09/11/2013 15:08 GMT+7

Người nghèo bù đắp khám chữa bệnh cho người giàu!

MAI HƯƠNG - VÕ VĂN THÀNH
MAI HƯƠNG - VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 8-11, thảo luận ở hội trường việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT) giai đoạn 2009-2012, hai nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là các giải pháp tiến tới thực hiện BHYT toàn dân và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bằng BHYT.

Bảo hiểm y tế, còn tình trạng người nghèo bù cho người giàu

0hNx9iMs.jpg
Ông Huỳnh Nghĩa - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đưa ra số liệu từ báo cáo giám sát của Quốc hội: “Có đến 50% đối tượng thuộc diện đóng BHYT bắt buộc cho biết sẽ không tham gia BHYT nếu để họ tự nguyện!”.

Đã có thẻ BHYT thì không cần làm thủ tục chuyển viện

"Các tỉnh miền núi do địa bàn khó khăn nên người dân ít đến bệnh viện, quỹ BHYT kết dư cao. Còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám chữa bệnh cho người giàu. Đây là một nghịch lý"

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Lý giải hiện tượng này, đại biểu Thùy Trang nói người dân thường than phiền về sự đối xử không bình đẳng của các cơ sở khám chữa bệnh đối với bệnh nhân BHYT. Bà Trang nói đã trực tiếp chứng kiến ở nhiều bệnh viện cảnh những người khám chữa bệnh BHYT thường phải xếp hàng dài dằng dặc, trong khi quầy khám dịch vụ ngay cạnh đó ít người hơn. Không ít bệnh nhân xếp hàng chờ mãi đến lượt mình mới biết phải đi photo thẻ BHYT, thế là mất lượt. Nhiều người phải chờ vài giờ làm thủ tục, cuối cùng chỉ để được khám trong vòng một phút.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng lẽ ra khu khám bệnh theo yêu cầu phải xây dựng riêng, phải dùng nguồn vốn khác mà không được sử dụng hạ tầng có sẵn do Nhà nước đầu tư. Theo ông Tiên, phát triển theo kinh tế thị trường thì nhất định phải có người giàu, người nghèo và những người có tiền đủ khả năng chi trả để được hưởng dịch vụ tốt hơn. Tuy nhiên, nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân mà Quốc hội dự kiến ban hành cần nêu rõ việc tạo điều kiện cho các bệnh viện vay tiền ngân hàng, vay quỹ kết dư BHYT để xây dựng khu dịch vụ riêng. Qua đó hạn chế sự tương phản giữa hai hệ thống khám chữa bệnh dịch vụ và bằng BHYT.

Đại biểu Đào Xuân Yên (Thanh Hóa) đề nghị để tiến tới BHYT toàn dân cần phải có quy định bắt buộc tham gia BHYT, xây dựng cơ chế để khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Xuân Trường (Hải Phòng) lo ngại cơ chế thu theo gia đình (người thứ nhất đóng theo quy định, người thứ hai, thứ ba giảm dần còn 80-90%... người thứ sáu đóng 40%) là đi theo kiểu kích cầu của cơ chế thị trường, trong khi mục tiêu của BHYT không phải như vậy. Kích cầu để có nhiều người tham gia nhưng cách thu giảm dần thì sau đó ngân sách nhà nước lại phải hỗ trợ. Theo ông Trường, thiết thực nhất là nâng cao chất lượng phục vụ y tế trong đó có khám chữa bệnh bằng BHYT, người tham gia BHYT được hưởng nhiều quyền lợi hơn, từ đó lấy số đông hỗ trợ số ít.

Để hạn chế những thủ tục rườm rà, gây bức xúc cho bệnh nhân BHYT khi phải chuyển viện, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị cần phải quy định đối với người có thẻ BHYT thì được quyền đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa và được thanh toán BHYT như tại nơi đăng ký khám bệnh ban đầu mà không cần làm thủ tục chuyển viện.

Quỹ BHYT dư gần 13.000 tỉ đồng: không đáng mừng

Đại biểu Phạm Thị Phương (Hà Tĩnh) cho rằng việc quỹ BHYT hiện còn kết dư gần 13.000 tỉ đồng là con số không đáng mừng, vì trong khi quỹ dư tiền thì còn nhiều bệnh nhân chưa được BHYT chi trả như điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi, bệnh do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp... “Kết dư quỹ nhiều liệu có giới hạn quyền lợi người tham gia BHYT hay không? Quỹ BHYT là loại quỹ ngắn hạn, chỉ giới hạn đóng và sử dụng trong năm, không nên để kết dư lâu dài” - bà Phương nói.

Từ thực tế nguồn quỹ BHYT nhàn rỗi chủ yếu là mua trái phiếu chính phủ, cho ngân hàng vay, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) đặt vấn đề quỹ BHYT cần được bảo toàn và đầu tư tăng trưởng, nhưng liệu cách thức đầu tư như nêu trên có ảnh hưởng đến việc điều chuyển nguồn tài chính của quỹ nhằm phục vụ yêu cầu khám chữa bệnh BHYT hay không? Bà Lan cũng băn khoăn liệu cách thức đầu tư nguồn nhàn rỗi của quỹ BHYT có ảnh hưởng đến chất lượng danh mục thuốc dành cho khám chữa bệnh BHYT hay không? Từ cách tiếp cận này, bà Lan đề nghị: “Trong thời gian tới, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm tránh tình trạng vì hoạt động bảo tồn và tăng trưởng quỹ BHYT mà ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh”.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho rằng trên thực tế thẻ BHYT có mệnh giá 570.000 đồng/thẻ/năm, nghĩa là chỉ bằng một bữa uống bia, mức đóng thấp nhưng quyền lợi được hưởng khá nhiều. Tuy nhiên, do quy định rải rác nên bệnh nhân vào bệnh viện không biết hưởng cái gì, có khi bệnh viện làm sai quy định thì bệnh nhân cũng đành chịu. Theo ông Tiên, cần phải xây dựng các gói quyền lợi BHYT thật cơ bản và dễ hiểu, cụ thể là nghị quyết của Quốc hội tới đây phải có quy định về việc ban hành các gói dịch vụ BHYT để bệnh nhân biết rõ mình được hưởng những quyền lợi nào.

Lo lắng tình trạng “bao cấp ngược” khi số kết dư BHYT không được phân bổ cho địa phương mà chuyển hết về trung ương để bù đắp cho những nơi bội chi, đại biểu Huỳnh Nghĩa phân tích: “Các tỉnh miền núi do địa bàn khó khăn nên người dân ít đến bệnh viện, quỹ BHYT kết dư cao. Còn tại các thành phố lớn thì bội chi quỹ. Điều này có nghĩa người nghèo tham gia BHYT để bù đắp chi khám chữa bệnh cho người giàu. Đây là một nghịch lý”. Theo đại biểu Nghĩa, số tiền kết dư cần được đầu tư trở lại cho các địa phương để tổ chức cung ứng dịch vụ, nâng cấp kỹ thuật y tế, mua sắm phương tiện vận chuyển để người dân được hưởng lợi một cách công bằng.

Dự kiến lộ trình của BHYT

- Bảo đảm đến năm 2015 đạt 75% dân số tham gia BHYT và năm 2020 đạt 80% dân số tham gia BHYT.

- Trước năm 2016, hoàn thiện việc quy định gói quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cơ bản, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, ngân sách và mức đóng BHYT; trước năm 2020, hoàn thành lộ trình chuyển từ chi ngân sách nhà nước trực tiếp cho cơ sở khám chữa bệnh sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, đủ giá dịch vụ y tế.

- Chấn chỉnh, nâng cao y đức và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, trước năm 2018 hoàn thành ứng dụng công nghệ thông tin để giảm thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh, giám định và thanh toán, quyết toán BHYT; tiếp tục đầu tư cho tuyến y tế cơ sở, từ năm 2015 giảm dần tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến trung ương, trước năm 2020 giảm 50% tình trạng quá tải bệnh viện.

(Nguồn: dự thảo nghị quyết của Quốc hội)

MAI HƯƠNG - VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên