14/02/2014 07:37 GMT+7

"Ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử"

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

TT - Ngày 13-2 (14 tháng giêng), làng Hòa Liễu (xã Thuận Thiên, Kiến Thụy, TP Hải Phòng) vào hội Minh thề. Những cán bộ và du khách đến với hội không phải để cầu lộc, cầu an mà để cùng hô vang lời thề “không tham nhũng”, “sống trung thực, ngay thẳng”.

Khai hội thề không tham nhũngĐộc đáo lễ hội “quan thề” không tham nhũng

ewiePunE.jpgPhóng to
Đại diện ban tế đọc hịch Minh thề và những vị “quan” hứa thực hiện lời thề - Ảnh: Thân Hoàng

Đây là một trong những lễ hội có lịch sử lâu đời và độc đáo nhất ở Hải Phòng. Lễ hội tái dựng những nghi lễ để những người làm cán bộ, những người có chức sắc trong làng thề trước người dân sẽ làm việc thanh liêm, chính trực, không tham nhũng, tư túi của công và không dùng quyền uy bức ép nhân dân.

Phục dựng “lời thề sinh tử”

Ông Khoa cho biết theo sách cổ chép lại, năm 1561 thái hoàng thái hậu nhà Mạc là Vũ Thị Ngọc Toản đứng ra vận động quan lại cùng dân làng góp đất, góp của xây dựng chùa Thiên Phúc. Sau khi xây chùa vẫn còn hơn 25 mẫu đất để làm ruộng phục vụ việc công. Các vị quan đã cùng lập ra lời thề minh ước không ai được phạm vào tài sản công này. Từ đó cứ đến 14 tháng giêng hằng năm, các quan lại cùng ra trước đền hô vang lời thề trước sự chứng kiến của người dân. Sau này, triều đình nhà Nguyễn từng sắc phong bốn chữ vàng “mỹ tục khả phong” cho lễ hội Minh thề.

Cả tuần nay, hôm nào ông Phạm Đăng Khoa (80 tuổi, làng Hòa Liễu) cũng hì hụi lên đền để chuẩn bị nghi lễ cho ngày khai hội. Gặp khách nào đến làng, ông Khoa cũng móm mém khoe niềm vui: “Không ngờ đến cái tuổi gần đất xa trời này tôi lại được nghe lời thề thiêng vang lên ở đền. Lời thề ấy là tài sản tín ngưỡng của ông cha để lại, có giá trị rất lớn trong việc giáo dục những người con của làng dù đi đâu, làm quan lớn cũng phải luôn chí công vô tư, không làm những điều sai trái”.

Ông Khoa cho biết lễ hội độc nhất vô nhị này được tổ chức từ hơn 500 năm trước.

Sau năm 1954, lễ hội Minh thề dần mai một và vắng bóng. Gần nửa thế kỷ những tiếng thề không còn vang lên trước đền Hòa Liễu.

Đến khoảng năm 2000, ông cùng một số người cao tuổi trong làng bắt đầu hành trình phục dựng lễ hội.

Lo sợ con cháu sau này sẽ không được nghe những lời thề thiêng ấy nữa, ông Khoa đã cầm sổ đỏ vận động người dân đóng góp được hơn 100 triệu đồng để tu sửa đền.

Ông Khoa cùng những bậc cao niên trong làng tiếp tục hì hụi dịch hịch Minh thề từ chữ Hán sang chữ quốc ngữ. Những nghi lễ của lễ hội được ghi chép trong sách cổ còn sót lại cũng dần được tái hiện. Đến năm 2003, sau khi được sự đồng ý của UBND huyện Kiến Thụy, lễ hội Minh thề chính thức được tái hiện.

Từ đó đến nay, cứ 14 tháng giêng hằng năm, “lời thề thiêng” lại được vang lên trước đền Hòa Liễu. “Thời xưa, người hay dối trá hoặc làm điều ác không bao giờ dám đứng vào vòng thề.

Bây giờ những lời thề này cũng được coi là lời thề sinh tử, bởi những người làm cán bộ đã ra đền thề mà làm việc không ngay thẳng cũng khó sống tốt ở làng” - ông Khoa cho biết.

“Lời thề” vượt ra khỏi khuôn khổ hội làng

Đúng 8g30, ông Phạm Phú Oanh - trưởng thôn Hòa Liễu - đứng ra làm chủ lễ dâng tế các vị thần linh, thành hoàng làng. Ba nén nhang được thắp trên ban thờ đặt trước miếu để mời thần linh về chứng kiến lời thề.

Đại diện ban tế lên đọc hịch văn Minh thề. Những nguyên tắc sống và làm việc của quan, của dân được vang lên: “Ai dùng của công vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử... làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”.

Sau mỗi lời hịch, trưởng thôn cùng những người được làm đại diện cho “quan” trong làng nắm tay lại đưa lên trời hô vang “xin thề”.

Kết thúc nghi lễ, rượu hòa với tiết gà dâng lên thần linh được rót ra chén để “quan” và dân cùng truyền tay nhau uống thể hiện quyết tâm thực hiện “lời thề”.

Ông Đỗ Xuân Trịnh - phó chủ tịch UBND huyện Kiến Thụy - cho biết nét độc đáo của lễ hội là những quy phạm đời thường được gắn với nghi lễ thần linh có ý nghĩa giáo dục người làm cán bộ phải luôn chí công vô tư.

Theo ông Trịnh, lễ hội tuy chỉ có quy mô cấp làng nhưng “tư tưởng lớn” đã vượt ra khỏi khuôn khổ hội làng.

“Về giá trị văn hóa thì lễ hội đã giúp người dân sống đoàn kết, hòa thuận. Về ý nghĩa chính trị thì răn dạy người làm cán bộ không được có lòng tham, không tham nhũng của công, hết lòng phục vụ dân. Ngay cả bản thân tôi là lãnh đạo huyện đã có lời thề trước Đảng, trước dân và hôm nay tham gia lễ hội, dù không đứng vào vòng thề nhưng cũng tự dặn lòng phải làm đúng với lời thề” - ông Trịnh nói.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên