05/04/2014 07:50 GMT+7

Phong tỏa tài sản khi có dấu hiệu tham nhũng

Ông Phạm Anh Tuấn(phó trưởng Ban Nội chính trung ương)
Ông Phạm Anh Tuấn(phó trưởng Ban Nội chính trung ương)

TT - Đó là một trong những kiến nghị từ hội thảo khoa học “Thu hồi tài sản tham nhũng - thực trạng và giải pháp” do Ban Nội chính trung ương tổ chức ngày 4-4 tại Hà Nội.

Không “lót tay” thì sẽ bị hànhTham nhũng vặt khắp nơiĐẩy nhanh điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng

bTA8F0DO.jpgPhóng to
Ông Phạm Anh Tuấn - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Đăng Phước

Phát biểu đề dẫn hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - cho biết việc thu hồi tài sản tham nhũng và tịch thu tài sản do tham nhũng mà có đã được quan tâm từ rất sớm, tuy nhiên trên thực tế việc thu hồi hoặc tịch thu tài sản tham nhũng trong những năm qua đạt hiệu quả rất thấp.

Tham nhũng lớn, thu hồi nhỏ

"Đối với tội phạm tham nhũng, câu chuyện không chỉ là xử anh đi tù mà anh còn phải trả nợ cho Nhà nước, cho xã hội. Nếu không làm tốt việc thu hồi tài sản tham nhũng thì chống tham nhũng mới thành công được một nửa"

Mặc dù chưa có thống kê đầy đủ nhưng theo báo cáo mới nhất của Chính phủ, tỉ lệ số tiền, tài sản thu hồi chỉ đạt chưa đến 10% so với tổng số tài sản bị chiếm đoạt do hành vi tham nhũng.

Ông Nguyễn Hải Phong - phó viện trưởng Viện KSND tối cao - cung cấp thêm số liệu ba năm từ 2010-2013, tổng giá trị tài sản bị tham nhũng hoặc gây thiệt hại do tham nhũng phát hiện được khoảng 17.150 tỉ đồng, nhưng tổng giá trị tài sản thu hồi được chỉ khoảng 4.950,655 tỉ đồng. Như vậy tỉ lệ thu hồi chỉ đạt khoảng 28,8%, riêng năm 2013 đạt dưới 10%, nghĩa là giảm so với trước. Cũng tại hội thảo, có ý kiến cho rằng hiện nay việc đánh giá tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn khác nhau, lý do vì chưa có tiêu chí thống nhất để xác định tài sản tham nhũng hoặc là tài sản do tham nhũng mà có, hoặc những thiệt hại của Nhà nước, của xã hội do hành vi tham nhũng gây ra.

Đại tá Nguyễn Đức Hiển (phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an) nêu vấn đề đáng quan tâm là số tài sản của Nhà nước, của tập thể bị tham nhũng, thất thoát ngày càng nhiều, có thể nói chưa bao giờ số tài sản thất thoát lớn như hiện nay, nhiều vụ lên đến hàng nghìn tỉ đồng.

Trong khi đó theo tài liệu tại hội thảo, tài sản hoặc tiền bị tịch thu từ tội phạm phải là tài sản hoặc tiền liên quan trực tiếp đến tội phạm. Nghĩa là khi số tiền hoặc tài sản đó đã được thay đổi, tách xa ra khỏi tội phạm ban đầu sẽ rất khó khăn cho cơ quan chức năng phát hiện, thu hồi. Thực tế trong nhiều trường hợp rất khó xác định, chứng minh tài sản tham nhũng, thất thoát có những khoản tiền, tài sản không tách bạch được. Tài liệu tại hội thảo nêu đơn cử như Dương Chí Dũng mua hai căn hộ chung cư cao cấp tại Hà Nội cho bạn gái giá trị hơn chục tỉ đồng, nhưng không chứng minh được đây là tiền do phạm tội mà có. Hay vụ án xảy ra tại Công ty Cho thuê tài chính II, Agribank cho rằng các đối tượng đã gây thất thoát gần 3.000 tỉ đồng nhưng hiện cơ quan điều tra mới xác định được thiệt hại là trên 800 tỉ đồng và thu hồi được trên 300 tỉ đồng...

Không để tham nhũng “đánh tháo” tài sản

Ông Nguyễn Đình Quyền - phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - nêu vấn đề cần định nghĩa rõ thế nào là tài sản tham nhũng. Một số ý kiến khác tại hội thảo cho rằng cùng với việc xác định tài sản tham nhũng thì có thể áp dụng bốn biện pháp. Đầu tiên, đối với tài sản tham ô thì phải thu hồi. Tiếp theo, đối với tài sản nhận hối lộ (ví dụ như tiền của người dân trong nước, của nước ngoài hối lộ) thì phải tịch thu. Và khi xảy ra thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội từ hành vi tham nhũng thì đối tượng tham nhũng phải bồi thường thiệt hại. Cuối cùng, nên tính đến biện pháp phạt tiền dành cho tội phạm tham nhũng, coi đây là hình phạt đi kèm cùng với hình phạt tù.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn cho biết trong bối cảnh hiện nay, vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là nội dung mà Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng rất quan tâm. Thực tế trong việc xác định, kê biên, phong tỏa tài sản nghi tham nhũng mà có được, các cơ quan chức năng cố gắng tiến hành song song với quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tuy nhiên có một thực tế nhiều lúc các cơ quan chức năng chỉ tập trung cao cho việc chứng minh tội phạm, mà không có sự chú ý cần thiết đến việc thu hồi tài sản tham nhũng. Tới đây Ban Nội chính trung ương sẽ tập hợp các giải pháp, kiến nghị đưa ra tại hội thảo này để trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Ông Tuấn cho rằng một trong những thước đo hiệu quả công tác chống tham nhũng chính là việc thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước, cho xã hội. Đây là vấn đề đặt ra không riêng với Việt Nam, mà theo thống kê của Ngân hàng Thế giới thì mỗi năm trên toàn cầu tham nhũng gây thiệt hại đến 2.600 tỉ USD, bằng khoảng 5% tổng GDP toàn cầu, trong đó 1.000 tỉ USD chảy vào túi quan tham, nhưng tỉ lệ thu hồi về được cũng chỉ khoảng dưới 20%.

Ông Tuấn đặc biệt nhấn mạnh biện pháp khi xuất hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì cần áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn như kê biên, phong tỏa tài sản từ khi đủ cơ sở khởi tố một cá nhân nào đó về hành vi tham nhũng để tránh việc “đánh tháo, tẩu tán”.

Ngoài ra, theo ông Tuấn, hiện nay vấn đề tham nhũng đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia, do vậy cần quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục hợp tác quốc tế trong việc thực hiện ủy thác hoặc lệnh của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài về xác minh, phong tỏa, thu giữ, tịch thu tài sản tham nhũng có nguồn gốc từ nước ngoài. Cơ quan chức năng Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại, có quyền yêu cầu nước ngoài xác minh, phong tỏa tài sản có nguồn gốc tham nhũng từ Việt Nam để thu hồi về cho đất nước. “Nên bổ sung quy định về việc xác định số dư tài khoản ở nước ngoài” - ông Tuấn nói.

Phong tỏa toàn bộ cổ phiếu của “bầu” Kiên

Vụ án Dương Chí Dũng mới thu hồi được 2,8 tỉ đồng tiền mặt và kê biên bốn căn nhà trị giá khoảng 30 tỉ đồng. Vụ Huỳnh Thị Huyền Như, cơ quan điều tra đã kê biên, thu giữ tiền, tài sản các loại tổng trị giá hơn 620 tỉ đồng. Vụ Nguyễn Đức Kiên, cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ số tiền 264 tỉ đồng, kê biên ba bất động sản và yêu cầu phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do Nguyễn Đức Kiên và người thân sở hữu tại Ngân hàng ACB...

Ông Phạm Anh Tuấn(phó trưởng Ban Nội chính trung ương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên