Xe buýt ép người đi bộ vào rào chắn công trình tử vongRào chắn công trình sơ sài, 4 người rớt xuống kênh
Phóng to |
Hàng rào công trình tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính (Q.1) nhô ra lòng đường buộc xe buýt phải cua gắt - Ảnh: Thuận Thắng |
Hai ngày sau khi xảy ra vụ tai nạn giữa xe buýt tuyến số 19 và người đi bộ tại góc đường Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (Q.1) khiến nạn nhân là ông Đỗ Văn Đặng, 60 tuổi, tử vong tại chỗ, ngày 2-3 chúng tôi quay lại hiện trường và thấy giao thông tại đây vẫn rất phức tạp.
Lối nào cho người đi bộ?
"Ngày nào tôi cũng phải đi bộ trên đường này và cảm thấy rất lo lắng cho tính mạng của mình. Không biết cơ quan quản lý tính toán sao mà để rào chắn công trình rào ra giữa đường, lấn hết vỉa hè. Lại thêm mấy ông xe buýt chạy ẩu " |
Trên đường Lê Thị Hồng Gấm, nhiều người đi bộ vẫn phải đi dưới lòng đường chung với các loại phương tiện khác nhau, trong đó có các “hung thần” xe buýt. Nhiều đoàn du khách nước ngoài đi qua đường này phải nép mình sát vào tấm tôn của công trình xây dựng dự án The ONE (khu tứ giác Bến Thành được giới hạn bởi các đường Phạm Ngũ Lão - Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1). Tại hai góc của khu dự án, lực lượng bảo vệ dân phố P.Nguyễn Thái Bình dán bảng thông báo cảnh báo người đi đường không được đứng dưới lòng đường, đồng thời báo hiệu các loại xe đi qua đây phải giảm tốc độ. Thậm chí, tại góc đường Phó Đức Chính - Lê Thị Hồng Gấm, sau vụ tai nạn, một dòng chữ “Coi chừng xe buýt” được viết lên vách rào tôn công trình.
Đứng đây khoảng 10 phút, chúng tôi đếm hơn 10 chuyến xe buýt chạy qua đường Lê Thị Hồng Gấm. Theo nhiều người dân địa phương, nếu như trước đây chưa có hàng rào công trình thì người đi bộ có thể đi lên vỉa hè. Nhưng từ ngày công trình này thi công, hàng rào bao quanh công trình lấn ra lòng đường, người đi bộ không còn cách nào khác là phải đi giữa đường. Thời gian qua có không ít trường hợp xe buýt phải thắng gấp để tránh người đi bộ.
Bà Võ Thị Hồng (người dân buôn bán trên đường Lê Thị Hồng Gấm) cho biết mỗi lần có việc đi dọc tuyến đường này bà rất sợ. Trong khi đó, anh N. - một tài xế xe buýt tuyến số 19 - cho biết dù chạy cẩn thận mấy đi nữa thì vẫn có rủi ro khi lái xe những tuyến đường cặp theo rào chắn công trình này. Rào chắn cao, che khuất tầm nhìn cả tài xế lẫn người đi bộ, rất nguy hiểm, khi gặp sự cố thì rất khó xử lý vì thường phát hiện trễ. “Rào chắn công trình tại góc cua mà làm sát ra đường, không bo góc thì xe cộ rất khó bẻ cua” - tài xế N. nói.
Tương tự, tại góc đường Pasteur - Lê Lợi (Q.1) cũng đang có một công trình xây dựng dự án công trình văn hóa khách sạn. Phía trước công trình hàng rào bằng tôn choán gần hết phần vỉa hè, chỉ chừa khoảng 1m cho người đi bộ. Trên đoạn vỉa hè khoảng 1m còn lại này trở thành chỗ để xe của một số công nhân thi công trong công trình, buộc người đi bộ phải đi xuống lòng đường.
Còn trên đường Hồng Bàng, đoạn qua Q.6 đang tồn tại công trình cải tạo kênh Tân Hóa - Lò Gốm. “Lô cốt” của công trình rào chắn trên phần mặt đường từ nhiều tháng nay. Đặc biệt, do “lô cốt” mọc nhô ra phần mặt đường, khi xe chạy tới đây thì bị “uốn dòng” đột ngột qua một bên. Đặc biệt, “lô cốt” nằm sát phần lòng đường, không còn vỉa hè người đi bộ phải đi xuống lòng đường. Đây là tuyến đường cửa ngõ chính phía tây của TP, nơi tập trung rất nhiều tuyến xe buýt đi qua.
Phóng to |
Người đi bộ phải nép sát vào rào chắn công trình khi xe buýt đi qua. Đây là nơi đã xảy ra vụ xe buýt ép chết người tối 28-2 tại Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.Thắng |
Tăng cường xử lý nhà thầu
Liệu tai nạn giao thông xảy ra ở công trình rào chắn góc Lê Thị Hồng Gấm - Calmette (Q.1) có do lỗi nhà thầu thi công? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Bật Hận - phó thanh tra Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP - cho biết qua kiểm tra xác định nhà thầu thi công có giấy phép rào chắn của Sở GTVT TP và có bố trí nhân viên bảo vệ điều tiết giao thông. Tuy nhiên, qua đo đạc hàng rào công trường, thanh tra sở lập biên bản đơn vị thi công lấn chiếm ngoài ranh hàng rào 0,2m. Việc lấn chiếm mặt đường này là vi phạm quy định của Sở GTVT TP.
Qua vụ việc trên, thanh tra sở yêu cầu các đơn vị kiểm tra rà soát lại toàn bộ công trình rào chắn trên đường. Theo ông Nguyễn Bật Hận, hiện trên địa bàn TP có 72 vị trí rào chắn (còn gọi là “lô cốt”) nằm ở 23 tuyến đường. Trong đó có khoảng 60 rào chắn nằm trong khu vực không ảnh hưởng nhiều đến giao thông như công trình trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm hoặc trên xa lộ Hà Nội - dự án xây dựng tuyến metro số 1 - Bến Thành - Suối Tiên, còn lại 12 rào chắn trực tiếp ảnh hưởng đến giao thông trên đường.
Để đảm bảo an toàn giao thông, nên chăng với các tuyến đường chật hẹp sẽ cấm loại xe có kích thước lớn như xe buýt lưu thông? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo thanh tra sở cho biết Sở GTVT cấp phép thi công đào đường có xem xét tổ chức phân luồng giao thông ở từng khu vực, trong đó có tính toán việc cho phép loại xe nào được phép lưu thông qua khu vực công trường. Vấn đề còn lại là nhà thầu thi công có chấp hành đúng nội dung được cấp phép hay không. Rút kinh nghiệm từ vụ tai nạn, Thanh tra Sở GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm đối với nhà thầu không thực hiện đúng quy định trong công tác đào đường và tái lập mặt đường, trong đó có nội dung diện tích rào chắn, tổ chức điều tiết giao thông.
62 vụ tai nạn liên quan đến xe buýt Theo Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM, trong năm 2013 xảy ra 62 vụ tai nạn liên quan đến xe buýt, tăng hai vụ so với năm trước. Nói về tình trạng xe buýt phóng nhanh vượt ẩu trên đường, một tài xế xe buýt thuộc Liên hiệp Hợp tác xã vận tải TP cho biết lý do duy nhất là bị áp lực giờ giấc. Theo quy định, nếu bị trễ giờ lần đầu tiên, tài xế sẽ bị đình chỉ năm ngày, lần hai đình chỉ 10 ngày, lần ba đình chỉ 15 ngày. Tài xế này phân trần đường phố TP.HCM có nhiều chỗ thường xuyên kẹt xe làm xe buýt chạy chậm nên đến những đoạn đường vắng, xe buýt thường phóng nhanh để bù thời gian ở những điểm xảy ra kẹt xe. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận