07/03/2014 06:28 GMT+7

Nam Trung bộ, Tây Nguyên đồng khô cỏ héo

       KIM THỦY - CHÂU TƯỜNG - CHÂU AN - TRUNG TÂN - LÊ BÌNH
       KIM THỦY - CHÂU TƯỜNG - CHÂU AN - TRUNG TÂN - LÊ BÌNH

TTO - Những ngày qua, người dân các tỉnh, thành khu vực Nam Trung bộ đối mặt với tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nhiều ruộng lúa, đồng cỏ khô héo, gia súc không đủ nước uống...

7Xs9ZaRY.jpgPhóng to
Đàn cừu của hộ ông Tạ Văn Thành (thôn Đồng Dày, Phước Trung, Bác Ái) trên ruộng lúa khô cháy trưa 6-3 - Ảnh: C.A.
ZTTt42tP.jpg
Đàn bò của ông Nguyễn Văn Thanh (ngụ thôn An Hòa, Xuân Hải, Ninh Hải) gặm cỏ khô bên bờ ao đã cạn nước trưa 6-3 - Ảnh: C.A.

Tại Phú Yên, ngày 6-3, ông Biện Minh Tâm, giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết đã có gần 100 ha lúa bị khô héo, mất trắng và trên 3.000 ha sắn, mía, đậu phộng bị hạn.

Số diện tích này tập trung tại các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh và Tuy An, đều nằm ngoài hệ thống tưới của các công trình thủy lợi.

Nông dân đang phải tận dụng nguồn nước từ các sông, suối để bơm tưới, đồng thời khoan giếng tìm nước ngầm chống hạn.

Cam go nước tưới

Theo ông Trần Tiến Anh, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thủy nông Đồng Cam, nguồn nước tưới cho cánh đồng lúa Tuy Hòa rộng gần 20.000 ha của hệ thống thủy nông Đồng Cam đã bắt đầu khó khăn, do mực nước sông Ba ở mức thấp.

“Theo báo cáo của Công ty cổ phần thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh, trong ngày 8 và 9-3 tới, công ty này sẽ ngừng phát điện để sửa chữa, nên việc cấp nước tưới cho diện tích cây trồng tại huyện Tây Hòa và Đông Hòa sẽ càng thêm cam go. Vì vậy, ngoài các trạm bơm hiện có, công ty đã tăng cường thêm ba trạm bơm chống hạn tại các xã Hòa Định Tây (huyện Phú Hòa), Hòa Phú, Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) để tăng tưới cho những diện tích có nguy cơ thiếu nước”, ông Anh nói.

Cùng ngày, ông Trần Công Danh, giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Phú Yên, cho biết lượng mưa trung bình từ tháng 12-2013 đến đầu tháng 3-2014 đo được tại Phú Yên thấp hơn cùng kỳ các năm trước, hiện mực nước trên các sông tại Phú Yên cũng thấp hơn cùng kỳ năm trước.

Tại Khánh Hòa, ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh đã xảy ra thiếu nước ở nhiều nơi. Ông Lê Văn Hùng - chuyên viên Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh - cho biết hiện đã có 70 ha bắp và lúa bị thiếu nước tưới.

Theo ông Hùng, từ trước tết đến giờ trên địa bàn huyện không có cơn mưa nào nên nước tưới tại các đập, hồ chứa, suối đều đã cạn.

Tương tự, tại huyện Khánh Sơn, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - phó trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện - cho biết đang tập trung rà soát diện tích hoa màu của bà con bị hư hại để có số liệu chính thức.

Hiện các xã, thị trấn trong huyện đang tập trung nạo vét kênh mương, tranh thủ các nguồn nước từ sông, suối, giếng khoan… để chống hạn.

Tại Ninh Thuận, theo báo cáo từ Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận, hiện mực nước ở các hồ thủy lợi nhỏ đã sắp xuống mực nước chết, mực nước các hồ thủy lợi loại lớn như Sông Sắt (huyện Bác Ái), Sông Trâu (huyện Thuận Bắc), Tân Giang (huyện Thuận Nam) đang ở mức thấp.

Ông Nguyễn Văn Hường, giám đốc công ty này, cho biết công ty yêu cầu các trạm thủy lợi điều tiết, xả nước tiết kiệm từ hai tháng qua. Nếu hết tháng 3 này mà không có mưa thì hầu hết các hồ thủy lợi đều cạn nước.

Tại vùng liên thôn An Hòa (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải) và Đồng Dày (xã Phước Trung, huyện Bác Ái), đồng lúa xen lẫn đồng cỏ cho đàn gia súc đã khô cháy vì thiếu nước.

Ông Tạ Văn Thành, ngụ thôn An Hòa, cho hay hộ ông có canh tác 8ha ruộng và nuôi 90 con cừu, hiện đang gặp khó khăn về nguồn nước.

Dù gần hai hồ thủy lợi nhỏ nhưng nguồn nước không chủ động được nên ông đã đào ao lấy nước sản xuất lúa, hoa màu nhưng giờ ao nước cũng sắp cạn kiệt.

“Hằng ngày tôi phải xuống ao chắt lấy từng can nước ít ỏi để dành cho đàn cừu uống, sinh hoạt gia đình. Vài ngày nữa ao khô cạn chưa biết chở nước ở đâu về dùng” - ông Thành nói.

Hạn hán khắc nghiệt ngay đầu mùa khô

Tại tỉnh Đắk Lắk, các huyện Krông Pắk, Ea Kar, M’Đrắk… đối mặt với tình trạng khô hạn khắc nghiệt. Đặc biệt, tình hình hạn hán dọc đoạn sông Sêrêpốk dài khoảng 20km từ sau đập xả thủy điện Sêrêpốk 4 đến kênh xả nước thủy điện Sêrêpốk 4A (huyện Buôn Đôn) cũng hết sức khốc liệt. Dọc đoạn sông này, nhiều đoạn trơ đáy, hai bên bờ sông người dân phải rất vất vả tìm nguồn nước ở nơi khác để tưới cà phê, cây trồng.

Chị Hoàng Thị Thanh, thôn Nà Ven, xã Ea Wer cho biết khi toàn bộ nguồn nước từ sau thủy điện Sêrêpốk 4 chuyển hết vào kênh dẫn nước khiến hạ lưu sông Sêrêpốk mấy tháng nay khô kiệt, có những đoạn sông đất đã nứt nẻ.

Không chỉ vậy, kênh dẫn dòng của thủy điện này cắt ngang nhiều con suối cũng đã lấy luôn nguồn nước ít ỏi từ các suối nhỏ chảy về hướng sông nên ruộng đồng cháy khô.

Hai khu du lịch trong khu vực này cũng bị ảnh hưởng nặng nề, khách du lịch vắng hẳn vì không còn cảnh quan thác nước.

Công ty du lịch sinh thái Bản Đôn (xã Ea Huâr, Buôn Đôn) nổi tiếng với dòng thác Bảy nhánh hùng vĩ, thế nhưng nay đang trong trình trạng trơ đất đá.

Ngay cả nhưng cây si cổ thụ ở giữa sông hiện cũng đang khô héo vì thiếu nước, phải kéo ống ra giữa sông tưới để cứu cây.

Trước tình trạng dòng sông Sêrêpốk khô kiệt nặng nề, đe doạ cuộc sống của hàng ngàn người dân, mới đây công ty cổ phần thủy điện Buôn Đôn đã đề xuất phương án phá ghềnh đá đoạn thác Bảy nhánh để nước chảy xuống hạ lưu.

Lý do công ty này đưa ra là tại đay ghềnh đá quá cao khiến mực nước hiện tại của sông không chảy ra các nhánh. Tuy nhiên, đến nay việc này đang chờ quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk về việc có quyết định phá bỏ ghềnh thác này hay không.

Theo thống kê sơ bộ, đến thời điểm toàn tỉnh Đắk Lắk đã có gần 1.200 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi nắng hạn, nhiều nơi nông dân đang rất khó khăn về nguồn nước tưới.

Theo đánh giá, mực nước tại phần lớn các ao hồ, sông suối đang tụt giảm mạnh, nhiều vùng đối diện với tình hình hạn hán khốc liệt.

Trung tâm khí tượng thủy văn tỉnh Đắk Lắk dự báo tháng 2 và tháng 3-2014, trên nhiều vùng của tỉnh Đắk Lắk sẽ không có mưa.

Chỉ một vài vùng cục bộ có mưa nhỏ, dưới 10mm, không đủ lượng nước để đảm bảo sinh trưởng cho cây trồng nếu người dân không tiết kiệm, chủ động nguồn nước tưới…

Trong khi đó, huyện Đắk Mil (Đắk Nông) bắt đầu đối diện với nạn hạn hán. Hiện bà con nông dân ở các xã Đắk Gằn, Đắk Rla, Đắk N’đrót đang triển khai tưới đợt 2, tuy nhiên nhiều hồ chứa thủy lợi đã dưới mực nước chết không còn khả năng cấp nước, nhiều dòng suối đã cạn kiệt.

Huyện Đắk Mil có 29 hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích khoảng 10 triệu m3, thì 18 hồ chứa đã không còn khả năng cấp nước tưới.

Ông Trần Đoàn, một nông dân gần 5ha cà phê gần hai hồ chứa Đắk Loau và Đắk M’bai (xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil), cho biết đến thời điểm này nước đã cạn kiệt, hàng chục nông dân phải đặt 3 bậc máy mới hút được những giọt nước cuối cùng cho cà phê.

Tại huyện huyện Cư Jút, 738ha lúa nước vụ Đông Xuân cũng đang trong tình trạng thiếu nước. Hiện lúa đang trong giai đoạn sinh trưởng, đẻ nhánh nên cần nhiều nước.

Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài, mực nước tại các hồ đập xuống mức thấp, khô hạn cục bộ đang diễn ra tại một số cánh đồng.

Theo phòng NN&PTNT huyện, dự trữ nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2013- 2014 của các hồ chứa thủy lợi chỉ đạt khoảng 80% dung tích thiết kế, khả năng tưới của các công trình thủy lợi vào cuối vụ sẽ rất khó khăn, nguy cơ thiếu nước cho vụ lúa đông xuân là rất lớn.

       KIM THỦY - CHÂU TƯỜNG - CHÂU AN - TRUNG TÂN - LÊ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên