03/11/2013 07:00 GMT+7

"Dân số vàng" rồi "dân số già"

PHẠM VŨ thực hiện
PHẠM VŨ thực hiện

TT - Sau giai đoạn “dân số vàng”, VN sẽ bước vào giai đoạn “dân số già” rất nhanh chóng. Vì thế, toàn xã hội đang có rất nhiều người trẻ hôm nay phải tăng tốc trong việc học, việc làm, việc phát triển, hoàn thiện bản thân mình.

Diễu hành chào đón “90 triệu con cháu Lạc Hồng”

dxleanOO.jpgPhóng to
TS Bùi Trân Phượng - Ảnh: Tự Trung

TS Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen (TP.HCM), nhận định như vậy trước sự kiện đất nước đón công dân thứ 90 triệu. TS Phượng vừa được trao tặng giải thưởng Phan Chu Trinh vì những nỗ lực cải cách giáo dục, hiện thực hóa giấc mơ mô hình đại học tiên tiến, giáo dục theo tinh thần khai sáng, hướng đến mục tiêu đào tạo một thế hệ trí thức trưởng thành, độc lập.

Hầu như chưa chuẩn bị gì

"Nguồn lực, đúng là có nguồn lực. Cơ hội, đúng là có cơ hội. Nhưng đừng quên bên cạnh nguồn lực là nguy cơ, hệ lụy, bên cạnh cơ hội là thách thức, rủi ro. Chúng ta cần phải nhìn nhận cho đúng tất cả khía cạnh của sự kiện, vấn đề, từ đó mới biết mỗi người trong 90 triệu người cần phải làm gì"

TS Bùi Trân Phượng

* Giữa cơ hội và thách thức, theo bà, cái nào là lớn hơn?

- Các con số của Tổng cục Dân số cũng như Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đều cho thấy giai đoạn “dân số vàng” của VN ngắn hơn nhiều so với các nước khác, chỉ vào khoảng 17 năm và hiện giờ chúng ta đã đi được 7-8 năm rồi. Ở các nước như Nhật Bản, trước khi bước vào thời kỳ “dân số vàng”, họ đã có những bước tích lũy, chuẩn bị sẵn về giáo dục, y tế, kinh tế, khoa học, công nghiệp để đến thời điểm đó sẵn sàng phát huy thế mạnh nguồn lực dân số trẻ, có học thức, tạo thành bước nhảy vọt cho đất nước. Chúng ta hầu như chưa chuẩn bị gì, chưa sẵn sàng về kinh tế lẫn đào tạo, cả văn hóa lẫn đạo đức đều đang có vấn đề.

Một lực lượng người trẻ hùng hậu về số lượng đã ra đời và lớn lên trong bối cảnh như thế thì chất lượng nhân lực sẽ như thế nào? Bên cạnh đó, ngay những phân tích về số lượng cũng cho thấy các nguy cơ tiềm ẩn: chênh lệch nam - nữ dẫn đến mất cân bằng giới tính, mất cân đối giữa tỉ lệ sinh vùng miền dẫn đến bất ổn xã hội: những nơi có điều kiện y tế, giáo dục tốt như ở TP.HCM thì sinh ít, những nơi xa xôi hẻo lánh lại sinh nhiều... Đón một em bé ra đời ai cũng mừng, nhưng bên cạnh đó người lớn chúng ta phải lo để làm sao em bé ấy có điều kiện tốt nhất để làm người.

* Thưa bà, để nguồn nhân lực dồi dào về số lượng này được nâng cao về chất lượng thì không thể thiếu vai trò của những người làm giáo dục như bà?

- Trong phạm vi của mình, chúng tôi vẫn nỗ lực từ bao nhiêu năm qua. Giáo dục là lĩnh vực cần xây dựng nền tảng căn cơ chứ không thể có đột phá. Nguồn nhân lực khác với tất cả nguồn lực khác, không thể bỗng nhiên muốn tăng chất lượng, năng suất mà được. Nhân lực trước hết là con người. Nguồn nhân lực có thể đóng góp cho đất nước phải là con người có trí tuệ và được nuôi dưỡng trí tuệ.

Thời đại chúng ta đang sống và nhất là thời đại sắp tới của các công dân thứ 90 triệu của chúng ta là thời đại tri thức. Hiện giờ giáo dục đang cần những thay đổi căn bản từ trong tư duy: đại học không còn là tinh hoa giáo dục mà đại học là đại chúng, và chỉ là một phần trong các loại hình giáo dục sau phổ thông. Và với các loại hình giáo dục sau phổ thông, mục đích không phải để người học có một nghề nghiệp, một việc làm tốt, thu nhập cao... Mục đích chân chính của giáo dục là giúp con người phát triển được bản thân, trở thành một người thật sự trưởng thành, tự lập và độc lập. Từ trong mục đích đó mới có nghề nghiệp, việc làm tốt phù hợp với sở thích, sở trường và sau đó là đóng góp cho xã hội, là nguồn thu nhập cho bản thân.

Hiện thực đáng buồn của chúng ta hiện giờ là môi trường đại học lẽ ra phải là môi trường nuôi dưỡng và phát triển những ước mơ, nay lại cạn cợt trong việc đào tạo sinh viên với mục đích ra trường tìm được một việc làm, có thu nhập cho bản thân.

Hc9m5KxP.jpgPhóng to
Sinh viên ĐH Y dược và ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hưởng ứng cuộc diễu hành - Ảnh: Thuận Thắng

Dân số đông nhưng đất nước nhỏ

* Ngoài những nỗ lực cá nhân, xét trên phương diện quốc gia thì quan trọng hàng đầu vẫn là môi trường chính sách để có thể nắm bắt được cơ hội. Trên lĩnh vực giáo dục, bà thấy cần những gì để chuẩn bị cho một lượng lớn người trẻ thật sự trưởng thành và phát triển được bản thân?

- Chắc chắn không phải chỉ là xây dựng thêm nhiều trường học, nhân lên về khối lượng cách giáo dục truyền thống, vì như thế chỉ là mang đến những cái bánh vẽ. Giáo dục cần những chủ trương mạnh mẽ để thật sự đa dạng hóa các cơ hội học tập, các ngành nghề đào tạo, thay đổi căn bản cách dạy và học để tiếp cận được với thời đại. Trao lại quyền tự chủ cho cơ sở, cho các trường, thật sự tin tưởng vào những người đang gánh trên vai sứ mệnh đào tạo, bỏ hẳn tư duy độc quyền phân phối tri thức... Và phải hiểu rõ đa dạng hóa giáo dục khác với phân tầng giáo dục. Phân tầng giáo dục như hiện nay đã khiến xảy ra những chuyện như nơi này nơi kia từ chối nhận người có bằng đại học tại chức. Đa dạng hóa giáo dục là chấp nhận nguồn nhân lực với nhiều trình độ, tạo điều kiện cho mọi người, với mọi điều kiện của mình đều có cơ hội được đi học và học cái mình thật sự yêu thích, đam mê.

Chúng ta đang sống trong một thế giới mở và chưa bao giờ các cơ hội học tập lại nhiều và đa dạng như bây giờ. Các thế hệ sau này của chúng ta ngoài việc trang bị kỹ năng ngoại ngữ, tin học tốt cần được người lớn truyền cho cảm hứng về việc học và sự nghiêm túc với việc tự học. Các em phải thấm thía rằng mình học trước hết để được là mình, để được làm người. Tương lai của đất nước gắn với tương lai của mỗi người trong ấy.

Với các sinh viên của mình, chúng tôi ngoài việc áp dụng học chế tín chỉ rất linh hoạt còn hướng dẫn các em sử dụng nguồn học liệu mở miễn phí trên Internet và luôn nhắc đi nhắc lại: “Các em có quyền quyết định việc học của mình và tự chịu trách nhiệm với quyết định đó”.

Bên cạnh giáo dục, tất nhiên các lĩnh vực khác như kinh tế, y tế, an sinh xã hội, giao thông, công trình công cộng... đều phải có những chuyển động thật nhanh, thật mạnh mới bắt kịp khối dân số khổng lồ này.

* Đúng là bà nhìn thấy thách thức và nguy cơ nhiều hơn cả cơ hội. Như vậy có phải là bi quan hay không? Với 90 triệu người, sức mạnh cộng hưởng có thể mang đến một tương lai mới và sáng?

- Tôi nghĩ mình không bi quan mà là tỉnh táo. Song song với nhận diện cơ hội, ta phải nhận diện nguy cơ để ngăn chặn. 90 triệu người là lớn và đất nước VN thì nhỏ, yếu, vì vậy không có cách nào khác là lực lượng người hùng hậu ấy phải được chuẩn bị về trí, lực và tâm thế thật sự “chín” để hội nhập quốc tế một cách chững chạc, đàng hoàng, không e ngại. Từ hội nhập, đất nước chúng ta mới có thể sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Chúng ta cũng đừng quên năm 2015 thị trường lao động ASEAN sẽ mở cửa tự do, và khi đó người lao động VN sẽ phải cạnh tranh với người lao động các nước khác ngay trên chính sân nhà của mình. Là người làm giáo dục, tôi hết sức tin vào con người. Tương lai của VN đang do 90 triệu người nắm giữ.

Chưa tận dụng được “dân số vàng”

Sáng 2-11, trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa (Q.3, TP.HCM), hơn 2.000 người đại diện cho các cơ quan ban ngành, sinh viên, học sinh và người dân TP.HCM đã tham gia đi bộ hưởng ứng sự kiện VN đạt mốc 90 triệu dân vào 0g ngày 1-11.

Tham dự buổi diễu hành, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết cuộc diễu hành không chỉ có ý nghĩa đánh dấu sự kiện VN đạt mốc 90 triệu dân mà còn là dịp kêu gọi người dân nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hướng về biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Việc cán mốc 90 triệu dân cũng là lúc VN nhìn ra những thách thức đang phải đối mặt, đó là mức sinh ở các vùng miền chênh lệch, già hóa dân số nhanh, đặc biệt chất lượng dân số còn thấp, chưa tận dụng cơ hội giai đoạn “dân số vàng”.

MINH MẪN

PHẠM VŨ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên