Phóng to |
Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An Lê Trường Giang nói về những thẻ bảo hiểm y tế bị thu do cấp trùng - Ảnh: Vũ Toàn |
Trước đó, tháng 3-2013 Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội có cuộc giám sát tình hình thực hiện chính sách BHYT ở Nghệ An. Tại buổi tổng kết cuộc giám sát này, ông Trần Quốc Toàn - giám đốc BHXH Nghệ An - cho biết: “Từ năm 2011 trở về trước, Nghệ An xuất hiện tình trạng thẻ BHYT vượt lên quá nhiều so với dân số được thống kê. Tại huyện Thanh Chương có 651 thẻ cấp trùng.
Thẻ BHYT tại huyện Con Cuông nhiều hơn dân số của huyện. Năm 2011, BHXH Nghệ An phát hiện và thông báo 75.000 thẻ thuộc danh sách cảnh báo trùng lặp, trong đó có hàng chục ngàn trường hợp bị cấp trùng”.
Nhiều tỉnh cấp trùng thẻ
"Thẻ BHYT tại huyện Con Cuông nhiều hơn dân số của huyện" Ông Trần Quốc Toàn (giám đốc BHXH Nghệ An) |
Theo thống kê của BHXH VN, qua rà soát trong thời gian qua, hai năm 2011-2012 ở 63 tỉnh thành trong cả nước có tới 1 triệu thẻ BHYT bị cấp trùng, tổng số tiền từ ngân sách nhà nước chuyển trùng lặp qua quỹ BHYT lên tới 500 tỉ đồng/năm. Theo thống kê này, Nghệ An là tỉnh có số thẻ bị cấp trùng cao nhất, khoảng 75.000 thẻ/năm, Hà Nội và TP.HCM mỗi địa phương có 30.000-40.000 thẻ bị cấp trùng, thậm chí có những tỉnh thành số dân không cao nhưng cũng có tới 60.000 thẻ BHYT trùng lặp. Đa số thẻ bị cấp trùng là thẻ thuộc diện được cấp miễn phí, như thẻ BHYT dành cho người nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người có công...
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một chuyên gia của BHXH từng tham gia đoàn rà soát cấp thẻ BHYT cho biết có những trường hợp một người có... sáu thẻ, tuy nhiên đa số người trùng thẻ có 2-4 thẻ/người. Khi tới nhiều UBND xã phường, các đoàn kiểm tra được cung cấp những... bó thẻ BHYT còn nguyên dây buộc chưa phát cho người dân, do thẻ bị cấp trùng được phát về xã, xã giữ lại mà không báo lên BHYT huyện hoặc cao hơn.
“Có trường hợp người có công thuộc hộ gia đình nghèo thì cán bộ phụ trách nhóm người có công cũng lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT, cán bộ phụ trách hộ nghèo cũng lập danh sách đề nghị cấp, mà danh sách có dấu đỏ gửi lên bảo hiểm thì cứ bảy ngày là bảo hiểm cấp thẻ chứ không có kiểm tra chéo giữa các nhóm đối tượng” - một vị đại diện BHXH VN cho biết.
“Thật ra không phải đến năm 2011-2012 mới có chuyện cấp trùng thẻ, mà manh nha từ trước đó đã phát hiện chuyện thẻ BHYT trùng lặp rồi. Thực tế thì bảo hiểm cũng có tâm lý muốn tăng thẻ, tăng quỹ, nên cũng không tập trung rà soát. Mãi đến đầu năm 2013, khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện tình trạng trùng lặp quá nhiều thẻ mới yêu cầu kiểm tra đồng loạt 63 địa phương” - chuyên gia này nói.
Cụ Nguyễn Thị Tâm (92 tuổi, trú tại xã Thanh Tiên, huyện Thanh Chương, Nghệ An) đang điều trị tại khoa thần kinh Bệnh viện Quân y 4. Cụ có hai thẻ BHYT cấp trùng do thuộc hai nhóm đối tượng: có huân huy chương và người cao tuổi - Ảnh: Vũ Toàn |
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Lê Trường Giang - phó giám đốc BHXH Nghệ An, người trực tiếp chỉ đạo việc tìm số thẻ bị cấp trùng - cho biết: “Luật BHYT (có hiệu lực ngày 1-7-2009) quy định quá nhiều nhóm (25 nhóm) đối tượng tham gia nên dễ gây nhầm lẫn trong việc lập danh sách. Tuy luật quy định mỗi người chỉ được cấp một thẻ nhưng trong quá trình xác định đối tượng theo từng nhóm để lập danh sách tại khu dân cư thì chính quyền phường xã không thẩm định chính xác từng người, nên để xảy ra tình trạng một người được cấp hai thẻ, thậm chí ba đến bốn thẻ. Phường, xã làm lỏng lẻo, còn huyện, thị xã, TP tin vào cấp dưới nên cứ trình BHXH cấp thẻ”. Theo ông Giang, riêng tại Nghệ An, việc hơn 32.000 thẻ bị cấp trùng mới rà soát được đồng nghĩa với hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước chuyển về quỹ BHXH tỉnh, khiến quỹ này luôn kết dư, hằng năm phải chuyển ra quỹ BHYT VN.
Trong khi đó, đại diện BHXH VN lại cho rằng lỗi chính trong việc cấp trùng thẻ BHYT là của ngành lao động - thương binh và xã hội trong việc lập danh sách đối tượng bị trùng lặp và thiếu kiểm tra chéo. Còn BHXH có lỗi liên đới và một phần căn nguyên là hệ thống công nghệ thông tin kém cỏi, lại không có mã định danh cá nhân khiến BHXH không thể nào xác định được người nào đã cấp thẻ rồi, người nào chưa có thẻ.
Trao đổi vấn đề trách nhiệm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Xuân Đại nói: “Trách nhiệm ban đầu là do chính quyền cấp cơ sở không thẩm định đúng. Trách nhiệm tiếp theo thuộc về bộ phận kiểm soát của các ngành liên quan, đặc biệt Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh là đơn vị chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc UBND các huyện, thị xã, TP lập danh sách và thẩm định đối tượng được hưởng chính sách BHYT. Trong việc kiểm soát này cũng có trách nhiệm của BHXH tỉnh”.
Theo BHXH VN, kể từ năm 2014, địa phương nào cấp thẻ BHYT trùng lắp sẽ bị phạt. Để tránh trùng lắp thì việc lên danh sách cấp thẻ BHYT ở các địa phương sẽ giao về một đầu mối kiểm tra.
Có dễ thu hồi tiền cấp lố? Việc khó khăn hiện nay là thu hồi phần ngân sách đã cấp lố như thế nào? Quan điểm của BHXH VN là sẽ trừ vào phần tiền từ ngân sách cấp cho năm kế tiếp. BHXH sẽ phối hợp với bệnh viện thống kê chi phí mà người có thẻ bị trùng lắp đã sử dụng và khấu trừ vào phần ngân sách cấp lố này. Ông Nguyễn Nam Liên, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế, cũng cho biết: “Hiện có những thông tin đánh giá ngân sách sẽ khó thu lại phần tiền 500 tỉ đồng/năm do cấp lố thẻ BHYT, nhưng theo tôi việc này không khó, cứ khấu trừ vào phần tiền được cấp năm tới”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận