18/03/2014 16:18 GMT+7

Tỉnh ủy Bình Thuận chưa chủ trương bỏ sân golf, xây đô thị

NGUYỄN NAM
NGUYỄN NAM

TTO - Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết đã nhận hồ sơ từ UBND tỉnh về việc chuyển dự án sân golf Phan Thiết thành khu đô thị nhưng tỉnh ủy chưa xem xét chủ trương này.

Ca5KvVbV.jpgPhóng to
Khách chơi golf tại sân golf Phan Thiết - ẢNH: NGUYỄN NAM

DN biết trước tỉnh đồng ý chuyển sân golf thành khu đô thị?

Trưa 18-3, trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Thuận cho biết nơi này đã nhận hồ sơ từ UBND tỉnh Bình Thuận chuyển đến Tỉnh ủy để xem xét chủ trương xin chuyển đổi dự án sân golf Ocean Dunes Golf Club (còn gọi là sân golf Phan Thiết) sang đất ở đô thị, do Công ty Cổ phần Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) làm chủ đầu tư.

Theo đó, hiện Tỉnh ủy Bình Thuận đang xem xét ý kiến nhiều chiều, cũng như thảo luận với các vị lãnh đạo tiền nhiệm để đưa ra những ý kiến đóng góp về vấn đề này.

Trong 3 ngày họp Ban thường vụ Tỉnh ủy từ 18 đến 20-3, vấn đề sân golf Phan Thiết chưa được đem ra xem xét.

Hồ sơ vụ việc cho thấy Công ty Cổ phần Rạng Đông mua lại sân golf Phan Thiết từ nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 15-11-2013.

Chỉ nửa tháng sau, vào ngày 2-12-2013, công ty này đã gửi văn bản cho UBND tỉnh Bình Thuận để xin chuyển đổi sân golf Phan Thiết làm khu đô thị.

Lý do mà Công ty Cổ phần Rạng Đông đưa ra để xin chuyển đổi là do kinh doanh sân golf Phan Thiết thua lỗ kéo dài - mặc dù doanh nghiệp này chỉ vừa mới tiếp nhận sân golf ngày 15-11-2013.

Khi UBND tỉnh Bình Thuận chưa thông qua chủ trương cho chuyển đổi thì ngày 1-3, Chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông Nguyễn Văn Đông đã ký văn bản thông báo đóng cửa sân golf từ ngày 1-4.

Việc “cầm đèn chạy trước ôtô” này đang gây xôn xao dự luận tại Bình Thuận trong những ngày vừa qua.

Đến ngày 4-3, UBND tỉnh Bình Thuận mới họp và 27/27 đại biểu dự họp (vắng Thường trực HĐND tỉnh) thống nhất ý kiến cho chuyển đổi.

Sang ngày 5-3 UBND tỉnh Bình Thuận chính thức ra kết luận thống nhất chuyển đổi mục đích sử dụng đất của sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.

Sự kiện này gây ra nhiều ý kiến trái chiều, nhất là những vị lãnh đạo tiền nhiệm đã lên tiếng phản đối gay gắt. Họ cho rằng việc UBND tỉnh Bình Thuận đưa ra chủ trương như trên là quá vội vàng, cập rập.

Trong khi TP.Phan Thiết đang thiếu diện tích cây xanh, khu đất vàng này chỉ có trên 62ha bó hep trong nội thành thì chỉ nên làm công viên chứ không thể xây thành đô thị đẹp hơn Phú Mỹ Hưng (như tuyên bố của chủ tịch Tập đoàn Rạng Đông Nguyễn Văn Đông) được. Hoặc Công ty Cổ Phần Rạng Đông đã mua lại sân golf thì cứ để sân golf lại kinh doanh cho đến hết thời hạn dự án.

Bên cạnh đó, các hội viên đánh golf - những người bỏ ra hàng chục ngàn USD để mua thẻ hội viên đã phản ứng dữ dội khi Công ty Cổ phần Rạng Đông đưa ra “cách lựa chọn 50-50” cho hội viên: Hoặc chuyển sang đánh tại sân golf Sea Links (cũng của Tập đoàn Rạng Đông), hoặc giải quyết tại tòa. Những hội viên này đang tiến hành làm các thủ tục để bảo vệ quyền lợi của mình.

Được biết Công ty Cổ phần Rạng Đông mua lại sân golf Phan Thiết trên 62ha với giá 20 triệu USD (khoảng 400 tỉ đồng). Đây là dự án Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hằng năm (thời hạn đến tháng 12-2044).

Nếu chuyển đổi thành công từ sân golf sang đất ở đô thị, doanh nghiệp này tính toán đóng thuế cho Bình Thuận khoảng 1.000 tỉ đồng. Tổng cộng chi phí bỏ là 1.400 tỉ đồng. Khoảng 25ha (40% diện tích dự án) sẽ được để lại cho Nhà nước quản lý làm công trình công cộng, giao thông.

Tuy nhiên với 37ha (370.000m2) còn lại, trong khi giá đất lân cận tại “khu đất vàng” này có giá trị gần 20 triệu đồng/m2, thì số tiền doanh nghiệp này thu về do việc gia tăng giá trị bất động sản sau chuyển đổi ước tính lên đến đến khoảng 7.400 tỉ đồng. Trừ đi chi phí bỏ ra thì doanh nghiệp “bỏ túi" đến 5.000 tỉ đồng.

Khi việc chuyển đổi trên diễn ra êm xuôi, đây là một trong những điển hình sân golf đầu tiên của VN, khi doanh nghiệp sở hữu sân golf “nuôi mộng” biến nó thành đất ở đô thị, thu về khối tài sản lợi nhuận khổng lồ.

Nhiều hội viên đánh golf - là những nhà kinh doanh bất động sản nhìn nhận đến thời điểm này, đã lộ diện ra một trong những ông chủ sở hữu sân golf sau đó chờ “thời cơ” thuận lợi liền xin đổi ngay mục đích sử dụng đất.

Trường hợp khác, nếu việc chuyển đổi không thành công thì số tiền 20 triệu USD mà doanh nghiệp bỏ ra mua lại sân golf, nhưng lại kinh doanh không hiệu quả, thì đây là một gánh nặng khổng lồ cho doanh nghiệp này khi “thay đổi chiến lược kinh doanh” sai lầm.

Chính phủ: cấm dùng đất cấp làm sân golf để xây nhà

Sân golf Phan Thiết nằm trong danh mục các sân golf dự kiến phát triển đến năm 2020 theo quy định của Thủ Tướng Chính phủ.

Quyết định này giao trách nhiệm UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương kiểm tra, giám sát việc xây dựng sân golf theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo chỉ sử dụng đất đã cấp xây dựng sân golf để xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ hoạt động sân golf, không sử dụng đất để xây dựng nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng.

Đề phòng các doanh nghiệp “luồn” địa phương để chuyển sân golf sang đất ở, Thủ tướng Chính phủ vào ngày 18-4-2012 cũng ra chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch sân golf theo quyết định 1946.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quán triệt và thực hiện nhiều nhiềm vụ, trong đó nêu rõ “không được sử dụng đất đã cấp cho việc xây dựng sân golf để xây nhà, biệt thự để bán, chuyển nhượng hoặc sử dụng vào mục đích khác”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Hội viên đánh golf phản ứngVụ sân golf Phan Thiết: hội viên phản đối, tỉnh chờ chủ trươngSố phận một sân golfSân golf Phan Thiết có thể thành khu đô thị

NGUYỄN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên