30/10/2013 08:44 GMT+7

Chống tham nhũng: phải tập trung bắt "hổ"

Đại biểu ĐỖ VĂN ĐƯƠNG
Đại biểu ĐỖ VĂN ĐƯƠNG

TT - “Chống tham nhũng phải tập trung vào chiến dịch bắt “hổ” chứ hiện nay chỉ toàn bắt ruồi. Nếu không thay đổi phương thức đánh, cách đánh mà cứ dàn trải lực lượng như thế thì không ăn thua” - đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) mở màn buổi thảo luận tại tổ chiều 29-10 về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.

iN3pDFtC.jpgPhóng to
Ảnh: Doãn Tấn

Ông Đỗ Văn Đương tâm tư: tình hình tội phạm bây giờ khiến người dân bất an, bất bình. Số án phát hiện không tương xứng với tình hình thực tế. Nhiều nơi người dân không còn tin vào chính quyền cơ sở nữa mà họ tự xử. Như những vụ trộm chó, dân cũng tự xử. Doanh nghiệp khai thác cát, dân chịu không nổi phải kéo ra đường.

Cứ nghĩ đến công quyền là tham nhũng

"Đến xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa mà còn tham nhũng nữa thì không còn gì để nói"

Lý giải về sự bất hợp lý trong hình phạt, đại biểu Phạm Trường Dân (Quảng Nam) nói: Con chó vài trăm nghìn đồng mà ăn trộm bị đánh chết thì xót xa quá. Tuy vậy, theo quy định của pháp luật thì trộm chó chỉ bị xử lý hành chính thôi, khó xử lý hình sự. Muốn xử lý hình sự kẻ trộm chó thì phải xử lý hành chính lần thứ nhất, tái phạm lần thứ hai và phải chứng minh được người bị hại thì mới xử lý hình sự được. Thế nên một số nơi đã có tình trạng người trộm chó bị đánh chết.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) phản ảnh: “Tham nhũng khiến người dân ngày càng không tin vào công quyền, mà người ta cứ nghĩ đến công quyền là tham nhũng. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Trong khi đó, công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta lại không đạt được nhiều kết quả. Tôi lấy ví dụ như việc kê khai tài sản được làm rầm rộ ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều đối tượng nhưng việc này rất hình thức. Bởi hiện nay mới áp dụng công khai bảng kê khai tài sản ở cơ quan, đơn vị thì rất khó, vì không có nhân viên, cấp dưới nào dám đi điều tra tài sản của lãnh đạo. Việc thiếu kiên quyết, chậm trễ trong xử lý tham nhũng cũng gây hoài nghi cho nhân dân. Người dân đặt câu hỏi là những vụ như Vinashin, Vinalines thì xử như vậy đã nghiêm chưa? Để xảy ra tình trạng tham nhũng như vậy thì ai chịu trách nhiệm, đã có người đứng đầu nào ở những nơi để xảy ra tham nhũng bị xử lý, bị cách chức chưa?”.

Chuyện tội phạm tham nhũng được cho hưởng án treo quá nhiều được nhiều đại biểu mổ xẻ. Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh - phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM - nêu ý kiến: “Nếu dư luận quá bất bình về chuyện này thì đề nghị trung ương ra một nghị quyết là tội tham nhũng không được hưởng án treo. Giống như trước đây có nghị quyết tài xế lái xe gây tai nạn chết người thì không được hưởng án treo, tòa án chúng tôi đã chấp hành rất nghiêm túc. Nhưng rõ ràng khi không cho hưởng án treo thì thực tế tai nạn giao thông đâu có giảm”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương không đồng tình: “Người dân bức xúc về tham nhũng nhiều đến như vậy mà ông tòa án cho hưởng án treo nhiều thì rõ ràng ông chỉ đáp ứng yêu cầu luật pháp mà không đáp ứng yêu cầu chính trị. Tôi đề nghị Quốc hội phải ra nghị quyết với chỉ tiêu cụ thể cho cơ quan thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, tòa án... để kiểm soát việc cho hưởng án treo. Dĩ nhiên là không cấm tiệt việc cho hưởng án treo, nhưng không thể cứ tràn lan như thế”.

Có thực quyết tâm không?

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt vấn đề: Phòng chống tội phạm nói chung và phòng chống tham nhũng nói riêng, chúng ta cứ nói quyết tâm cao mà kết quả không tương xứng thì có thực quyết tâm không? Người dân đặt ra câu hỏi như vậy. Đúng là chúng ta cần đấu tranh kiên trì, bền bỉ nhưng từng năm phải có chuyển biến, phải chứng minh được bằng số liệu. Năm nào cũng nói chưa đáp ứng yêu cầu thì người dân khó chấp nhận.

Cùng suy nghĩ này, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) băn khoăn: “Ý chí chính trị chúng ta có. Nhưng tại sao ý chí chính trị mạnh mẽ như thế nhưng thực tiễn tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng không giảm? Nếu thật sự muốn làm thì sẽ làm được. Tôi có suy nghĩ: ta cứ nói nhưng thật tâm, thật lòng mình không muốn làm”.

Về sự tê liệt của hệ thống thanh tra, kiểm soát nội bộ, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) chỉ rõ: Giám sát bên trong mới là quan trọng. Ta bây giờ giám sát bên trong là đồng lõa, tất cả đều trông vào giám sát bên ngoài.

Phải ưu tiên làm luật chống tham nhũng

Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng đề xuất cần có hệ thống phòng chống tham nhũng đủ mạnh, trực thuộc Quốc hội. “Có ý kiến nói bộ máy chống tham nhũng đầy đủ rồi, tôi cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu về bộ máy phòng chống tham nhũng. Chúng ta có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống, vị trí rất cao, tầm bao quát rất lớn, nhưng là ban chỉ đạo nên hoạt động của ban là hình thành đường lối, chủ trương, thể chế... Lâu nay ta yếu là ở tổ chức thực hiện, cần quan tâm nhiều hơn ở khâu tổ chức thực hiện, tiếp tục nghiên cứu hình thành cơ cấu phòng chống tham nhũng đủ mạnh, độc lập trực thuộc Quốc hội” - ông Hùng nói.

Cho rằng hệ thống pháp luật hiện nay còn nhiều kẽ hở tạo đất sống cho tham nhũng, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất: “Cần rà soát lại các vụ án tham nhũng đã phát hiện, xem họ tham nhũng bằng cách nào, vì sao tham nhũng được? Pháp luật còn hở chỗ nào? Từ đó, Quốc hội sẽ ưu tiên thời gian làm luật phục vụ công tác phòng chống tham nhũng. Tôi kiến nghị Quốc hội cần thiết thì tổ chức kỳ họp chuyên đề để bàn về phòng chống tham nhũng”.

Siết chặt quản lý thuốc bảo vệ thực vật

Sáng 29-10, Quốc hội nghe báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đưa vào dự thảo luật các quy định để loại bỏ dần các loại thuốc bảo vệ thực vật độc hại cho con người và môi trường.

Dự luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan. Chẳng hạn, Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp ngăn ngừa sự cố mất an toàn thực phẩm do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông sản thực phẩm; Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại đối với thuốc bảo vệ thực vật, thực vật và sản phẩm thực vật thuộc diện kiểm dịch thực vật...

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình Quốc hội dự án Luật công chứng (sửa đổi).

* Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư phápLÊ THỊ NGA:

Cần có cơ quan nhà nước về phòng chống tham nhũng

Nếu chỉ giao thanh tra chống tham nhũng là không ổn, vì thanh tra là tai mắt của thủ trưởng, công cụ của quản lý nhà nước, làm sao công cụ và tai mắt này moi trách nhiệm của thủ trưởng được. Muốn chống tham nhũng phải tổ chức cơ quan khác đứng ngoài thanh tra. Giám sát của Quốc hội cũng không thể thay cho công tác kiểm tra hằng ngày, cùng lắm chỉ tập trung một vài việc. Hiện nay chúng ta có Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, đây là cơ quan chỉ đạo của Đảng, cần có cơ quan nhà nước, tổ chức lại việc chống tham nhũng theo nguyên lý chung mà thế giới đã làm là thiết kế một bộ máy chống tham nhũng tránh xung đột về lợi ích.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

“Cứ để con hư rồi đánh đập thì không ăn thua!”Có tham nhũng trong lực lượng chống tham nhũng không?Chống tham nhũng còn hô khẩu hiệu nhiều quá Chủ tịch nước đã làm những gì rồi để chống tham nhũng? Chống tham nhũng: cơ quan công quyền phải đi đầuChống tham nhũng đừng hô hào suông Chống tham nhũng cứ luẩn quẩn

Đại biểu ĐỖ VĂN ĐƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên