Tinh giản biên chế: cần tiêu chí rõ ràngĐưa ra khỏi bộ máy công chức yếu kémĐề xuất tinh giản biên chế khoảng 100.000 người
Phóng to |
Ông Châu Minh Tỷ - Ảnh: Q.Thanh |
Đó là ý kiến của ông CHÂU MINH TỶ - nguyên giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - khi bàn về nội dung dự thảo nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ lấy ý kiến. Ông Tỷ nói:
- Dự thảo nghị định của Chính phủ có một số bổ sung cụ thể, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc tinh giản biên chế, đồng thời có cương quyết hơn, trách nhiệm của thủ trưởng rõ hơn... Song, tôi nghĩ đây chưa phải là cái gốc của vấn đề, muốn giải quyết căn cơ phải đi từ thể chế, tổ chức bộ máy. Đột vào chuyện tinh giản biên chế là chỉ đột vào khâu sau thôi. Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước thường nhắc đi nhắc lại tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, trong sắp xếp như thế nào để gọn nhẹ, hiệu quả hơn thì chưa có kết quả nhiều. Như việc giảm được bộ nhưng lại sinh ra một số đáng kể các cục, tổng cục, đồng thời thêm nhiều tổ chức, đơn vị khác.
* Thưa ông, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức yếu kém có được xem là cách để giảm số lượng người đáng kể trong bộ máy vốn còn cồng kềnh?
"Tôi cho rằng Chính phủ nên có đề án thật khoa học, thậm chí mời chuyên gia nước ngoài tham gia, nhằm xác định xem để quản trị xã hội tốt hơn thì Nhà nước cần làm những gì, có bao nhiêu việc phải làm, bao nhiêu việc cần loại bỏ và từ đó tính toán cơ cấu tổ chức, bộ máy cần bao nhiêu cán bộ, công chức thực thi. Nếu không làm từ cái gốc này thì không thể nào giải quyết được cơ bản vấn đề và cũng không ai nói được sắp tới giảm được 100.000 người là hợp lý hay chưa, hoặc có thể còn giảm hơn được không" |
- Cần phân biệt yêu cầu tinh giản biên chế và việc thay thế những cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trên thực tế nếu nói giảm biên chế thì giảm số lượng cán bộ, công chức quy định cho từng đơn vị, còn yêu cầu thay thế cán bộ, công chức không đáp ứng được nhiệm vụ lại là việc khác. Hai cái này không thể nhập nhằng với nhau. Ví dụ TP.HCM có tình trạng quá tải ở bệnh viện hoặc giáo viên tiểu học đang thiếu nhiều do dân số tăng, với hiện trạng như vậy thì không thể giảm người được nhưng điều đó không có nghĩa ở hai khu vực này không tính gì đến chuyện thay thế những người không đáp ứng yêu cầu công việc, vẫn phải rà soát, thay thế.
Về mặt nguyên tắc, biên chế, chức danh, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức do chức năng, nhiệm vụ của tổ chức quyết định, bây giờ không thể nói giảm bao nhiêu là vừa. Để xác định được số lượng, cơ cấu cán bộ, công chức thì trước hết phải làm rõ trách nhiệm công vụ của Nhà nước, nghĩa là Nhà nước làm những việc gì, việc gì trung ương làm, việc gì địa phương và cơ sở làm. Tùy vào chức năng nhiệm vụ đó mới định ra cơ cấu, tổ chức bộ máy và tiêu chuẩn của đội ngũ cán bộ, công chức để thực hiện những công việc mà Nhà nước phải làm.
Muốn giảm biên chế thì phải tinh gọn bộ máy, mà phải làm thật sự chứ không phải làm hình thức (vừa qua có thực trạng bộ thì giảm nhưng cục và tổng cục tăng lên). Nếu yêu cầu giảm biên chế mà nhiệm vụ, chức năng không bớt đi - tức là có những việc đáng lẽ Nhà nước không cần làm, để các tổ chức xã hội, doanh nghiệp làm - thì không thể giảm được một cách căn cơ, bền vững.
Tuy nhiên, tôi thấy có một thực tế trái ngược: Nhà nước hơi bao biện, cái gì cũng muốn “ôm”, muốn quản. Nhưng khi làm lại không tính cách thông qua các tổ chức xã hội đã có để phối hợp thực hiện mà đẻ thêm các tổ chức và dĩ nhiên phải cần thêm người. Như vậy trên thực tế, nếu không sửa được việc này thì không giải quyết được việc tinh gọn biên chế. Cũng không nhất thiết khi thực hiện một nhiệm vụ thì phải đẻ ra một tổ chức, nhất là khi cần nghe ý kiến tham mưu hay phản biện, nếu cần thiết mời các nhà khoa học thuộc lĩnh vực tham gia. Cách làm như vậy có khi hiệu quả hơn là sinh ra một tổ chức và phải nuôi nó.
* Ai cũng thấy bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh, có không ít người sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về nhưng vì sao không thể tinh gọn, giảm được người - ít nhất là nhóm này?
- Chúng ta đều thấy những năm vừa qua, việc thực hiện tinh giản biên chế, đánh giá cán bộ, công chức quả là có tình trạng dĩ hòa vi quý, dễ anh dễ tôi. Như Bộ Nội vụ nói tổng hợp các đơn vị báo cáo lên và chính thức đánh giá cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ chỉ 1%. Tôi nghĩ bộ nói cũng có căn cứ, nhưng căn cứ này là từ kết quả của các đơn vị xét rồi báo cáo lên trên thôi. Còn hỏi số này có đúng thực chất chưa, tôi có thể nói ngay là chưa.
Trong khi đó, các quy định hiện hành đã sinh ra một thực tế bất cập là gần như tuyển vào được biên chế là giữ suốt đời, nên muốn đưa một người ra khỏi biên chế không phải dễ. Còn dự thảo nghị định lần này quy định một năm đánh giá cán bộ, công chức hai lần, theo tôi, mỗi năm chỉ cần một lần vì đánh giá một cán bộ, công chức phải có thời gian.
* Bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước ở nước ta cơ bản có hai khối: khối chính quyền và khối Đảng, đoàn thể. Việc tinh giản biên chế, rà soát, sắp xếp..., theo ông, nên tập trung vào khối nào trước và bắt đầu từ đâu?
- Vẫn phải tập trung vào khu vực hành chính nhà nước vì bộ máy này trực tiếp thi hành công vụ, phục vụ nhu cầu của người dân cũng như quản trị đất nước. Song, bộ máy của các cơ quan Đảng, đoàn thể cũng cần phải liên tục rà soát, tinh gọn lại hơn nữa vì các cơ quan Đảng thực hiện chức năng lãnh đạo, không nên để bộ máy nặng nề quá, có khi không cần thiết.
Tôi cũng muốn nói rằng không phải giảm biên chế là chỉ để giảm chi phí hành chính, trong khi phục vụ cũng chưa phải làm dân thỏa mãn lắm. Tuy gần đây chất lượng phục vụ có cải thiện so với trước nhưng không có lý gì người dân trả lương cho mình (cán bộ, công chức...) mà chính mình lại đi “hành hạ” người trả lương. Xã hội sẽ không bao giờ chấp nhận điều này, ngược lại phải phục vụ ngày càng tốt hơn, có như vậy thì dân mới sẵn sàng trả lương tốt hơn. Do vậy, tôi nghĩ tổng kinh phí hành chính không nhất thiết yêu cầu giảm mà vấn đề là khoản chi rất lớn này (chiếm phần lớn nguồn thu ngân sách quốc gia) có hợp lý không, có “xứng đồng tiền bát gạo” không.
* Theo ông, trước mắt phải làm ngay những gì mới có thể xác định được số lượng cán bộ, công chức phù hợp và chất lượng đáp ứng nhu cầu công việc?
- Phải đi từ gốc thôi, phải xác định một cách rất khoa học là những việc gì nếu Nhà nước không làm thì không còn ai làm được nữa - loại việc này nhất định Nhà nước phải làm. Trên cơ sở này mới có thể tính toán để thực hiện được những việc gọi là công vụ thì cần bao nhiêu con người, gắn với bao nhiêu tổ chức, đơn vị. Nếu quyết tâm, trong sáu năm giảm được 100.000 người cũng không phải là quá lớn, vẫn có thể thực hiện được. Tôi nghĩ trong bộ máy hiện tại, có nơi giảm 2-3 người và chỉ tuyển mới thêm một người đạt tiêu chuẩn thì vẫn đảm đương được khối lượng công việc của 2-3 người trước đó đảm nhận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận