31/10/2013 11:34 GMT+7

Triệt tận gốc việc lợi dụng làm thủy điện để phá rừng

PGS.TS ĐẶNG NGỌC DINH (chuyên gia năng lượng)MAI HƯƠNG ghi
PGS.TS ĐẶNG NGỌC DINH (chuyên gia năng lượng)MAI HƯƠNG ghi

TT - Tôi rất mừng vì Quốc hội đã quan tâm đến thủy điện, đã cân nhắc đến mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và môi trường. Theo tôi, việc quy hoạch thủy điện tràn lan có ba nguyên nhân chính.

IvKR2VvC.jpg
PGS.TS Đặng Ngọc Dinh

Thứ nhất, do sự ấu trĩ của một số người làm khoa học cho đến các nhà quản lý, thể hiện ở chỗ xem thủy điện là hơn hết tất cả. Thủy điện không dùng than, không dùng khí, chỉ dùng sức nước - mà nước là trời cho nên giá thành rẻ. Những năm 1970, học tập Liên Xô, ta rất khuyến khích phát triển thủy điện. Thời gian đó đã có những cảnh báo, nhưng chỉ dừng lại ở việc sợ thủy điện tích nước nhiều gây vỡ đập chứ chưa hình dung đến chuyện phá rừng rồi ảnh hưởng đến môi trường.

Thứ hai, nhiều nơi, nhiều người lợi dụng làm thủy điện để phá rừng lấy gỗ. Cái này phải thật tinh và rất công tâm mới thấy được. Tại sao có rất nhiều doanh nghiệp lao vào làm thủy điện, bất chấp đó là vùng rừng núi heo hút? Bởi vì khi được làm thủy điện, họ sẽ được quyền giải phóng mấy trăm hecta rừng, họ tận thu gỗ. Ở đây có sự nhập nhằng về lợi ích. Chuyện này xảy ra có thể do mình kém cỏi về quản lý, có thể do doanh nghiệp không công tâm hoặc có sự xuất hiện của nhóm lợi ích.

Thứ ba, làm thủy điện là sự đánh đổi giữa môi trường và kinh tế. Sự đánh đổi đấy mình không tính toán cẩn thận nên cứ tưởng không có đánh đổi nhưng thật ra đánh đổi rất nhiều. Không chỉ mất gỗ mà còn gây ngập lụt, gây nguy hại cho hạ lưu, nguy hiểm cho cộng đồng dân cư.

Khắc phục được ba nguyên nhân nói trên thì từ nay về sau mới mong yên ổn. Ở các nước, đầu tiên họ loại ngay những dự án mang hơi hướm lợi ích nhóm, chỉ cân nhắc sự đánh đổi. Ngoài ra, trong quản lý của mình phải thật công tâm minh bạch, công khai. Nguyên nhân thứ ba có lẽ dễ sửa - chỉ cần tính toán cẩn thận, có hội đồng thẩm định để cân đong đo đếm giữa hiệu quả và tác hại của từng dự án xem có đáng để đánh đổi không.

Tất cả khó khăn nằm ở nguyên nhân thứ hai: phải nhìn ra ở đâu có màu sắc lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thậm chí tham nhũng trong việc lợi dụng làm thủy điện. Tôi thật sự kỳ vọng Quốc hội sẽ tập trung trí lực giải quyết triệt để, tận gốc nguyên nhân thứ hai.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Thủy điện chỉ muốn nộp tiền thay nghĩa vụ hoàn rừng Phá nhiều, trồng lại chẳng bao nhiêuCơ chế không bảo vệ được rừngKiếm cớ để lẩn tránh trách nhiệmChính thức loại thủy điện Đồng Nai 6, 6A khỏi quy hoạchBáo cáo Quốc hội việc rà soát thủy điện

PGS.TS ĐẶNG NGỌC DINH (chuyên gia năng lượng)MAI HƯƠNG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên