27/02/2014 04:15 GMT+7

Công tâm, trong sáng sẽ không ngại phản biện

Ông ĐẶNG VĂN KHOA
Ông ĐẶNG VĂN KHOA

TT - Lần đầu tiên Hiến pháp VN ghi nhận Mặt trận Tổ quốc VN cùng năm đoàn thể chính trị - xã hội có quyền giám sát và phản biện đối với hoạt động của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng mạng lưới chuyên gia phản biện xã hộiPhát huy vai trò giám sát và phản biện xã hộiĐồng lòng hành động mới thành công

UqrVANFp.jpgPhóng to
Ông ĐẶNG VĂN KHOA - Ảnh: q.thanh

Tiếp theo đó, Bộ Chính trị ban hành quy chế về vấn đề này. Ông ĐẶNG VĂN KHOA - ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ VN, nguyên đại biểu HĐND TP.HCM - nói:

"Sự hẹp hòi, bảo thủ, đố kỵ, định kiến, quy chụp... sẽ làm lụi tàn sự đóng góp, phản biện"

- Theo tôi, cái cốt lõi là sự lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác nhau. Việc đóng góp và phản biện từ mọi giai tầng của xã hội không chỉ trong những vấn đề dân sinh mà cả những vấn đề về dân chủ, không chỉ những vấn đề hôm nay mà còn về con đường phát triển đất nước trong nhiều thập kỷ tới. Sự lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp đó ra sao, với thái độ, tâm thế nào cũng là sự thể hiện trí tuệ, bản lĩnh, cái tâm, cái tầm của Đảng và Nhà nước.

Đóng góp và lắng nghe cộng hưởng cùng nhau với sự tôn trọng, không giáo điều, xơ cứng, trên nền tảng quyền lợi của dân tộc là tối thượng thì đó là hồng phúc của đất nước. Ngược lại, sự hẹp hòi, bảo thủ, đố kỵ, định kiến, quy chụp... sẽ làm lụi tàn sự đóng góp, phản biện.

* Và chấp nhận phản biện nghĩa là phải tôn trọng các ý kiến khác nhau?

- Tôi rất mừng nguyên tắc đó đã được khẳng định trong quy chế. Cần xem sự tôn trọng các ý kiến khác nhau là “luật chơi” phổ quát phải được mọi người tôn trọng, tuân thủ, từ người lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường. Đó mới là một xã hội dân chủ văn minh. Thời gian qua, MTTQ VN là diễn đàn mà rất nhiều ý kiến khác nhau về mọi vấn đề của đất nước đã được chia sẻ và tôn trọng.

* Thưa ông, những suy nghĩ, tư tưởng nào có thể cản trở hoạt động giám sát, phản biện xã hội cần phải loại trừ để quy chế này có được sức sống thật sự trong đời sống xã hội?

- Rào cản lớn có thể có ở đây chính là sức ì, sự nặng nề của thể chế, sự lo sợ vô hình trói buộc, hạn chế chính mình của những vị chủ chốt được giao trách nhiệm thực hiện quy chế giám sát và phản biện xã hội này. Mặt trận là tổ chức đại diện cho quyền lợi, là tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng... của nhân dân. Thế nhưng, hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ dường như gắn bó chặt chẽ trong cơ quan, trong hệ thống chính trị của mình hơn là gắn bó với nhân dân, với bao nhiêu niềm vui, nỗi buồn, sự oan khiên, bất hạnh...

* Những báo cáo tô hồng có phải là một trong những cái cần giám sát đầu tiên vì căn bệnh thành tích này đã làm méo mó nhiều hoạt động bình thường trong xã hội?

- Điều đáng buồn là bệnh hình thức, bệnh không thật đã và đang sinh sôi nảy nở mạnh mẽ trong xã hội, trong quản lý, điều hành. Cần đưa bức tranh toàn cảnh của xã hội trở về đúng với những gam màu sáng, tối vốn dĩ của nó.

Báo chí là một kênh quan trọng trong giám sát, phản biện xã hội. Càng công tâm, trong sáng, càng mong muốn làm điều tốt đẹp cho dân, cho nước thì càng tạo thuận lợi cho việc giám sát, phản biện. Ngược lại, những ai đó, cơ quan, ngành nào đó... quan liêu, độc đoán, bảo thủ, tiêu cực, tham nhũng, mờ ám, xa dân, không tôn trọng dân... thì không bao giờ tạo thuận lợi cho giám sát, phản biện và tất nhiên họ không những không bao giờ tạo thuận lợi cho báo chí tiếp cận thông tin mà sẽ còn ngăn chặn, cản trở tác nghiệp của báo chí.

Tôn trọng các ý kiến khác nhau

Theo Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể chính trị - xã hội do Bộ Chính trị ban hành, hai trong số bốn nguyên tắc của giám sát và phản biện xã hội là: bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan và mang tính xây dựng; tôn trọng các ý kiến khác nhau nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, đoàn viên, hội viên, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Quy chế quy định tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập, cản trở tổ chức, cá nhân giám sát, phản biện xã hội hoặc bao che cho người có hành vi trả thù, trù dập, cản trở hoặc can thiệp trái quy định của quy chế này thì tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Các tổ chức thực hiện (chủ thể) giám sát và phản biện xã hội được quy định là Mặt trận Tổ quốc VN và các đoàn thể chính trị - xã hội từ trung ương đến cơ sở, bao gồm: Công đoàn VN, Hội Nông dân VN, Hội Liên hiệp phụ nữ VN, Hội Cựu chiến binh VN, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Bà Đoàn Nguyễn Thùy Trang(đại biểu Quốc hội TP.HCM):

Phát huy cơ chế đối thoại trong giám sát, phản biện

sT0g7pW5.jpg
Ảnh: M.HƯƠNG
Tôi cho rằng quy chế đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Lâu nay người dân hay các tổ chức có nhu cầu đóng góp ý kiến xây dựng các chủ trương, chính sách cũng như mong muốn tham gia đánh giá hoạt động của các cơ quan, tổ chức... nhưng chưa có một cơ chế cụ thể để phát huy những tinh thần tích cực này. Quy chế sẽ góp phần tích cực vào việc thực hiện yêu cầu dân bàn, dân kiểm tra, đồng thời khắc phục được tình trạng nói chung chung như lâu nay là “tạo điều kiện” cho Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện.

Để không trở thành hình thức trong triển khai, tổ chức thực hiện quy chế, theo tôi, Mặt trận nên tập trung giám sát các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cũng nhằm tránh chồng chéo với giám sát của các cơ quan dân cử. Muốn như vậy, đòi hỏi Mặt trận phải gần dân hơn nữa. Mặt khác, quy chế có xác định việc thực hiện cơ chế đối thoại giữa các bên liên quan, cần phát huy tối đa cơ chế này để tìm ra được giải pháp tối ưu cho những vấn đề được đưa ra phản biện, từ đó tạo ra sự đồng thuận xã hội. Cần chú ý đến giai đoạn “hậu” giám sát, “hậu” phản biện, cụ thể là Mặt trận cần theo dõi, đeo đuổi đến cùng việc tiếp thu, phản hồi các kiến nghị, yêu cầu được đưa ra trong quá trình giám sát và phản biện.

Năng lực giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội là điều quan trọng, đòi hỏi những người đảm đương các cương vị khác nhau trong hệ thống này phải nâng cao vai trò của mình. Tuy nhiên, sức mạnh của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội không chỉ nằm ở đây mà phần nhiều nằm ở khả năng huy động, tập hợp trí tuệ, tâm huyết... của các tầng lớp nhân dân ở mọi lĩnh vực tham gia giám sát, phản biện.

Mặt trận Tổ quốc giám sát hoạt động của đại biểu dân cử là một điều phù hợp. Có thể giám sát đại biểu dân cử thông qua các báo cáo hoạt động định kỳ hoặc khi có ý kiến, kiến nghị của cử tri về một đại biểu nào đó thì Mặt trận sẽ xem xét cụ thể. Tôi cho rằng với cơ chế giám sát như vậy thì đại biểu dân cử sẽ có trách nhiệm hơn và thông qua Mặt trận, cử tri sẽ hiểu rõ hơn, giám sát chặt chẽ hơn hoạt động của đại biểu dân cử.

Ông ĐẶNG VĂN KHOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên