Chậm đấu thầu thuốc gây khó cho bệnh việnBệnh viện lo thiếu thuốcKhông để bệnh viện thiếu thuốc
Phóng to |
Nhà thuốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) bán thuốc theo toa của bác sĩ (ảnh chụp sáng 24-8) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Báo cáo với PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP.HCM - về phản ảnh thiếu thuốc của bệnh nhân trên báo Tuổi Trẻ ngày 24-8, bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 - nói bệnh viện luôn cố gắng cung ứng đủ thuốc cho người bệnh, không để người bệnh thiếu thuốc. Tại khu vực ngoại trú, bác sĩ kê đơn theo phác đồ và danh mục thống nhất toàn bệnh viện. Danh mục thuốc này đảm bảo cung ứng đủ cho tất cả các bệnh lý nhi khoa phổ biến. Danh mục thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) hiện tại cũng đáp ứng nhu cầu điều trị.
Đủ thuốc
Theo bác sĩ Thanh Hùng, thuốc bệnh viện cung ứng có hai mảng là nội trú và ngoại trú. Riêng mảng nội trú, theo chỉ đạo của UBND TP và Sở Y tế, bệnh viện đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân, không để thiếu thuốc. Bệnh viện cũng đang lập danh mục thuốc áp thầu theo kết quả của Bệnh viện Chợ Rẫy. Việc lập danh mục này đã gần xong, dự kiến đầu tuần sau gửi Sở Y tế để sở tập hợp trình UBND TP phê duyệt. Riêng thuốc dự trữ, bệnh viện vẫn có đủ điều trị cho bệnh nhân.
Đối với khu vực ngoại trú, bác sĩ Thanh Hùng nói có hai đối tượng chính đến khám bệnh là khám bệnh BHYT và khám thường. Bệnh viện cũng có hai nhà thuốc, một nhà thuốc cung cấp thuốc chung cho bệnh viện và một nhà thuốc cung cấp cho bệnh nhân. Nhà thuốc cung cấp chung cho bệnh viện có đầy đủ thuốc trong danh mục. Tuy nhiên, có một vài trường hợp đặc biệt thuốc vẫn chưa có trong danh mục. “Có những thuốc dự trù đến ngày đó là hết thì bệnh viện thực hiện chỉ đạo của sở là thương thảo với các công ty để mua. Như một số thuốc cấp cứu, bệnh viện xin tổ chức xã hội mua thuốc bằng tiền mặt để cung ứng đủ cho bệnh nhân” - ông Thanh Hùng nói.
Về phản ảnh thiếu thuốc của bệnh nhân, bác sĩ Thanh Hùng nói có một vài loại thuốc bệnh viện không thể cung ứng cho bệnh nhân BHYT vì hai nguyên nhân: một là thuốc không có trong danh mục thuốc theo thông tư 31 của Bộ Y tế như các thuốc xirô Pectol, Daygra; hai là thuốc bị rớt thầu cũng không được cơ quan Bảo hiểm xã hội TP đồng ý thanh toán như xirô Ceelin. Những thuốc này bệnh viện đã cung ứng đầy đủ tại nhà thuốc bệnh viện, bệnh nhân có thể mua ngay tại nhà thuốc bệnh viện chứ không phải không có thuốc. Thực tế là do nhà thuốc quá đông nên một số ít người nhà bệnh nhi bỏ ra nhà thuốc bên ngoài mua. Theo bác sĩ Thanh Hùng, qua việc phản ảnh của bệnh nhân, bệnh viện sẽ rà soát lại, rút kinh nghiệm trong việc thông tin và giải thích cho người bệnh hiểu rõ các vấn đề và hướng dẫn người nhà đến nhà thuốc bệnh viện để mua.
Đảm bảo quyền lợi cho bệnh nhân
Trao đổi với PV Tuổi Trẻ về vấn đề cung ứng thuốc ở bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định hiện nay các bệnh viện TP không thiếu thuốc. Trong trường hợp khẩn cấp, giám đốc các bệnh viện có thể gọi điện thoại đường dây nóng trực tiếp lên Sở Y tế để sở làm việc với công ty dược. Sở Y tế sẽ xin cơ chế đặc biệt của UBND TP để mua thuốc chứ không để thiếu thuốc, nhằm đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân được điều trị thuốc có chất lượng với giá cả hợp lý.
Theo PGS Tấn Bỉnh, là người đứng đầu ngành y tế TP, ông chịu trách nhiệm về việc phải đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho bệnh nhân. Trong khi chờ kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2013, sở đã chỉ đạo các bệnh viện lập danh mục thuốc áp thầu kết quả của Bệnh viện Chợ Rẫy theo chỉ đạo của UBND TP gửi về sở. Khi danh mục được duyệt xong thì chắc chắn các bệnh viện sẽ được thanh toán. “Chủ trương áp kết quả thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy, UBND TP đã có rồi. Sở Y tế TP cũng có chỉ đạo các bệnh viện rồi. Các bệnh viện hiện đang cật lực lập danh mục thuốc áp thầu để gửi về Sở Y tế. Chậm nhất là cuối tuần sau Sở Y tế TP sẽ trình UBND TP phê duyệt. Cho đến giờ này chưa có bệnh viện nào gửi hồ sơ mua thuốc lên kho bạc thanh toán. Nếu bệnh viện nào không thanh toán được thì trách nhiệm thuộc về tôi” - PGS Tấn Bỉnh nhấn mạnh.
Về việc chưa tổ chức đấu thầu thuốc tập trung xong, ông Bỉnh nói do trung tâm mua sắm mới tổ chức đấu thầu tập trung lần đầu, số lượng thuốc lớn và một số bệnh viện chưa hoàn thiện danh mục gửi lên. Sau đó Sở Y tế còn phải sàng lọc lại danh mục và họp hội đồng chuyên môn (có cả một số bệnh viện đại diện tham dự) xem xét, rút lại danh mục thuốc hợp lý nhất, đúng theo phác đồ điều trị, theo y học chứng cứ để có những loại thuốc đảm bảo chất lượng, đáp ứng điều trị, giá cả hợp lý phục vụ bệnh nhân. Theo ông Bỉnh, trong việc tổ chức đấu thầu thuốc tập trung, nếu ai làm sai thì người đó chịu trách nhiệm. Thậm chí nếu sai trầm trọng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Như Tuổi Trẻ đã thông tin, đầu tháng 8-2013 một số bệnh viện có báo cáo Sở Y tế TP.HCM về tình hình dự trù và cung ứng thuốc năm 2013. Báo cáo của một số bệnh viện nói rõ có những mặt hàng thuốc đã hết số lượng sử dụng hoặc sẽ hết trong tháng 8-2013. Trong các bài viết của Tuổi Trẻ có nêu ý kiến của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Hứa Ngọc Thuận và giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh khẳng định các bệnh viện TP không thiếu thuốc. Đối với kiến nghị của Sở Y tế (văn bản ngày 24-7-2013) gửi UBND TP: “Đối với các thuốc nằm ngoài kế hoạch đấu thầu thuốc năm 2012 mà đơn vị có nhu cầu mua sắm... thì cho phép đơn vị được mua sắm trực tiếp theo kết quả trúng thầu 2013 của các đơn vị trên địa bàn TP và tỉnh, thành khác”, phó chủ tịch UBND TP đã có bút phê chỉ đạo trực tiếp vào văn bản này là “Lấy kết quả đấu thầu của Bệnh viện Chợ Rẫy vừa có kết quả xét chọn”. Ngày 2-8, Văn phòng UBND TP có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của UBND TP. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận