22/11/2013 12:39 GMT+7

Vì sao chỉ 7% dân nông thôn hài lòng với cuộc sống?

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Chỉ 7% trong hơn 2.700 cá nhân/hộ gia đình sống ở nông thôn tham gia nghiên cứu “Phát triển kinh tế và hạnh phúc”, một thành phần của nghiên cứu toàn diện về đời sống và kinh tế ở nông thông cho biết họ cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống.

42% dân nông thôn không hài lòng lắm với cuộc sống

cyTvTbwk.jpgPhóng to
Chị Lý Thị Dung (xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, Hà Giang) cày ruộng với con trâu trị giá 18 triệu đồng. Con trâu được chị “tậu” từ tiền vay của Quỹ hỗ trợ người dân miền núi - Ảnh: T.T.D

Nghiên cứu được thực hiện năm 2012 và công bố 21-11 tại Hà Nội.

Cũng theo kết quả nghiên cứu này, có 6% cho biết không hài lòng chút nào với cuộc sống, 45% cho biết khá hài lòng với cuộc sống và phần còn lại là 42% không hài lòng lắm với cuộc sống của họ.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Copenhagen (Đan Mạch), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đây là nghiên cứu đầu tiên và có hệ thống về hạnh phúc ở VN.

Theo nghiên cứu, những người có thu nhập cố định, lao động nông nghiệp trên ruộng đồng của mình hạnh phúc hơn so với người làm công/làm thuê và người kinh doanh.

Nghiên cứu cũng cho thấy nhóm gia đình có hai con là nhóm hạnh phúc nhất và tồi tệ nhất là nhóm có 4 con trở lên. Những người ly hôn được hỏi cũng có tỷ lệ không hài lòng với cuộc sống nhiều hơn hẳn so với người chưa lập gia đình, người có gia đình và người góa chồng/vợ.

Những người được hỏi cũng cho biết thu nhập tác động nhiều đến tỷ lệ hài lòng với cuộc sống, nhưng không phải thu nhập càng cao càng hạnh phúc. Kết quả này cũng cho thấy giá trị về hạnh phúc ở nông thôn VN tương đồng ở Mỹ và Châu Âu.

“Những giá trị cốt lõi không phải là của riêng phương Tây hay phương Đông, ở truyền thống hay hiện đại, mà mang tính chung, phổ biến ở mọi nơi”- GS Finn Tarp, ĐH Copenhagen, thành viên nhóm nghiên cứu đánh giá.

Rất nhiều vấn đề xung quanh đời sống người dân nông thôn hiện ra trong trong cuộc điều tra này. Trong đó có sự chuyển dịch mạnh lao động làm việc trong ngành nông, lâm, thủy sản sang các ngành nghề phi nông nghiệp, tỷ lệ lao động làm trong nông nghiệp còn 47% (giảm mạnh so với con số gần 80% năm 2001).

Tính theo chi tiêu và phúc lợi của người dân, Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai là các tỉnh nghèo nhất, trong khi Đăk Nông, Long An và Hà Tây cũ có mức chi tiêu và phúc lợi trung bình cho người dân nông thôn cao nhất.

Trong đó, Đăk Nông, Long An, Hà Tây cũ được nhóm nghiên cứu đánh giá có số lượng lao động chuyển dịch sang các lĩnh vực phi nông nghiệp và được trả lương nhanh hơn.

“Bức tranh chung về đời sống nông thôn VN rất tích cực, với phúc lợi trung bình của hộ tham gia điều tra đều tăng trong giai đoạn 2006-2012 xét theo thước đo về chi tiêu lương thực, thực phẩm, thu nhập và tài sản của hộ gia đình”- nghiên cứu viên Andy McKay cho biết.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên