt sinh sống tại Singapore, trong đó có tới hơn 8.000 sinh viên, nghiên cứu sinh. “Nếu được kết nối, những Việt kiều ở Singapore sẽ đóng góp rất lớn cho sự nghiệp xây dựng đất nước” - chị Liên nói.

Chia sẻ với các kiều bào, ông Nguyễn Thanh Sơn - thứ trưởng Bộ Ngoại giao, chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài - nói: “Chuyến trở về sẽ bồi đắp thêm tình cảm dành cho cội nguồn dân tộc. Những chuyến hành hương về đất tổ trong nhiều năm qua cũng phần nào đáp ứng nguyện vọng của nhiều người VN ở nước ngoài”. Ông Sơn cũng bày tỏ mong muốn “kiều bào ở nước ngoài không chỉ đóng góp vật chất, tiền tài mà còn cả kiến thức cho đất nước”.

Hành hương đất tổ, hành trình Trường Sa

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, đây là hai chương trình lớn của Bộ Ngoại giao trong năm nay. “Chuyến hành trình Trường Sa sắp tới sẽ giúp đồng bào, bà con ở nước ngoài được tận mắt chứng kiến phần biển đảo chủ quyền thiêng liêng mà VN đang bảo vệ ở biển Đông. Từ đó, đồng bào cũng hiểu hơn sự hi sinh của các chiến sĩ, của những người dân trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và toàn vẹn lãnh thổ. Chúng tôi mong muốn bà con sẽ chứng kiến sự thật biển đảo của chúng ta không dâng bán cho ai hết. Chủ quyền biển đảo vẫn được gìn giữ ngày ngày như thế nào. Ngoài ra, bà con cũng sẽ đi qua vùng biển đảo rất tiềm năng với những giàn khoan dầu đang đem lại lợi ích kinh tế rất lớn cho đất nước” - ông Nguyễn Thanh Sơn nói.

Học sinh TP.HCM nô nức với lễ giỗ Tổ Hùng Vương

m0cdsOdZ.jpgPhóng to
Cũng như ở Phú Thọ, TP.HCM đang tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến giỗ Tổ Hùng Vương. Trong ảnh: học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) dâng lễ vật tại lễ giỗ Tổ Hùng Vương vào sáng 8-4 - Ảnh: Như Hùng

Ngày 8-4 (nhằm ngày 9-3 âm lịch), nhiều trường tiểu học tại TP.HCM tưng bừng tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Ngoài nghi thức dâng hương, tại nhiều trường tiểu học của các quận 11, Tân Phú, Tân Bình..., nhiều sự tích, truyền thuyết liên quan đến các đời vua Hùng và những lễ vật được chọn thờ cúng trong văn hóa 54 dân tộc anh em đã được các giáo viên, học sinh thể hiện bằng nhiều hình thức nghệ thuật.

Cùng ngày, tập thể giáo viên và học sinh Trường THPT Hùng Vương long trọng tổ chức lễ giỗ Tổ Hùng Vương. Lễ khai mạc diễn ra hoành tráng với tiết mục múa dân gian Hướng về cội nguồn do tập thể giáo sinh và học sinh trường thể hiện.

HÀ HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên