18/01/2014 09:30 GMT+7

"Điện hạt nhân còn ngổn ngang": Nhiều việc phải làm

NHÓM PV
NHÓM PV

TT - Nếu việc khởi công nhà máy điện hạt nhân phải hoãn đến năm 2020 thì cũng còn rất nhiều việc phải làm. Đó là đào tạo nhân lực, sắp xếp tài chính, hoàn thiện các văn bản pháp quy, bảo đảm an toàn.

Điện hạt nhân còn ngổn ngang

Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ Nguyễn Quân cho biết như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-1. Theo ông Quân, việc lùi lịch khởi công nhà máy điện hạt nhân mới chỉ là đề xuất từ Tập đoàn Điện lực VN (EVN).

Vòng vèo, chồng chéo

YknW6OQK.jpgPhóng toẢnh: Việt Dũng

"Để có thể có quyết định chính thức, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải trình tại kỳ họp Quốc hội sắp tới để Quốc hội cho ý kiến"

Ông Nguyễn Quân (bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ)

“Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án 2.000 tỉ đồng chi cho việc đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân đến năm 2020. Song cơ chế hiện nay quá bất cập khi phải vòng vèo qua Bộ GD-ĐT, rồi đề xuất kinh phí đưa sang Bộ Tài chính phê duyệt. Đào tạo nhân lực hạt nhân có thể là việc không lớn đối với Bộ GD-ĐT, nhưng là việc quan trọng với Bộ Khoa học và công nghệ” - Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.

Ông Quân cũng cho biết: “Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nên giao cho Bộ Khoa học và công nghệ, để bộ chủ động đề xuất kinh phí sang Bộ Tài chính mà chưa được. Đến thời điểm này, đề án mới chi được hơn 10 tỉ đồng”. Ông Quân cho rằng để đào tạo chuyên gia, việc đưa ra nước ngoài học tập là tất yếu vì “nếu chỉ đào tạo trong nước thì không thể làm được việc”.

Điều mà nhiều nhà khoa học quan tâm là hệ thống pháp lý hiện tại của VN chưa đủ chặt chẽ để giám sát an toàn các nhà máy điện hạt nhân. Bộ Khoa học và công nghệ cho hay bộ đang khẩn trương sửa đổi Luật năng lượng nguyên tử hiện hành với nhiều thay đổi lớn để có thể trình, ban hành vào năm 2015.

Theo ông Vương Hữu Tấn - cục trưởng Cục An toàn bức xạ (Bộ Khoa học và công nghệ), bất cập lớn hiện nay là thẩm quyền cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân bị phân tán. Bộ Khoa học và công nghệ là nơi thẩm định, giám sát, nhưng cơ quan cấp phép vận hành lại là Bộ Công thương. “Luật sẽ được sửa theo hướng quy về một mối. Bộ Khoa học và công nghệ có trách nhiệm thẩm định an toàn thì cũng sẽ là nơi cấp phép vận hành” - ông Tấn nói.

Ngoài ra, một điểm quan trọng sẽ thay đổi trong luật là hoạt động thanh tra. Nếu như ở luật hiện hành, thanh tra phát hiện dấu hiệu mất an toàn sẽ phải báo cáo lên cấp trên, dẫn đến chậm trễ, nguy hiểm thì luật sẽ sửa theo hướng nếu phát hiện mất an toàn, thanh tra có quyền yêu cầu dừng hoạt động ngay, tránh hậu quả đáng tiếc và nghiêm trọng liên quan đến hạt nhân.

Đào tạo nhân lực từ năm 2010

Trong báo cáo tổng kết năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, EVN cho biết dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã và đang tiến hành các thủ tục đầu tư với tất cả dự án thành phần theo đúng tiến độ của Ban chỉ đạo nhà nước về dự án điện hạt nhân. Tuy nhiên, hiện mới hoàn thành hồ sơ lập dự án đầu tư và hồ sơ phê duyệt địa điểm dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 để trình duyệt và triển khai. Mục tiêu trong năm 2014, EVN nêu sẽ hoàn thành việc trình duyệt dự án đầu tư và chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân. Đồng thời sẽ triển khai thi công hệ thống đường giao thông, điện, nước thuộc dự án cơ sở hạ tầng phục vụ thi công...

Vấn đề quan trọng hàng đầu là lo vốn đầu tư cho dự án điện hạt nhân. Tại lễ tổng kết của EVN ngày 4-1, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã xác nhận việc đang bị sức ép chuẩn bị vốn cho điện hạt nhân.

Về nguồn nhân lực, theo báo cáo của EVN, tập đoàn này có riêng một đề án đã trình Thủ tướng về “Đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận”. EVN cũng đã trình Bộ GD-ĐT kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho dự án điện hạt nhân thực hiện năm 2013. Theo đó, cử 38 sinh viên đi đào tạo kỹ sư điện hạt nhân tại Nga, chọn 16 ứng viên để chuẩn bị đào tạo lực lượng cán bộ nòng cốt cho dự án điện Ninh Thuận 2.

Theo EVN, mỗi nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận có khoảng 1.100 người với cơ cấu trình độ đại học (442 người), cao đẳng nghề (461 người) và lao động phổ thông (197 người). Từ năm 2010, EVN đã chủ động gửi người đi đào tạo tại Nga, Nhật Bản, CH Czech, Pháp và tổng số người được cử đi đã lên đến hàng trăm...

6 năm hoãn vừa là cơ hội vừa là thách thức

GS Phạm Duy Hiển - nguyên phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử VN - khẳng định việc kế hoạch khởi công có thể sẽ lùi lại đến năm 2020 là “một tín hiệu đáng mừng”. “Triển khai một công nghệ mới thì phải xét xem mình đã có đủ khả năng chưa. VN chưa thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì chúng ta chưa đủ điều kiện. Sáu năm hoãn vừa là cơ hội vừa là thách thức. Trong sáu năm, rất có thể năng lượng tái tạo phát triển mạnh có thể cạnh tranh với điện hạt nhân. Trong sáu năm ấy, cũng có thể công nghệ điện hạt nhân phát triển đến mức cho ra đời những công nghệ an toàn tuyệt đối với con người. Nhưng cũng sáu năm ấy, ngành năng lượng nguyên tử không thể đủng đỉnh như thời gian qua, mà phải có những bước quy hoạch hợp lý” - GS Hiển nói.

Chung quan điểm với GS Hiển, GS Trần Hữu Phát - chủ tịch hội đồng khoa học công nghệ và đào tạo Viện Năng lượng nguyên tử VN - nhận định VN chưa sẵn sàng cả về mặt pháp lý và nguồn nhân lực phục vụ việc giám sát, vận hành nhà máy điện hạt nhân được an toàn. Theo GS Phát, khi có thể lùi thời hạn khởi công nhà máy điện hạt nhân thêm sáu năm thì đó là khoảng thời gian để tăng tốc khắc phục những hạn chế.

Trả lời báo chí trong chuyến thăm VN đầu tháng 1-2014, ông Yukiya Amano - tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) - cũng chia sẻ quan điểm việc phát triển nhà máy điện hạt nhân không thể vội vàng. Theo ông Yukiya Amano, thời gian không phải vấn đề chính, mà là làm thế nào để chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng. Vì thế, “VN không nên quá vội vàng, gấp gáp”, khi đây là dự án lớn với một quốc gia mới phát triển điện hạt nhân như VN.

* Phải giải quyết 20 vấn đề

Ông Vương Hữu Tấn cho biết để triển khai nhà máy điện hạt nhân cần có cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn. Theo hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế, đối với cơ sở hạ tầng nói chung thì VN không gặp vấn đề lớn, nhưng với cơ sở hạ tầng để bảo đảm an toàn thì VN có đến 20 vấn đề cần được giải quyết. Nếu trong quá trình thực hiện, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, bị vướng mắc ở khâu nào thì không thể xây nhà máy điện hạt nhân. Trên cơ sở đó, VN đã xây dựng được kế hoạch phát triển hạ tầng phục vụ điện hạt nhân với các mốc cụ thể. “Nếu không bảo đảm các hạ tầng đó thì Bộ Khoa học và công nghệ sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không cho phép vận hành nhà máy điện hạt nhân” - ông Tấn nhấn mạnh.

* Dự phòng sự cố từ ngoài biên giới

Cũng theo ông Vương Hữu Tấn, với chính sách phát triển mạnh mẽ điện hạt nhân của Trung Quốc, trong đó có nhà máy điện hạt nhân gần biên giới Móng Cái chỉ chừng 40km (dự kiến đi vào vận hành năm nay), rồi nhà máy điện hạt nhân ở đảo Hải Nam thì việc xây dựng hệ thống xử lý khẩn cấp sự cố của các nhà máy điện hạt nhân ở các vùng này là hết sức cần thiết.

Ông Tấn kiến nghị phải khẩn trương xây dựng trung tâm kỹ thuật hỗ trợ ứng phó sự cố về an toàn bức xạ tại Quảng Ninh. Bản thân Bộ Khoa học và công nghệ cũng đã trao đổi với Sở Khoa học và công nghệ Quảng Ninh, nhưng hiện tại phương án vẫn đang tạm dừng trong khi nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đã sẵn sàng đi vào hoạt động.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Phải thông tin cho người dân biết về điện hạt nhânAn toàn cho nhà máy điện hạt nhân: tối quan trọngIAEA sẽ hỗ trợ Nhà máy điện hạt nhân Ninh ThuậnIAEA sẽ hỗ trợ VN bảo đảm an toàn hạt nhân

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên