27/03/2014 07:34 GMT+7

"Chưa phát hiện dấu hiệu bất thường"

TUẤN PHÙNG - XUÂN LONG
TUẤN PHÙNG - XUÂN LONG

TT - Chiều tối 26-3, Tổng công ty Đường sắt VN (ĐSVN) đã có báo cáo bước đầu lên Bộ GTVT về kết quả rà soát quá trình thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên, dự án mà JTC khai nhận đã hối lộ cán bộ của ĐSVN 16 tỉ đồng).

Toàn cảnh dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1Sẽ công khai thông tin nghi án hối lộ lãnh đạo đường sắtThêm 10 cán bộ phải giải trình vụ dự án đường sắt

wHjtnITa.jpg
Ga Yên Viên - điểm đầu của tuyến đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội), dự án có sử dụng vốn ODA - Ảnh: Việt Dũng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Ngọc Thành - chủ tịch hội đồng thành viên ĐSVN - cho biết việc rà soát dự án này gồm các khâu trình tự đầu tư, quá trình mời thầu, xét thầu, công bố kết quả trúng thầu và giá trúng thầu. Tuy nhiên, kết quả ban đầu chưa có dấu hiệu gì bất thường. “ĐSVN sẽ rà soát tất cả dự án có liên quan đến JTC và cập nhật hằng ngày báo cáo Bộ GTVT. Mặc dù chưa thấy dấu hiệu bất thường ở dự án đường sắt đô thị số 1 nhưng việc rà soát sẽ được cập nhật để phân tích, bóc tách ở các khâu nhằm tìm ra nghi vấn. Với những dự án khác cũng rà soát để thấy có gì bất cập, sai sót (nếu có) thì khắc phục, xử lý” - ông Thành cho biết.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, qua rà soát dự án đường sắt đô thị số 1 có bốn nhà thầu được mua hồ sơ dự thầu nhưng một nhà thầu bỏ cuộc, còn ba nhà thầu mua hồ sơ dự thầu. Nhưng cuối cùng hai nhà thầu còn lại bỏ cuộc, chỉ có JTC nộp hồ sơ dự thầu. Tuy nhiên, theo các đơn vị quản lý dự án ngành giao thông thì việc này cũng thường xảy ra ở các dự án có vốn ODA, đặc biệt là vốn STEP (vốn ODA theo điều kiện đặc biệt) của Nhật Bản (nhà thầu chính là nhà thầu Nhật Bản).

Dự án đường sắt đô thị số 1 (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư 19.460 tỉ đồng (13.972 tỉ đồng vay JICA, còn lại là đối ứng), do ĐSVN làm chủ đầu tư, tiến độ thực hiện dự án dự kiến từ năm 2008 đến năm 2017.

Từ năm 1993, JTC đã tham gia 14 dự án tại VN, trong đó chỉ tính riêng ngành đường sắt JTC tham gia thực hiện năm dự án có vốn vay ODA của Nhật Bản.

Trong giai đoạn 1 của dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, vào tháng 10-2008 Bộ GTVT quyết định đầu tư xây mới đường sắt đôi trên cao đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài 15,36km và khu tổ hợp ga Ngọc Hồi dài 3,85km.

Cũng theo Bộ GTVT, để thực hiện giai đoạn 1 dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, VN đã ký hiệp định vay JICA lần một với giá trị 4,683 tỉ yen cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu. Tương tự, sau khi ĐSVN tổ chức đấu thầu tuyển chọn tư vấn vào tháng 4-2008, sau đó đã báo cáo Bộ GTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cho liên danh tư vấn do JTC đứng đầu, liên danh với các công ty khác của Nhật Bản và một số công ty của VN. Giá trúng thầu ban đầu chỉ có hơn 2,9 tỉ yen và 320 tỉ đồng, thời gian thực hiện cũng được quy định từ tháng 10-2009 đến tháng 11-2011. Tuy nhiên, với các lý do phát sinh khối lượng công trình, tổng giá trị hợp đồng tư vấn giữa ĐSVN với JTC đã được điều chỉnh tăng lên 3,6 tỉ yen và 236 tỉ đồng, thời gian thực hiện cũng được kéo dài thêm 11 tháng đến tháng 10-2012. Tuy nhiên, cũng theo Bộ GTVT, đến nay hợp đồng tư vấn mới giải ngân được 80% phần tiền yen và 69% phần tiền Việt.

Trả lời Tuổi Trẻ về quyết định thanh tra những dự án có JTC tham gia có tập trung làm rõ nguyên nhân của việc đội vốn, ông Nguyễn Văn Huyện, chánh thanh tra Bộ GTVT, cho biết theo kế hoạch thanh tra đột xuất, thanh tra bộ sẽ tập trung thanh tra các nội dung liên quan đến đầu tư, đấu thầu, hồ sơ thầu và quản lý đối với dự án đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, sau đó sẽ xem xét tiếp các dự án khác. Đối với các dự án khác do ĐSVN làm chủ đầu tư, JTC làm tư vấn, ông Huyện khẳng định: “Trong quá trình thanh tra anh em sẽ báo cáo, nếu có vấn đề sẽ quyết định thanh tra hết. Riêng về việc điều chỉnh tăng vốn cho nhà thầu, quá trình thanh tra sẽ phát hiện ngay. Nếu tăng vốn không theo chính sách, không hợp lý thì đương nhiên phải xử lý”.

Thêm 10 cán bộ phải giải trình

Ngày 26-3, Bộ GTVT đã có thêm công văn yêu cầu một số cán bộ, công chức thuộc diện bộ quản lý, làm báo cáo về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện dự án đường sắt đô thị Hà Nội giai đoạn 1. Theo đó, có 10 người sẽ phải báo cáo giải trình, gồm bảy người đương chức, ba người đã nghỉ hưu. Cụ thể:

* Những người đương chức:

- Ông Nguyễn Đức Thắng - quyền tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN (nguyên phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).

- Ông Triệu Khắc Dũng - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc thuộc Tổng cục Đường bộ VN (nguyên phó trưởng phòng thẩm định 1, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).

- Bà Nguyễn Minh Tuyến - phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

- Ông Trần Quốc Việt - chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (nguyên cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông).

- Ông Lê Quyết Tiến - trưởng phòng pháp chế - đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

- Ông Phan Hữu Biên - chuyên viên phòng pháp chế - đấu thầu, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông.

- Ông Vũ Nam Nguyên - chuyên viên chính Vụ Kế hoạch - đầu tư.

* Những người đã nghỉ hưu:

- Ông Lê Mạnh Hùng - nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

- Ông Nguyễn Hữu Bằng - nguyên chủ tịch hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt VN.

- Ông Hà Khắc Hảo - nguyên phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - đầu tư.

C.V.KÌNH

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Nghi án công ty Nhật đưa hối lộ: Xử lý nghiêm, bất kể aiJTC (Nhật) hối lộ lãnh đạo đường sắt VN hơn 700.000 USDPhó thủ tướng chỉ đạo làm rõ thông tin hối lộ 782.000 USDTạm dừng công tác giám đốc BQL các dự án đường sắt

TUẤN PHÙNG - XUÂN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên