05/11/2013 07:11 GMT+7

Lãng phí ngàn tỉ cùng lắm bị phê bình

Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)
Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)

TT - Tại phiên thảo luận của Quốc hội về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) ngày 4-11, các đại biểu chỉ ra nhiều ví dụ cụ thể cho thấy lãng phí đang như bệnh dịch lan tràn khắp mọi nơi, gây hại hơn cả tham nhũng.

9MGgiPfH.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) - Ảnh: V.Dũng

“Không biết trên thế giới có nước nào nhiều xe công như chúng ta không?” - đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) hỏi. Trong khi đại biểu Đặng Thị Kim Chi (Phú Yên) cho biết giá vé máy bay và tiền lưu trú từ Phú Yên ra Hà Nội khoảng 8 triệu đồng/người, nhưng vừa rồi “có một bộ triệu tập hội nghị tập huấn, giấy mời phát đi, các sở, đơn vị trực thuộc bộ của cả nước về dự, khoảng vài trăm người, nhưng đến nơi thì được phát giấy thông báo hoãn bởi vì lãnh đạo bộ bận, khi nào tập huấn sẽ thông báo sau”.

Không ai chịu trách nhiệm cả

"Một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ lúc ban hành, vậy lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì?"

“Ban hành chính sách không phù hợp, quyết định thiếu chính xác dẫn đến lãng phí hàng nghìn tỉ đồng mà người ra quyết định cùng lắm cũng chỉ bị phê bình khiển trách. Câu hỏi đặt ra ở đây là một quyết định sử dụng ngân sách nhà nước sai ngay từ lúc ban hành, vậy lãng phí đã hình thành ngay từ khi ra quyết định. Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quá trình triển khai liệu còn có tác dụng gì?” - đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) chua xót. Bà dẫn ra hàng loạt vấn đề trong thực tế như quy hoạch, quyết định đầu tư mía đường, ximăng lò đứng, sân bay, bến cảng, thủy điện, thủy lợi, chợ... thiếu hiệu quả, dở dang, lãng phí, thua lỗ, bỏ thì thương vương thì tội... “Dù hậu quả thấy rất rõ nhưng cuối cùng không ai phải chịu trách nhiệm và cũng chưa thấy một văn bản nào chỉ ra cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định đó là gì. Dường như quyết định do cá nhân nhưng hình thức là tập thể để rồi khi xảy ra chuyện thì tập thể chịu trách nhiệm, tức là không ai phải chịu trách nhiệm cả. Cơ quan này lại đổ lỗi cho cơ quan kia” - bà Thúy phân tích.

Bà Thúy đề nghị cần quy định chặt chẽ, cụ thể trách nhiệm của người ra quyết định sai dẫn đến lãng phí, quyết không đánh trống bỏ dùi và gợi ý nên bắt đầu từ việc xử lý trách nhiệm quy hoạch yếu kém, ra quyết định đầu tư sai dẫn đến phải loại bỏ hơn 400 dự án thủy điện. Cùng nỗi bức xúc, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) chỉ ra “tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp, nhiều công trình xây dựng dở dang không thể đưa vào sử dụng, nhiều dự án bất động sản phơi nắng, phơi mưa đang diễn ra ở nhiều địa phương, bộ, ngành”. Bà kiến nghị: “Chúng ta vẫn biết rằng nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách là nguyên tắc bất di bất dịch, nhưng đồng hành với nguyên tắc này phải là những quy định chặt chẽ về trách nhiệm đối với người phụ trách, người đứng đầu của từng mắt xích công việc và đòi hỏi những người này khi quyết định đầu tư, sử dụng ngân sách nhà nước phải thật sự công tâm không vì lợi ích nhóm hoặc tư lợi cá nhân. Chỉ vậy, chúng ta mới hi vọng ngân sách nhà nước được đầu tư, sử dụng có hiệu quả, hạn chế tối đa sự thất thoát lãng phí”.

pgrxIva4.jpgPhóng to
Đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) - Ảnh: V.Dũng

Để xảy ra lãng phí thì phải đền

"Tôi rất nhất trí xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới"

Không đồng tình với dự án luật chỉ quy định chung chung, đại biểu Trương Thái Hiền (Kiên Giang) đề nghị Quốc hội cần quy định rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người có thẩm quyền mà không xử lý hành vi gây lãng phí bằng chế tài, điều luật cụ thể, bổ sung đưa vào Bộ luật hình sự tạo ra sức lan tỏa như một phong trào cách mạng thì mới hạn chế, ngăn chặn được sự lãng phí. “Trong thực hành tiết kiệm, thực tế hành vi làm thất thoát lãng phí ít ai bị xử lý và hầu như không ai bị truy cứu trách nhiệm hình sự mặc dù ai cũng biết thất thoát lãng phí gây hậu quả còn nặng nề hơn tham nhũng. Do vậy, tôi rất nhất trí xử lý vi phạm và bồi thường thiệt hại đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, cấp trên trực tiếp phải chịu trách nhiệm liên đới về việc để xảy ra lãng phí trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp dưới. Tùy theo mức độ xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và đồng thời phải có chế tài xử lý về kinh tế và biện pháp hành chính” - ông Hiền nói.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng cho rằng quy định “quyền giám sát của người dân trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn chung chung, khó phát huy hiệu quả”. Bà Linh phân tích và đề nghị: “Các hoạt động chi tiêu mua sắm trong các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp là một hoạt động mang tính chất nội bộ, khó có người dân bình thường nào có thể tiếp cận các nguồn thông tin đó, như vậy người dân sẽ khó có thể thực hiện việc giám sát... Cần quy định rõ những loại thông tin nào người dân có thể tiếp cận. Ai, chủ thể nào có nghĩa vụ phải cung cấp, giải trình khi người dân có yêu cầu, thắc mắc? Song song đó quy định rõ quy trình tiếp cận thông tin, giới hạn thông tin, quy trình giám sát phản ánh tố cáo và tiếp thu, phản hồi thông tin từ phía các cơ quan hữu quan để phát huy vai trò tích cực của nhân dân đối với thực hành tiết kiệm chống lãng phí”.

Dự án đường Hồ Chí Minh:

Đề xuất phải có ban chỉ đạo cấp nhà nước

Chiều 4-11, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Đa số đại biểu cho rằng đây là dự án giao thông quan trọng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế - xã hội mà còn có ý nghĩa về an ninh quốc phòng, cần thiết phải đầu tư.

Tuy nhiên, thực tế thực hiện dự án còn nhiều bất cập khiến các đại biểu băn khoăn. Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TP.HCM) nhận xét: “Dự án có không gian ảnh hưởng quá rộng, thời gian lại kéo dài, có nhiều dự án thành phần, nhiều nguồn vốn nhưng cách quản lý lại không đồng nhất, không có ban chỉ đạo nhà nước mà chia manh mún ra các dự án nhỏ. Cách làm là vừa chạy vừa xếp hàng, vừa làm vừa lắp ráp”. Từ thực tế đó, ông Thiện đề nghị phải có ban chỉ đạo nhà nước đủ tầm, một phó thủ tướng Chính phủ điều hành dự án này, không thể cứ để một mình Bộ Giao thông vận tải phụ trách như hiện nay.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) băn khoăn về nguồn vốn cho dự án: “Tôi cho rằng chúng ta chưa có điều tra khảo sát đầy đủ với đường Hồ Chí Minh - chưa xác định rõ nguồn vốn. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở đây. Vì vốn không có sao mà làm được? Tôi đề nghị Chính phủ phải phân tích rõ có đảm bảo về nguồn vốn cho các giai đoạn hay không. Đặc biệt là giai đoạn 3 của dự án, gần như các cơ quan tham mưu cho Chính phủ chưa đặt ra được việc quy hoạch nguồn vốn ở đâu. Nếu vẫn còn lúng túng như vậy thì việc triển khai từ quy hoạch cho tới thu hồi đất trong dân sẽ cực kỳ khó khăn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Đầu tư lãng phí, nhưng chưa ai bị xử lýĐừng để chạy vào hải quan chỉ để kiếm tiền bất chính! Ngân sách đang trong tình trạng “giật gấu vá vai” Không dùng tiền ngân sách để mua nợ xấu Nếu không đổi mới, chắc chắn sẽ khó khăn

Đại biểu NGUYỄN THỊ KIM THÚY (Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên