23/04/2013 08:49 GMT+7

Thủy điện "nuốt" rừng - Kỳ cuối: Kiếm cớ để lẩn tránh trách nhiệm

Nhóm PV
Nhóm PV

TT - Có rất nhiều lý do mà chủ đầu tư của các nhà máy thủy điện đưa ra để biện minh cho việc chưa hoặc không trồng bù lại diện tích rừng mà mình đã lấy mất.

Kỳ 1: Phá nhiều, trồng lại chẳng bao nhiêu

ltvArpKA.jpgPhóng to
Cửa xả nước của Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah (Đắk Lắk) - Ảnh: Trung Tân

Theo nghị định 23 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và phát triển rừng, các cơ quan, đơn vị được phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác (ngoài các công trình mang mục đích quốc phòng) phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng sẽ chuyển sang mục đích sử dụng khác.

Quyết không trồng lại rừng

Dựa vào nghị định có hiệu lực từ năm 2006, ông Phạm Bá Hân - phó trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 5 (quản lý ba nhà máy thủy điện Buôn Kuôp, Buôn Tua Srah và Sêrêpôk 3 tại Đắk Lắk) - cho rằng do ba nhà máy thủy điện của mình được xây dựng trước năm 2006 nên không có nhiệm vụ phải trồng bù lại rừng như quy định. Tương tự, rất nhiều chủ đầu tư những nhà máy thủy điện khác đã được xây dựng trước năm 2006 cũng vin vào lý do trên để “thoái thác” trách nhiệm trồng bù lại rừng của mình.

Đối với những nhà máy thủy điện xây dựng từ sau năm 2006 đến nay, số trồng bù lại một phần nhỏ diện tích rừng chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Đặng Văn Tuần - chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ - phân trần: “Thời gian qua, đúng là việc triển khai công tác trồng trả rừng của công ty có chậm, nhưng khó khăn lớn nhất là hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh không tìm được quỹ đất để chúng tôi trồng trả lại rừng. Theo kế hoạch, mùa mưa năm 2012 chúng tôi trồng lại 25ha rừng đầu tiên. Tuy nhiên, địa phương chỉ bố trí được 12,9ha và không tìm được nguồn đất khác để trồng diện tích còn lại”.

Ông Trà Quang Hữu - tổng giám đốc Công ty CP thủy điện Sông Ba Hạ - cho biết thủy điện Krông H’Năng mới trồng được khoảng 5ha rừng keo quanh nhà máy đặt trên địa bàn tỉnh Phú Yên, còn 175ha rừng theo quy định phải trồng trả tại tỉnh Đắk Lắk thì chưa triển khai được. “Chúng tôi làm việc với Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để xin trồng phần lớn diện tích rừng ở đó. Họ đề ra mức giá quá cao nên không thể đáp ứng được. Chúng tôi đang đàm phán lại với bên Ea Sô về giá, khi nào đạt được thỏa thuận sẽ tiến hành trồng rừng khôi phục môi trường” - ông Hữu cho hay.

Về việc chậm triển khai trồng lại rừng tại các nhà máy thủy điện trên địa bàn, ông Nguyễn Bá Thuyền, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, nói các cơ quan chức năng địa phương ít quan tâm trong công tác kiểm tra, rà soát việc trồng bù lại rừng. “Từ đó, có ai trồng bù lại rừng đâu. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh rà soát, kiểm tra và yêu cầu các chủ nhà máy thủy điện phải trồng lại rừng, nếu không thực hiện sẽ có hình thức chế tài” - ông Thuyền khẳng định.

Ông Lê Văn Minh, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng, nêu quyết tâm: “Đối với diện tích 1.879,8ha rừng chuyển sang xây dựng công trình dự án thủy điện và chưa trồng lại, sở sẽ yêu cầu các chủ dự án thực hiện ngay. Dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2013”. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng còn đề xuất: nếu không bố trí được quỹ đất trồng rừng tập trung sẽ kiến nghị yêu cầu chủ đầu tư các dự án thủy điện đóng góp bằng tiền (chưa quyết bao nhiêu/ha) vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh.

Không thiếu đất để trồng rừng

Đó là khẳng định của rất nhiều địa phương có các dự án thủy điện “nuốt” mất rừng. Chủ tịch huyện Đông Giang (Quảng Nam) Đỗ Tài nói thẳng: “Đất trồng rừng vô tư, vấn đề là họ có trồng hay không”. Còn giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam Nguyễn Thanh Quang cho biết sở sẽ có kế hoạch làm việc với chính quyền tỉnh, nếu chủ đầu tư nào không trồng lại rừng mà còn dây dưa không chuyển tiền trồng lại rừng mới, tỉnh sẽ trích quỹ ký cược của các doanh nghiệp đó để trồng bù lại diện tích rừng bị lấy mất. Nếu địa bàn nào tại Quảng Nam không còn đất để trồng rừng thay thế có thể chuyển cho địa bàn khác trong tỉnh để trồng. “Tôi nghĩ cần phải có cơ chế mạnh mẽ để buộc các chủ đầu tư nhà máy thủy điện thực hiện việc trồng lại rừng” - ông Quang nói.

Ông Nguyễn Đức Việt - chi cục phó Chi cục Lâm nghiệp, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk - thừa nhận nguyên nhân việc chậm trồng bù rừng là do các sở ngành liên quan chưa quan tâm đốc thúc các nhà máy thủy điện, diện tích đất được bố trí trồng bù đôi lúc quá xa vị trí nhà máy nên gây không ít khó khăn. “Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi UBND tỉnh để tỉnh ra quyết định yêu cầu năm nhà máy thủy điện đã vận hành nhưng chưa trồng hoặc trồng chưa đủ diện tích rừng phải trồng bù hoặc nộp tiền tương đương vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh (15 triệu đồng/ha)” - ông Việt nói thêm.

Nhìn ở góc độ chuyên môn, ông Nguyễn Thái Học, phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, cho rằng việc các chủ thủy điện nói không tìm được đất để trồng lại rừng cho thấy một “kẽ hở” trong đánh giá tác động môi trường khi cho thực hiện các dự án này. Để báo cáo đánh giá tác động môi trường dễ được phê duyệt, các chủ đầu tư hứa trồng trả nhiều diện tích rừng một cách chung chung, nhưng rồi chính họ không biết sẽ trồng trả ở đâu, khi nào. Cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cũng chỉ dựa trên các số liệu hứa trả lại rừng của chủ đầu tư mà không hỏi rằng họ trồng nơi nào. Hậu quả là các thủy điện đi vào hoạt động nhiều năm, thu lợi nhuận khủng, nhưng rừng vẫn không được trả và môi sinh bị ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng.

Phải có trồng rừng thay thế mới được khởi công công trình

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết bộ đang cho xây dựng và hoàn thiện “Thông tư hướng dẫn trồng rừng thay thế đối với các dự án khi chuyển mục đích sử dụng đất có rừng sang xây dựng công trình thủy điện, khai thác khoáng sản và các công trình xây dựng khác” theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 4-2013 sẽ ban hành thông tư.

Theo đó, việc trồng rừng thay thế được quy định chặt chẽ theo hướng phải có phương án trồng rừng được duyệt bảo đảm tính khả thi thì mới được khởi công công trình cho dự án thủy điện. Đối với những địa phương không còn đất trồng rừng thay thế thì phải nộp tiền và đưa về Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng trung ương, bộ sẽ điều phối, bố trí cho tỉnh còn quỹ đất trồng rừng thay thế thực hiện.

L.SƠN

Nhóm PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên