17/11/2013 07:52 GMT+7

Lập lại trật tự đầu tư công

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Sáng 16-11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình về dự án Luật đầu tư công.

xgBuR7wl.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh - Ảnh: V.Dũng

Theo ông Vinh, do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và thiếu đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém.

Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối ngân sách nhà nước các cấp.

“Cho đến nay chưa có văn bản pháp luật chế định đầy đủ toàn bộ quá trình đầu tư công từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công” - ông Vinh nêu rõ.

"Thực tế quản lý đầu tư công trong thời gian qua cho thấy lãng phí, thất thoát có nhiều nguyên nhân khác nhau như: do buông lỏng quản lý, đầu tư dàn trải, tham nhũng, bớt xén trong thi công..."

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh

Trong các nguyên nhân dẫn đến thất thoát, lãng phí, tham nhũng ở lĩnh vực đầu tư công, ông Bùi Quang Vinh cho rằng “lãng phí lớn nhất là do chủ trương đầu tư không đúng, không hiệu quả”.

Vì vậy, dự luật này “đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư, là nội dung đổi mới quan trọng nhất, đó là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án nhằm ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí và đơn giản trong việc quyết định chủ trương đầu tư”.

Ông Vinh nêu ví dụ: “Hiện nay, nhiều bộ ngành và địa phương chưa coi trọng công tác thẩm định về nguồn vốn và cân đối vốn hoặc chỉ làm hời hợt, chiếu lệ, từ đó quyết định các chương trình, dự án với quy mô lớn gấp nhiều lần khả năng cân đối vốn của ngành mình, cấp mình, cũng như vượt quá khả năng bổ sung, hỗ trợ của ngân sách cấp trên”. Vì vậy, “việc quy định về thẩm định nguồn vốn và cân đối vốn trong Luật đầu tư công sẽ là giải pháp quan trọng nhằm hạn chế và đi tới chấm dứt việc quyết định chương trình, dự án vượt quá khả năng bố trí vốn, khắc phục tình trạng bố trí dàn trải, kéo dài và gây nợ đọng xây dựng cơ bản lớn như hiện nay”.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với quy định của dự án luật về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước các cấp và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý sử dụng vốn đầu tư công.

“Tuy nhiên cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu nhấn mạnh.

Ủy ban Kinh tế cũng nhất trí với Chính phủ là “cần phải quy định xử lý đối với các trường hợp dự án đầu tư công đã được quyết định đầu tư trước khi luật này có hiệu lực để chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có cơ sở và định hướng tiếp tục triển khai thực hiện”.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát lại tất cả chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư từ trước khi luật này có hiệu lực, phân loại những dự án đã thực hiện và dự án chưa thực hiện. Đồng thời, xem xét tác động của việc xử lý đối với các dự án đầu tư dở dang, nếu không tiếp tục đầu tư sẽ gây hậu quả như thế nào đối với các bên tham gia dự án cũng như đối với nền kinh tế.

Quốc hội sẽ có các phiên thảo luận về dự án luật này vào các ngày 18 và 27-11.

Bầu thêm lãnh đạo của Quốc hội

Sáng 16-11, Quốc hội đã bầu bổ sung trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, quê Nghệ An, sinh năm 1955, làm ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nâng số lượng thành viên ủy ban này lên 18.

Ủy viên thường trực Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành, sinh năm 1964, quê Lạng Sơn, được bầu làm phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc. Các ông Phạm Trí Thức, sinh năm 1959, quê Thanh Hóa, ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật; Nguyễn Văn Tuyết, sinh năm 1960, quê Yên Bái, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa - giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng; Đặng Thuần Phong, sinh năm 1964, quê Bến Tre, ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội; Vũ Hải Hà, sinh năm 1969, quê Nam Định, ủy viên thường trực Ủy ban Đối ngoại đều được bầu làm phó chủ nhiệm các ủy ban trên.

* Sáng cùng ngày, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật việc làm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng.

Áp dụng phổ biến hải quan điện tử

Chiều 16-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật hải quan (sửa đổi). Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng đây là dự thảo luật đã được nghiên cứu toàn diện, công phu và nghiêm túc.

“Việc ban hành Luật hải quan (sửa đổi) hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến hải quan điện tử phục vụ có hiệu quả sự phát triển của hoạt động kinh tế đối ngoại trong chiến lược kinh tế - xã hội giai đoạn mới là hết sức cần thiết” - ông Vinh nói.

Về việc dự thảo luật quy định trường hợp phát hiện buôn lậu di chuyển từ địa bàn hoạt động của hải quan ra ngoài địa bàn hoạt động của hải quan thì cơ quan hải quan tiếp tục truy đuổi, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng nên có quy định cụ thể cơ chế phối hợp với các cơ quan chức năng khác để tránh sự chồng chéo. “Trường hợp lực lượng hải quan phát hiện có sự di chuyển hàng hóa buôn lậu, cơ quan hải quan phải nhanh chóng thông báo sớm nhất đến các cơ quan chức năng khác để phối hợp” - bà Ánh Tuyết nói. Đại biểu Trần Tiến Dũng (Hà Tĩnh) đề nghị cần quy định chặt chẽ các trường hợp truy đuổi, phạm vi truy đuổi, dấu hiệu nhận biết phương tiện truy đuổi của lực lượng hải quan.

* Hàng nhập khẩu chưa qua kiểm tra vẫn bán ra thị trường. Bộ Tài chính đã khẳng định như vậy trong văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung (Điện Biên) về quy định đưa hàng về bảo quản. Cụ thể, theo Bộ Tài chính, chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm 2013 tại Cục Hải quan TP.HCM đã có tới 1.150 trường hợp doanh nghiệp vi phạm việc nộp chậm kết quả kiểm tra chuyên ngành để thông quan hàng hóa. Đáng lưu ý là có trường hợp kết quả không đạt yêu cầu nhưng hàng hóa đã bị doanh nghiệp tự ý đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên