10/10/2013 10:32 GMT+7

"Gia hạn tạm giam là áp lực ghê gớm với bị can"

DUY THANH
DUY THANH

TT - Chiều 9-10, Ban nội chính Tỉnh ủy Phú Yên đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh Phú Yên báo cáo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can Trần Thị Hải Yến (31 tuổi, ở thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) và nguyên nhân bị can này chết.

Một bị can chết trong nhà tạm giữ của công an

uM0TBiKb.jpgPhóng to
Gia đình đau đớn trước cái chết của chị Trần Thị Hải Yến Ảnh: Hồng Nguyên

Chị Yến bị Công an huyện Tuy An bắt tạm giam từ ngày 15-1-2013 về tội “cố ý gây thương tích” vì các cơ quan tố tụng huyện Tuy An cho rằng tối 3-3-2012, chị dùng gạch ném trúng đầu người hàng xóm là ông N.T.D. (40 tuổi) làm ông này bị thương 12% (2% vĩnh viễn).

Tháng 3-2013, TAND huyện Tuy An xử sơ thẩm, tuyên phạt chị Yến 30 tháng tù. Chị Yến kháng cáo kêu oan, ngày 1-7-2013, TAND tỉnh Phú Yên xét xử phúc thẩm, nhận định quá trình điều tra cấp sơ thẩm có nhiều sai sót nên tuyên hủy án sơ thẩm, yêu cầu điều tra lại vụ án.

Trong thời gian chị Yến bị tạm giam, gia đình chị bốn lần làm đơn xin bảo lãnh chị tại ngoại nhưng các cơ quan tố tụng huyện Tuy An không đồng ý. Lúc 14g ngày 7-10, cơ quan công an công bố quyết định gia hạn thời gian tạm giam chị Yến thêm hai tháng. Ba giờ sau đó, chị Yến được cho rằng đã treo cổ tại buồng giam.

“Không cần thiết phải tạm giam bị can”

Theo hồ sơ vụ án, lúc 21g30 ngày 3-3-2012 do gia đình hàng xóm là ông N.T.D. mở karaoke hát quá lớn nên mẹ chị Yến sang đề nghị tắt máy. Sau đó, hai bên xảy ra cự cãi và ném gạch đá qua lại khiến ông D. bị thương ở đầu.

Các nhân chứng (là người hát karaoke và vợ ông D.) khai nhìn thấy chị Yến dùng gạch, đá ném trúng ông D., trong khi chị Yến và mẹ chị Yến nói rằng ông D. dùng cây đòn gánh đập vào hàng rào lưới B40 của gia đình chị rồi mất đà té ngã, bị thương.

Chị Yến bị khởi tố bị can ngày 13-11-2012. Ngày 15-1-2013, chị Yến được mời đến Công an xã An Cư để Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An làm việc. Tại đây, khi cơ quan chức năng thực hiện các thủ tục làm danh chỉ bản (làm lý lịch bị can) thì chị Yến không hợp tác nên bị cho là cản trở điều tra, dẫn đến việc bắt tạm giam.

Luật sư Ngô Minh Tùng (Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên) cho rằng: “Vụ án xảy ra ngày 3-3-2012, chị Yến đã bị cơ quan chức năng triệu tập nhiều lần trong giai đoạn tiền tố tụng và bị bắt tạm giam hơn 250 ngày, do vậy việc bị gia hạn tạm giam thêm hai tháng là một áp lực ghê gớm đối với bị can”.

Ông Tùng nêu quan điểm: “Bản án phúc thẩm đã hủy bản án sơ thẩm, đồng thời có nhận định về những sai sót, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, thì lẽ ra khi gia đình bị can xin bảo lãnh tại ngoại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tuy An nên ra quyết định thay đổi biện pháp ngăn chặn. Bởi vì theo quy định tại điều 92 Bộ luật tố tụng hình sự, bị can phạm tội lần đầu, tính chất ít nghiêm trọng, có nơi cư trú rõ ràng, thái độ khai báo thành khẩn thì được cho bảo lãnh tại ngoại. Trường hợp chị Yến, sau khi tòa phúc thẩm hủy án sơ thẩm, chị chưa phải là người có tội, nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự. Vì thế theo tôi, không cần thiết phải tạm giam bị can”.

Cũng theo luật sư Tùng, trên thực tế, một vụ án mà cơ quan tố tụng có nhiều sai sót nghiêm trọng thủ tục tố tụng trước đó thì quá khó để có thể điều tra lại đúng thực tế khách quan khi không gian, thời gian đã thay đổi, chỉ trừ trường hợp cố tình hợp thức hóa để chữa cháy cho cái đã sai!

Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Thanh - viện trưởng Viện KSND huyện Tuy An - cho rằng: “Việc bắt tạm giam bị can Trần Thị Hải Yến, các cơ quan tố tụng huyện Tuy An xét thấy có đủ điều kiện để thực hiện việc này”. Khi được đặt câu hỏi có cần thiết phải tiếp tục tạm giam và gia hạn tạm giam hai tháng đối với chị Yến khi tòa phúc thẩm đã tuyên hủy án sơ thẩm vì nhiều sai sót trong quá trình điều tra, truy tố, gia đình chị Yến có đơn xin bảo lãnh... ông Thanh nói: “Gia đình xin bảo lãnh bị can nhưng cho hay không là quyền của các cơ quan tố tụng, luật đã quy định như thế. Chúng tôi thấy rằng cần gia hạn tạm giam bị can vì việc điều tra vụ án đang tiếp diễn chứ chưa dừng lại”.

Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa - người phát ngôn Công an tỉnh Phú Yên - cho hay hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang điều tra, đến chiều 9-10 chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân dẫn đến cái chết của bị can Trần Thị Hải Yến.

“Oan ức của người dân phải được phân giải”

Bên ngôi mộ chị gái được cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên an táng ở nghĩa trang Thọ Vức (TP Tuy Hòa, cách nhà chị Yến gần 30km), chị Trần Thị Huyền Nga, em gái chị Yến, nghẹn ngào: “Khi phiên tòa phúc thẩm tuyên hủy án sơ thẩm, gia đình chúng tôi vui mừng lắm vì nghĩ chị Yến sẽ được giải oan. Ba má tôi vội vàng làm đơn xin bảo lãnh chị tại ngoại vì nghĩ rằng cơ quan điều tra thấy những sai sót của họ mà giải quyết, nhưng cơ quan điều tra không chấp thuận. Có ai ngờ chị còn bị gia hạn tạm giam thêm để rồi phải chết khi nỗi oan ức chưa được giải”.

Chị Nga uất ức nói thêm: “Chị tôi mất rồi nhưng gia đình tôi không mang được chị về để an táng tại nghĩa trang gần nhà, vì cơ quan chức năng áp dụng luật lệ gì đấy để chôn cất chị ở nơi xa xôi thế này. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh phải làm rõ và xử lý những cá nhân, tổ chức để xảy ra những sai sót trong quá trình điều tra vụ án liên quan đến chị tôi. Khi khám nghiệm thi thể chị Yến, gia đình đã không đồng ý để ông giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên tham gia vì trước đó ông này là người giám định thương tật cho ông N.T.D. mà chúng tôi nghi là không khách quan”.

Cùng ngày, ông Nguyễn Thái Học - trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy Phú Yên - cho biết: “Theo nhận định của bản án phúc thẩm, quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm có nhiều sai sót; chưa có đủ chứng cứ để buộc tội chị Trần Thị Hải Yến. Những sai sót này cần được xác minh để khẳng định ai là người gây thương tích cho ông D.. Dù bị can Yến đã chết nhưng vụ án không phải vì thế mà khép lại. Trên tinh thần công lý phải được bảo vệ, oan ức của người dân phải được phân giải, chiều 9-10 Ban nội chính Tỉnh ủy đã có văn bản yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh báo cáo quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với bị can Yến và nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị Yến. Trên cơ sở báo cáo đó, Ban nội chính Tỉnh ủy sẽ thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình để phối hợp với các cơ quan chức năng làm sáng tỏ sự thật vụ án”.

Những sai sót trong quá trình điều tra cấp sơ thẩm

- Không ghi lời khai một công an xã An Cư và trưởng thôn Phước Lương là những người có mặt tại hiện trường sau khi vụ việc xảy ra.

- Không ghi lời khai của một công an huyện Tuy An và một công an xã An Cư về việc chị Yến viết giấy tường trình nhận hành vi ném đá trúng ông D. nhưng sau đó lấy lại giấy này vò nát và nói không biết gì về vết thương của ông D..

- Không thực nghiệm điều tra để xác định cơ chế hình thành vết thương của ông D., không dựng lại hiện trường vụ án.

- Chưa làm rõ được vì sao trong hồ sơ bệnh án của ông D. có dấu gạch, xóa, bổ sung nội dung có liên quan đến vết thương do bị đánh, ném đá cũng như làm rõ mâu thuẫn trong hồ sơ bệnh án, phiếu khám vào viện và giấy chứng nhận thương tích.

- Việc thu thập vật chứng, niêm phong vật chứng và thu giữ vật chứng không đầy đủ.

- Việc sửa chữa, bổ sung lời khai của nhân chứng không đúng thủ tục hoặc lấy lời khai nhiều nhân chứng cùng một lần, cùng một biên bản là không đúng quy định, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chứng cứ, xác định sự thật khách quan của vụ án...

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên