28/11/2013 17:30 GMT+7

Người nước ngoài vi phạm, người bảo lãnh phải chịu trách nhiệm

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - Chiều 28-11, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Vi phạm xuất khẩu lao động, bị phạt đến 200 triệu đồngLao động phổ thông nước ngoài đổ vào Việt Nam

KdgkWx1W.jpgPhóng to
Một nhóm công nhân Trung Quốc đang uốn những thanh sắt chuẩn bị cho khâu đổ móng dự án Nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (Quảng Nam) - Ảnh: Đăng Nam

Đa số ý kiến đại biểu cho rằng Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam ra đời là hết sức cần thiết trước tình trạng quản lý nhà nước về người nước ngoài còn nhiều yếu kém trong khi lượng người nước ngoài nhập cảnh mỗi năm tăng 20-30%.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) lo lắng trước thực tế một số người nước ngoài vào Việt Nam sống lang thang, lừa đảo, hoạt động phản động chống phá nhà nước nhưng chưa quản lý được.

Có chung lo lắng này, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) dẫn chứng: “Hiện nay một số doanh nghiệp lợi dụng tư cách pháp nhân để làm dịch vụ cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh, hoạt động trái pháp luật tại Việt Nam. Thực tế có hàng ngàn lao động phổ thông nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại các công trình xây dựng, nhất là các dự án do Trung Quốc trúng thầu như nhà máy nhiệt điện Quảng Ninh, Hải Phòng, Cà Mau, Ximăng Ninh Bình, Tây Ninh, bôxít Lâm Đồng…”.

Từ thực tế trên, ông Vinh đề nghị bổ sung rõ trong luật về điều kiện để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Quy định cụ thể về trách nhiệm báo cáo tình hình hoạt động của người nước ngoài được mời, bảo lãnh với cơ quan quản lý nhà nước về xuất nhập cảnh.

Ngoài ra, theo đại biểu Vinh, cần quy định rõ trách nhiệm liên đới của cá nhân hoặc tổ chức bảo lãnh trong trường hợp người nước ngoài vi phạm pháp luật. Quy định vậy để khi "có chuyện" thì truy được trách nhiệm ngay.

Ông Vinh cũng bức xúc trước tình trạng nhiều người nước ngoài vào sinh sống, làm việc một thời gian dài mà địa phương không biết. Ông Vinh đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Lao động - thương binh và xã hội với những lao động là người nước ngoài.

Trong số các hành vi bị nghiêm cấm có hành vi nhập cảnh cư trú tại Việt Nam với mục đích chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. "Điều này rất khó chứng minh vì đâu ai thừa nhận mình vào để chống phá nhà nước”, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) nhận xét. Ông Hồng cho rằng nên tính toán thiết kế lại các điều cấm cho khả thi hơn.

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, các hành vi bị cấm trong việc nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú còn mang tính chung chung, chưa quy định hành vi gây nhũng nhiễu, các hành vi gây khó khăn cho cư trú của người sở tại, hành vi xâm hại đến trật tự an toàn xã hội, kinh tế văn hóa và thuần phong mỹ tục của Việt Nam... là thế nào? Như vậy, việc áp dụng các chế tài xử lý cá nhân tổ chức vi phạm rất khó khăn.

Ông Vinh đề xuất phải cấm cụ thể các hành động như: sử dụng hộ chiếu, tài liệu có nội dung xâm hại chủ quyền Việt Nam, cấm hành vi mua, bán, tài liệu, cho mượn hộ chiếu, các giấy tờ liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh…

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên