25/12/2013 08:20 GMT+7

Thủ tướng yêu cầu thay cán bộ không chịu cổ phần hóa

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 24-12.

T4WHr9Vi.jpgPhóng to
Khu resort Đồi Phong Lan đang xây dựng dang dở thì phải dừng vì dự án cảng Kê Gà - Ảnh: Nguyễn Nam

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho rằng việc quan trọng nhất trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước chính là cổ phần hóa, chỉ có cổ phần hóa thì mới thay đổi theo hướng hiệu quả được.

Theo ông Thăng, khó khăn kinh tế dẫn đến nhiều doanh nghiệp phá sản, tuy nhiên quá trình này cũng giúp sàng lọc các doanh nghiệp kém hiệu quả, góp phần vào tái cơ cấu, “phải hoàn thiện Luật phá sản, chứ hiện nay doanh nghiệp chết mà không cho chết được”.

“Tiền rải đều các tháng trong năm”

Phát biểu về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý với quan điểm cần đẩy mạnh cổ phần hóa. Thủ tướng cho rằng trong tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty thì nhân tố quyết định là cán bộ, “bố trí cán bộ không tốt thì không tái được gì hết, trọng tâm là cổ phần hóa. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì thay thế”.

Thủ tướng nêu rõ chủ trương sẽ bán hết cổ phần đối với các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối, nhưng phải có lộ trình cụ thể, không phải bán tràn lan để sơ hở thất thoát tài sản nhà nước.

“Phải đặt doanh nghiệp nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng của thị trường, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác; còn làm nhiệm vụ công ích thì công khai minh bạch ra, ví dụ điện đưa về vùng sâu vùng xa thì tách ra” - Thủ tướng nói.

Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng trong năm 2014, chính sách tiền tệ và tài khóa phải phối hợp nhịp nhàng sao cho “tiền rải đều các tháng trong năm”, thay vì chỉ tập trung vào tháng cuối năm sẽ dẫn đến “no dồn đói góp” không hiệu quả.

Trả lời kiến nghị của UBND TP.HCM và tỉnh Đồng Nai về việc sớm xây dựng sân bay Long Thành, ông Thăng cho biết Bộ Giao thông vận tải đã lập báo cáo tiền khả thi, trình Hội đồng thẩm định nhà nước, sau khi có kết quả từ hội đồng sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5-2014. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư thì đầu năm 2016 sẽ khởi công.

Giữ tỉ giá ổn định

Trong việc thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả được đề ra cho năm 2014, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ xem xét điều chỉnh tỉ giá linh hoạt để hỗ trợ xuất khẩu, đồng thời đảm bảo mặt bằng chung nếu không sẽ đội lạm phát lên.

Ông Bình nói doanh nghiệp xuất khẩu muốn Ngân hàng Nhà nước “phá giá đồng tiền thêm tí nữa để xuất khẩu có lợi”, nhưng doanh nghiệp lọc hóa dầu, hàng không lại muốn giữ tỉ giá theo hướng có lợi cho họ, “cho nên chúng tôi sẽ có tính toán ở tầm vĩ mô, đặc biệt không có hiệu ứng gây lạm phát, sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt và ổn định với mức điều chỉnh không quá 2%”.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh năm 2013 dù có nhiều khó khăn, thử thách nhưng các mục tiêu đề ra cơ bản đạt được. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, vững chắc hơn, lạm phát thấp hơn và tăng trưởng cao hơn năm 2012. Dự trữ ngoại tệ tăng mạnh, cán cân thanh toán tổng thể thặng dư khoảng 2 tỉ USD.

Thủ tướng đề nghị các bộ ngành và địa phương ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2014 phải triển khai đồng bộ các giải pháp, không xem nhẹ lĩnh vực nào và phải có trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực. Đầu tiên là tập trung chỉ đạo để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời tiếp tục rà soát để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải quyết nợ xấu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai. Thủ tướng cũng nêu rõ việc đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược về thể chế, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực.

Về quản lý tài nguyên khoáng sản, Thủ tướng yêu cầu phải “siết lại”, không xuất khẩu thô khoáng sản. Đối với quản lý rừng, Thủ tướng nói trung ương giao Chính phủ nghiên cứu sớm đóng cửa rừng.

Đề nghị giải quyết dứt điểm dự án cảng Kê Gà

Ngày 24-12, trong cuộc họp trực tuyến với Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đề nghị Chính phủ có phương án giải quyết dứt điểm những vấn đề liên quan đến dự án cảng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam).

Ông Lê Tiến Phương - chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - cho rằng dự án cảng Kê Gà Chính phủ có chủ trương cho dừng khoảng một năm nay. Tỉnh đã báo cáo với Chính phủ phương án nên dừng luôn dự án nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm từ cấp trung ương. Ông Phương nói dự án cảng Kê Gà càng để lâu càng tốn kém. Trước đây tỉnh thu hồi 12 dự án du lịch để làm cảng Kê Gà, nay có việc giao đất lại cho các nhà làm du lịch làm tiếp hay không vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ.

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công thương kiểm tra lại để báo cáo về vấn đề này. Ông Hoàng Trung Hải cho biết thêm lý do cảng Kê Gà đến nay vẫn chưa dứt điểm vì liên quan đến đề án quy hoạch mới về phát triển alumin được Chính phủ trình lên Bộ Chính trị nhưng chưa được thông qua. Ông Hải hứa Chính phủ sẽ sớm có quyết định về dự án cảng Kê Gà.

Cảng Kê Gà do Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản VN (Vinacomin) làm chủ đầu tư với tổng trị giá trên 20.000 tỉ đồng. Mục đích xây dựng cảng Kê Gà nhằm vận chuyển bôxit từ Tây nguyên xuống. Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận ngày 18-2-2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết phương án xây dựng cảng Kê Gà không hiệu quả và giao chủ đầu tư cùng các bộ liên quan phối hợp với tỉnh Bình Thuận giải quyết hậu quả thiệt hại của các nhà đầu tư du lịch.

NGUYỄN NAM

Chấm dứt tình hình doanh nghiệp chạy vốn

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Về giao thông đường bộ, Bộ Giao thông vận tải phải quản lý thống nhất quy hoạch, trên cơ sở quy hoạch đó có các hình thức đầu tư đa dạng để huy động nguồn vốn. Đối với các dự án giao thông ngân sách hỗ trợ có mục tiêu, Bộ Giao thông vận tải phải cùng với địa phương thẩm định phê duyệt dự án, quy mô như thế nào để phù hợp với nguồn vốn. Khắc phục tình hình địa phương phê duyệt dự án, trung ương chi nhưng chi không nổi. Ở địa phương do yêu cầu muốn to lên, nhanh lên nhưng trung ương không có tiền, dẫn đến nợ nần. Vấn đề nữa là hình thức BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao), nghĩa là người ta làm trước mình phải trả, nếu nguồn vốn của địa phương làm BT thì phải nằm trong quy hoạch của địa phương, còn BT mà nguồn vốn trung ương thì phải thẩm định, phê duyệt về sự cần thiết của dự án, rồi về quy mô đầu tư, phân kỳ đầu tư.

* Bộ trưởng Đinh La Thăng: Việc rà soát như Thủ tướng chỉ đạo chúng tôi đã thực hiện đối với cả dự án của trung ương và địa phương. Rất nhiều dự án, kể cả đường ven biển, như chúng tôi đi kiểm tra trong Quảng Nam là đường rộng mênh mông không có ai đi. Rà soát lại thì cắt giảm được nhiều, vẫn đảm bảo mục tiêu mà cắt giảm được 35.000 tỉ đồng vì thiết kế vô cùng lãng phí.

* Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh: Hình thức BT chỉ có thật sự cấp bách mới làm, nghĩa là chìa khóa trao tay, làm xong rồi phải thanh toán. Các doanh nghiệp vay ngân hàng để đầu tư, thời điểm trước đây có doanh nghiệp vay lãi suất tới 17% để làm đường. Chúng tôi đề nghị Chính phủ loại bỏ hình thức này ra, tới đây không cho áp dụng BT trả bằng tiền nữa, nếu trả bằng đất thì có thể xem xét.

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phải chấm dứt tình hình doanh nghiệp chạy vốn. Bây giờ dứt khoát làm theo quy hoạch, theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ, tới đây là Luật đầu tư công. Phải kiểm soát chặt cái này. Chúng ta đã làm được một bước tiến bộ dài rồi, tiếp tục cố gắng quản lý việc này cho chặt để trung ương và địa phương có trách nhiệm với nhau sao cho đầu tư cái gì đều mang lại hiệu quả.

V.V.THÀNH ghi

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên