11/10/2013 10:37 GMT+7

Gia đình nữ bị can chết ở trại tạm giam bức xúc việc chôn cất

DUY THANH
DUY THANH

TTO - Ngày 11-10, chị Trần Thị Huyền Nga, em gái chị Trần Thị Hải Yến (31 tuổi, ở xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), cho biết gia đình rất bức xúc khi nguyện vọng được chôn cất chị Yến ở quê nhà không được cơ quan công an giải quyết.

“Gia hạn tạm giam là áp lực ghê gớm với bị can”Một bị can chết trong nhà tạm giữ của công an

5nLGfUGy.jpgPhóng to
Gia đình đau đớn trước cái chết của chị Trần Thị Hải Yến - Ảnh: Hồng Nguyên

Chị Nga cho hay sau khi pháp y khám nghiệm thi thể chị Yến xong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên, đầu giờ chiều 8-10, gia đình chị có nguyện vọng được đưa thi thể người chết về quê ở thôn Phước Lương (xã An Cư) để lo hậu sự.

“Tuy nhiên, ông Trần Việt Cường - phó trưởng Công an huyện Tuy An - không đồng ý, mà nói với cha mẹ tôi là công an sẽ tẩm liệm, sau đó giao cho gia đình đưa về quê an táng. Ông Cường còn hướng dẫn mẹ tôi viết đơn xin cơ quan chức năng được nhận xác chị Yến về chôn cất. Lúc đó, người thân trong gia đình đã đào sẵn huyệt ở nghĩa trang thôn Phước Lương để chờ đưa quan tài chị tôi về chôn. Khoảng 16g ngày 8-10, gia đình chúng tôi rời nhà xác Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Yên để về quê lo việc chuẩn bị tang ma, chỉ có một chị gái của tôi ở lại nơi quan tài chị Yến. Khi chúng tôi đi được nửa đường thì chị tôi điện thoại nói công an đã chở quan tài chị Yến đi chôn ở nghĩa trang Thọ Vức (TP Tuy Hòa), cách nhà chúng tôi hơn 30km. Khi cả gia đình tôi đến được nghĩa trang thì việc chôn cất chị đã xong. Thật đau đớn, chị tôi bị giam gần chín tháng trời, khi chết nhiều người thân còn chưa thấy mặt, vậy mà công an không cho gia đình tôi được chôn cất chị ở quê nhà mà lại chôn cất nơi xa lạ, cách trở” - chị Nga nghẹn ngào.

Chiều 10-10, đại tá Nguyễn Trung Nghĩa - người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên - cho biết việc chôn cất chị Trần Thị Hải Yến được thực hiện theo Nghị định 89 ngày 7-11-1998 của Chính phủ về tạm giữ, tạm giam. “Các cơ quan pháp luật đã họp và thống nhất áp dụng Nghị định 89 để an táng đối với trường hợp bị can Trần Thị Hải Yến. Đây là việc làm đúng quy định pháp luật” - ông Nghĩa nói.

Khi được hỏi trong nghị định nêu trên có quy định trong trường hợp thân nhân người chết có đơn đề nghị nhận thi thể người chết để chôn cất và được chính quyền địa phương xác nhận thì có thể giải quyết cho họ, như trường hợp gia đình chị Yến đã đề nghị, thì ông Nghĩa nói đang bận họp nên chưa trả lời.

Luật sư: Cách giải quyết chưa phù hợp

Luật sư Ngô Minh Tùng (Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Có lẽ Công an tỉnh Phú Yên căn cứ khoản 1 Điều 25 Nghị định 89 có quy định “…Trường hợp thân nhân người chết làm đơn đề nghị và có xác nhận của chính quyền địa phương thì có thể bàn giao thi hài đó cho họ” để không bàn giao thi thể chị Yến cho gia đình. Bởi lẽ cụm từ “thì có thể” được hiểu là có thể bàn giao hoặc có thể không bàn giao.

Nếu gia đình có làm đơn xin nhận thi hài nhưng chưa có xác nhận của chính quyền địa phương thì cơ quan chức năng có thể hướng dẫn họ đến chính quyền xác nhận để đủ điều kiện. Nếu có một lãnh đạo Công an huyện Tuy An nhận đơn của gia đình chị Yến nhưng không chấp nhận yêu cầu thì phải giải thích chứ không thể nói gia đình về lo hậu sự, còn công an lại đem chôn nơi khác, như vậy là chưa phù hợp”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên