01/11/2013 13:57 GMT+7

Không dùng tiền ngân sách để mua nợ xấu

V.V.THÀNH - M.HƯƠNG
V.V.THÀNH - M.HƯƠNG

TTO - Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình khẳng định như vậy trong phần phát biểu tại phiên thảo luận hội trường về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1-11.

Nếu không đổi mới, chắc chắn sẽ khó khăn

QdsbdCBh.jpgPhóng to
Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (giữa) trao đổi với Bí thư thành Ủy TP.HCM Lê Thanh Hải (trái) và đại biểu quốc hội Trần Du Lịch - Ảnh: Việt Dũng

Đã mua khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết thực tế tăng trưởng tín dụng mới của cả nền kinh tế trong 10 tháng đầu năm là 7,89%, nếu tính cả phần trích lập dự phòng rủi ro... Riêng tăng trưởng tín dụng cho nông nghiệp nông thôn từ đầu năm đến nay đã đạt 15%, cả năm có thể đạt từ 15-18%. Nợ xấu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (khoảng 3%) thấp hơn mặt bằng chung của toàn hệ thống (khoảng 4,64%). Thống đốc Bình khẳng định hiện Chính phủ đang khẩn trương xem xét, sửa đổi Nghị định 41 về cho vay nông nghiệp nhằm phục vụ có hiệu quả hơn lĩnh vực quan trọng này.

Theo Thống đốc Bình, nhờ phát huy nội lực của hệ thống các tổ chức tín dụng, vừa qua ngành ngân hàng đã cơ cấu lại các khoản nợ theo cơ chế mới với khoảng trên 300 nghìn tỷ đồng, 60% trong số đó nếu không được cơ cấu lại thì đã trở thành nợ xấu. Bên cạnh đó, việc sử dụng công cụ trích lập dự phòng rủi ro trong 9 tháng đầu năm đã góp phần xử lý được khoảng 32 nghìn tỷ đồng nợ xấu, dự kiến cả năm thông qua công cụ này sẽ xử lý được khoảng 70 nghìn tỷ đồng. Riêng công ty quản lý tài sản VAMC đến nay đã mua vào được khoảng 10 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

“Nếu như không triển khai các giải pháp như trên thì nợ xấu của toàn hệ thống đã tăng thêm khoảng trên 10% nữa. Để xử lý được nợ xấu thì phải có giải pháp đồng bộ hơn, nếu giải quyết được nợ đọng xây dựng cơ bản thì sẽ giải quyết được khoảng 3% nợ xấu, về tổng thể cần tăng tổng cầu của nền kinh tế để có khởi sắc hơn góp phần giải quyết căn bản nợ xấu”- Thống đốc Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết: “Về công ty quản lý tài sản VAMC, các nước đều có công ty tương tự như vậy, người ta sử dụng lượng tiền lớn để tiến hành mua lại nợ của các tổ chức tín dụng, ta có nhiều khó khăn nên không thể rập khuôn kinh nghiệm của nước bạn nên phải có cơ chế chính sách phù hợp. Việc mua bán nợ của VAMC không sử dụng tiền của ngân sách, các khoản nợ mà VAMC đã mua lại thì không tính vào nợ xấu của doanh nghiệp, do vậy tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn mới. VAMC mua nợ về thì sẽ tiến hành cơ cấu lại các khoản nợ cả về lãi suất, về tính chất nguồn vốn, thời hạn vay… Phấn đấu trong năm nay VAMC mua được 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu, từ nay đến năm 2014 mua được 100 đến 150 nghìn tỷ đồng, tạo ra thị trường mua bán nợ tập trung”.

Đại biểu Đặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) cho rằng chúng ta nói nhiều đến nợ xấu ngân hàng nhưng ít nói đến nợ thuế chưa thu được. Tình hình hiện nay là thu thuế chậm và hoàn thuế nhanh, cần kiên quyết truy thu nợ thuế để tăng thu ngân sách.

Dứt khoát thoái vốn lĩnh vực không cần thiết

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) phân tích bốn động cơ tăng trưởng của đất nước gồm khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực doanh nghiệp tư nhân, khu vực nông nghiệp, khu vực đầu tư nước ngoài FDI thì chỉ có FDI là tăng trưởng tốt, từ thực tế này phải đẩy mạnh thu hút và tăng cường thanh kiểm tra việc quản lý thuế từ khu vực này để tăng nguồn thu cho ngân sách.

Đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước, bà Tuyết nói phải đẩy nhanh quá trình thoái vốn ở các lĩnh vực nhà nước không cần nắm cổ phần chi phối. Theo kế hoạch giai đoạn 2011-2015 cổ phần hóa 337 doanh nghiệp, nhưng đến nay chỉ có 100 doanh nghiệp cổ phần hóa, do vậy Chính phủ phải mạnh dạn hơn trong chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ, xác định lĩnh vực, doanh nghiệp nào cần nuôi dưỡng, doanh nghiệp, lĩnh vực nào không cần thiết thì dứt khoát thoái vốn để dành nguồn lực cho những mục tiêu cần thiết hơn. “Đề nghị Chính phủ thành lập một ủy ban độc lập về tái cơ cấu với thành phần là các tổ chức, định chế, định giá, giám sát độc lập”- Bà Tuyết nói.

Cũng theo đại biểu Tuyết, khu vực doanh nghiệp tư nhân 9 tháng đầu năm có số doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng 9,12% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn vay. Doanh nghiệp sản xuất cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đang vô cùng khó khăn về vốn trong điều kiện không còn tài sản thế chấp, ngân hàng cần có biện pháp hộ trợ đặc thù, cho giãn nợ 24-36 tháng, cho trả lãi cuối kỳ hoặc phân kỳ trả lãi phù hợp.

Chất lượng lao động còn kém

Phó Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ngô Đức Mạnh đặt vấn đề hiện nay chất lượng của lao động Việt Nam chỉ bằng 1/10 của Indonesia, 1/20 của Thái Lan, 1/135 của Nhật Bản. “Chúng ta phải đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hội nhập quốc tế, có như vậy ta mới có đủ năng lực để thương thảo các hợp đồng thương mại, có đủ nhân lực để tham gia các nghĩa vụ hội nhập của mình. Bài toán này phải giải từ khâu cải cách giáo dục, cải cách đào tạo nguồn nhân lực, và nhất là xây dựng chế độ tuyển dụng, sử dụng được người tài vào cơ quan của nhà nước”- ông Mạnh nói.

Ngoài ra, ông Mạnh cho rằng cần tăng cường sự tham gia của người Việt Nam ở nước ngoài- gần 4 triệu người, trong đó có rất nhiều người có tay nghề, trình độ cao. Chính phủ cần quan tâm tới công tác bảo hộ cho người Việt Nam ở nước ngoài, tạo điều kiện cho đồng bào ta có điều kiện về nước làm ăn sinh sống, mua nhà đất, huy động trí tuệ, chất xám đóng góp vào sự nghiêp xây dựng đất nước.

V.V.THÀNH - M.HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên