13/12/2013 08:32 GMT+7

Ngập: vấn đề toàn cầu, sân golf trong sân bay: đã làm hết sức

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT - Sáng 12-12, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm đã phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 12 sau ba ngày rưỡi làm việc. Cũng tại phiên bế mạc, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân giải trình thêm nhiều nội dung đại biểu TP quan tâm, đồng thời trực tiếp trả lời chất vấn.

wujRDUXA.jpgPhóng to
Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân báo cáo bổ sung những nội dung kinh tế - văn hóa - xã hội, nội dung trả lời chất vấn của sở, ngành và trực tiếp trả lời chất vấn sáng 12-12 - Ảnh: Quang Định

Ông Lê Hoàng Quân khẳng định những năm qua TP dồn sức cho xây dựng hạ tầng giao thông, chương trình chống ngập nước. Chỉ tính riêng ba năm (2011-2013), TP đầu tư cho chương trình chống ngập là 8.178 tỉ đồng, còn đầu tư hạ tầng giao thông hơn 24.000 tỉ đồng.

Ngập nước là vấn đề toàn cầu

Chủ động giải trình câu hỏi vì sao xử lý chỗ này lại ngập chỗ kia, ông Quân nói rằng đây là vấn đề toàn cầu. VN nằm trong nhóm những quốc gia sẽ chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.

Kỳ họp đã thông qua 15 nghị quyết, trong đó nghị quyết chung về kinh tế - văn hóa - xã hội năm 2014 được thông qua tại phiên bế mạc đã xác định năm 2014 TP thực hiện 28 chỉ tiêu như tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 9,5-10%, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 31% GDP, tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 10%...

Ông Quân cho biết qua các dự báo, dưới tác động của biến đổi khí hậu thì ở TP có khoảng 30% diện tích bị ảnh hưởng - tương đương 700km2. Như vậy từ đây đến năm 2050, tất cả công trình và phi công trình phải tính toán của những tác động này. Ngay từ bây giờ TP nghiên cứu các phương án phòng, giảm thiểu, chung sống trong điều kiện này chứ nói chống thì không chống nổi đâu.

Còn trả lời chất vấn trực tiếp ở lĩnh vực nói trên, ông Quân nói với trách nhiệm điều hành, ông khẳng định TP đã giao trách nhiệm cho sở, ngành thực hiện các dự án chống ngập thì phải nỗ lực thực hiện. Còn trách nhiệm của UBND TP sẽ tập trung chỉ đạo để thực hiện các dự án, trong đó có dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên.

Theo ông Quân, quá trình thực hiện các dự án cũng gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn thực hiện dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè trước đây, từ lúc chuẩn bị đến khi hoàn thành đã phải họp gần 500 cuộc, huy động tổng lực để tham gia dự án.

Nêu ý kiến về xác định trách nhiệm của các cơ quan TP, đại biểu Lâm Thiếu Quân đề nghị cần quan tâm đặc biệt đến hiệu quả các dự án của chương trình giảm ngập nước, làm sao giám sát được chất lượng cho “đáng đồng tiền bát gạo”, tránh tình trạng sử dụng hết hàng chục ngàn tỉ đồng nhưng hiệu quả không đạt.

Đại biểu Quân kiến nghị UBND TP cần có hội đồng đánh giá lại chủ trương đầu tư của các dự án ở lĩnh vực này, nhiều khi sai ngay từ đầu. Ông cũng đề nghị TP mời tư vấn độc lập đánh giá chất lượng quản lý đầu tư các dự án của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.

Làm rõ trách nhiệm vì sao xuất khẩu của TP giảm

Chất vấn trực tiếp ông Lê Hoàng Quân, đại biểu Võ Văn Sen đặt vấn đề xuất khẩu của TP chưa bao giờ giảm 5% như năm 2013. Trước hiện trạng như vậy thì quan điểm của chủ tịch UBND TP như thế nào, có đáng lo không hay chỉ là hiện tượng bình thường?

Ông Lê Hoàng Quân cho biết năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của TP ước đạt khoảng 27 tỉ USD. Ông đưa ra nhiều lý do khiến xuất khẩu giảm, trong đó các loại nông sản, hàng hóa... đạt sản lượng xuất khẩu cao nhưng giá so với thị trường thế giới giảm nên giá trị xuất khẩu thấp. Những năm gần đây ở một số tỉnh cũng có hệ thống cảng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... đã tác động làm xuất khẩu của TP tăng thấp hơn các năm trước. Khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, TP tập trung di dời các cảng, đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Ông Quân khẳng định lãnh đạo TP đã thấy trách nhiệm làm sao trong thời gian tới đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu để tiếp tục giữ vai trò là một trong những trung tâm xuất khẩu của đất nước. “TP thấy rằng giảm xuất khẩu là một trong những trách nhiệm phải được kiểm điểm, làm rõ để chỉ đạo phục hồi và đạt mục tiêu trong thời gian tới” - ông Quân nhấn mạnh.

Sân golf trong sân bay: TP đã làm hết sức

Trong khi đó, đại biểu Trần Quang Thắng nói việc xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất nghe lạ lùng quá, nên đề nghị Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho ý kiến về vấn đề này. Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết thêm tại kỳ họp này, Ủy ban MTTQ VN TP có kiến nghị về dự án này.

Theo đó, Ủy ban MTTQ VN TP đề nghị HĐND TP giám sát, có chính kiến về quy trình, trách nhiệm thuộc thẩm quyền của các cơ quan chính quyền TP đã đồng ý với chủ trương của bộ, ngành trung ương về việc xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất. Ban thường trực Ủy ban MTTQ VN TP bày tỏ không đồng tình với dự án này.

Trả lời chất vấn này, ông Lê Hoàng Quân cho biết ông đã nhận được hai thư của cử tri trao đổi về dự án này. Sau khi thông tin vai trò, vị trí quan trọng của sân bay Tân Sơn Nhất, ông Quân nhấn mạnh các cơ quan chức năng đã cho phép xây dựng một sân golf hẹp và một số công trình nằm ngoài khu vực an toàn bay.

TP có thỏa thuận nếu đất quốc phòng được sử dụng, khai thác để phục vụ các hoạt động kinh tế mà không ảnh hưởng tới an ninh, hoạt động của sân bay thì TP đồng ý cho làm.

Còn sử dụng đất vào mục đích gì thì do đây là đất quốc phòng nên cơ quan quản lý phải báo cáo xin phép Chính phủ. Đó là trách nhiệm của TP đã làm hết sức, còn TP hạn chế tối đa xây dựng sân golf.

Cần 13.067 tỉ đồng chống ngập giai đoạn 2014-2015

Ngày 12-12, Sở Giao thông vận tải TP.HCM và Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP đã báo cáo UBND TP về kết quả sơ kết ba năm chống ngập (2011-2013) và kế hoạch năm 2014-2015.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2013 đã xóa được 47/58 điểm ngập do mưa hiện hữu (trong đó vùng trung tâm có 30 điểm ngập, số điểm còn lại ở vùng ven), trong khi đó tình trạng ngập nước do triều cường cũng giảm 24/26 điểm. Tổng vốn đầu tư cho công tác chống ngập giai đoạn này là hơn 8.100 tỉ đồng. Để giải quyết hết các điểm ngập còn lại cũng như đầu tư thêm các công trình chống ngập khác trong giai đoạn 2014-2015, kế hoạch cần đến 13.067 tỉ đồng (trong đó vốn ODA khoảng 9.168 tỉ đồng).

Theo hai đơn vị trên, dù các công trình chống ngập đều được đầu tư vượt kế hoạch về tiến độ, số lượng nhưng công tác chống ngập còn nhiều hạn chế như: hệ thống thoát nước hiện hữu không đủ dung tích chứa và điều tiết khả năng thoát nước; mức độ xóa, giảm các điểm ngập chưa bền vững, còn để phát sinh những điểm ngập mới...

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên