Các diễn biến trước đó của bão số 11Chùm ảnh di dời dân và ứng phó với bão1g 15-10, bão còn cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi 100km
Phóng to |
Người dân làng Kim Liên, P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng qua đêm trong nhà cộng đồng để tránh bão - Ảnh: Tấn Vũ |
Trên đường Hàm Nghi, nhiều xe máy bị bỏ lại hai bên đường, có xe được chủ nhân nhét bánh xuống khe cống để không bị bão cuốn đi. Còn trên cầu Rồng, một vài người mạo hiểm đi qua đã bị bão đánh văng lên thành cầu. Nhiều cây xanh và biển quảng cáo ở các tuyến phố trung tâm đã bị bão quật ngã.
122.611 đó là số dân ở các vùng trọng yếu được di tản. |
Lúc 1g sáng 15-10, tâm bão còn cách bờ biển Quảng Trị - Quảng Ngãi khoảng 100km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13 (118-149km/giờ), giật cấp 15-16.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 11, ở trạm đảo Lý Sơn đã đo được gió giật mạnh 31m/giây (cấp 11), đảo Cồn Cỏ gió giật mạnh 20m/giây (cấp 8), ở Ba Đồn (Quảng Bình) và TP Đà Nẵng đã có gió giật mạnh 17m/giây (cấp 7), ở Thuận An (Thừa Thiên - Huế) có gió giật mạnh cấp 9. Ở các tỉnh Trung Trung bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to; một số nơi có lượng mưa lớn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 244,4mm, Nam Đông (Huế) 88,5mm, Tam Kỳ (Quảng Nam) 67mm, Đà Nẵng 61mm...
Bà Ngô Thị Mè (70 tuổi, thị trấn Lăng Cô, Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) được bộ đội biên phòng đưa đi trú ẩn đêm 14-10 - Ảnh: V.Sự |
Sóng cao 4-5m
Trước đó lúc 22g45 ngày 14-10, nhiều tuyến phố Đà Nẵng bắt đầu mất điện và đến 23g cả TP mất điện. Trên tuyến phố Trần Phú, Bạch Đằng chỉ còn lại tòa nhà Novotel, Đà Nẵng Plaza, trụ sở UBND TP, Thành ủy Đà Nẵng là còn được thắp sáng bởi hệ thống máy phát điện... Các tuyến phố còn lại hoàn toàn vắng bóng người. Tại phường Hòa Hiệp Bắc (Q.Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) mưa gió bắt đầu gào thét dữ dội.
Tại các bãi biển, những con sóng bắt đầu chồm dậy như nuốt chửng đất liền. Sóng tại cầu cảng của Nhà máy ximăng Hải Vân cao 4-5m, liên tục quật vào các bờ kè tạo nên các bức tường bằng bọt nước trắng xóa, mịt mù. Hàng trăm người dân vẫn co ro trong nhà cộng đồng tại phường. Nhiều người già ho sụ, trẻ con la khóc. Riêng tại Q. Sơn Trà, sóng biển dọc tuyến đường Hoàng Sa mỗi lúc một lên cao, gần lên đến mặt đường. Con đường độc đạo dẫn lên bán đảo Sơn Trà bắt đầu xuất hiện một số điểm lún nứt và sạt lở mới. Hàng loạt cây xanh mới trồng trên đường Lê Đức Thọ dẫn lên cầu Thuận Phước bị gió thổi rạp sát mặt đất.
Tại TP Hội An (Quảng Nam), ông Nguyễn Văn Dũng, phó chủ tịch UBND TP Hội An, cho biết: “Mực nước trên sông Hoài tại Hội An gần báo động 2, nhấn chìm các khu dân cư tại các vùng trũng thấp như phường Minh An, kể cả một số tuyến đường ở khu phố cổ”. Đến 23g15, gió giật mạnh liên hồi kèm theo những tiếng rít khủng khiếp. Trời mưa rất lớn. Nhiều mái tôn của nhà dân ở xã Cẩm Thanh bị gió quật lên đập xuống ầm ầm. Cây xanh tại nhiều đường ở Hội An, xã Cẩm Thanh, phường Cửa Đại bị gió quật gãy cành. Một số cây xanh ven biển Cửa Đại không chịu nổi bão đã bật gốc.
Còn tại Lý Sơn đến 23g đã có hơn 15 ngôi nhà dân bị tốc mái (trước đó Trường tiểu học An Hải và chợ An Hải cũng đã bị tốc mái hoàn toàn). Toàn bộ các tuyến đường chính của Lý Sơn đã bị chìm trong nước do triều cường dâng kết hợp với mưa lớn. Cây cối ngã đổ chắn ngang đường khiến việc giao thông hoàn toàn bị tê liệt.
Một người đi xe máy bị gió quật ngã trên cầu Rồng, Đà Nẵng lúc 23g ngày 14-10 - Ảnh: T.Thắng |
Bão đến, dân vẫn chủ quan
Hơn 2.000 hành khách bị hủy chuyến bay Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết do ảnh hưởng bão số 11, hãng hoãn hủy 22 chuyến bay đến/đi từ hai sân bay Đà Nẵng, Huế trong các ngày 14 và 15-10. Theo đó, ngày 14-10 VNA đã hủy 14 chuyến bay đi/đến Đà Nẵng và Huế có thời gian khởi hành từ 17g30 và tám chuyến bay trong ngày 15-10, đi/đến Đà Nẵng từ Hà Nội và TP.HCM có thời gian khởi hành trước 10g sáng. Đại diện VNA cho biết có hơn 2.000 hành khách bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi lịch bay này sẽ được hãng sắp xếp bay trong thời gian sớm nhất. L.N. |
Tại khu vực đèo Hải Vân, từ 18g tối 14-10 đã bắt đầu có gió bão mạnh dần. Cửa hầm Hải Vân phía Đà Nẵng có gió mạnh hơn, lúc này cây bắt đầu đổ chắn ngang đường và Hạt quản lý đường bộ Nam Hải Vân phải cho người ra cưa cây, dọn dẹp để không ách tắc lưu thông.
Từ 20g30, phía bắc hầm Hải Vân bắt đầu có gió giật mạnh, tuy nhiên tại thôn An Cư Đông thuộc thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế), trưởng thôn Nguyễn Văn Chiến đang vất vả đi vận động 10 hộ dân có nhà nằm sát biển cương quyết không chịu di tản vì cho rằng tâm bão sẽ vào Đà Nẵng. Đến 21g45, sau nhiều lần thuyết phục, ông Nguyễn Văn Chiến cho biết các hộ dân này đã chấp nhận di tản. Cùng thời điểm này, tại khu vực nhà mẫu giáo của giáo xứ An Cư Đông vẫn chỉ mới lác đác vài hộ dân đến trú bão, dù đây là địa điểm đã được chuẩn bị để đón dân di tản. Ông Chiến cho biết người dân đã đồng ý di tản, nhưng đa số vẫn trú tạm trong nhà hàng xóm kiên cố hơn.
Trước đó lúc 21g, gió đã bắt đầu to hơn, cảm giác cơn bão đã đến gần. Tại Ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân đặt ngay dưới chân đèo, có gần 70 phụ nữ, trẻ em và người già kéo nhau chạy vào tránh bão. Một số khác được các chiến sĩ biên phòng đồn Lăng Cô kịp đưa đến trước khi gió lớn. Bà Ngô Thị Mè (70 tuổi), một người dân tại khu phố Hải Vân, thị trấn Lăng Cô, thở hổn hển: “Tụi tui hơi chủ quan, gió mạnh lên nhanh quá, nếu mấy chú biên phòng không kịp đến đây, tối ni không biết xoay xở ra răng”. Tại đây có khá đông trẻ em, trong đó có bốn em bé sơ sinh, tại các thôn nằm áp vào lưng đèo Hải Vân đến trú. Người dân các xóm dưới chân đèo Hải Vân tỏ ra lo lắng vì cơn bão số 10 các xóm này đã bị thiệt hại nặng, dù chỉ bị ảnh hưởng của rìa cơn bão.
Lúc 20g, trong khi gió bão đang thổi mạnh cấp 7-8, tám ngư dân ở thôn Bình An 2, xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) đã rời khỏi nơi trú ẩn (tại Trường tiểu học và mầm non Lộc Vĩnh), trở lại ngủ trên thuyền, bất chấp lệnh cấm. UBND xã Lộc Vĩnh phải huy động lực lượng bộ đội biên phòng, công an và dân quân tự vệ đến tận từng thuyền cưỡng chế buộc cả tám người này lên bờ, quay lại điểm trú ẩn. Ông Bùi Ngọc Ga, chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh, cho biết những hộ dân này sợ bị mất mát tài sản nên họ bất chấp nguy hiểm quay trở về ngủ lại trên thuyền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận