Phóng to |
Ông Phạm Ngọc Thế chỉ mua được 3/5 loại thuốc tại nhà thuốc bệnh viện, còn hai loại ông phải ra nhà thuốc tư nhân bên ngoài mua - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Phóng to |
Bệnh nhân mua thuốc theo đơn bác sĩ tại một nhà thuốc bệnh viện ở TP.HCM - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN |
Tình trạng thiếu thuốc bắt đầu xảy ra từ cuối tháng 7 đầu tháng 8-2013.
Hết nhiều loại thuốc
Ông Nguyễn Huy Dũng - giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP.HCM - nói hiện bệnh viện đang thiếu hơn 100 mặt hàng thuốc. Tuy nhiên, ông Dũng khẳng định dù thiếu nhưng bệnh viện không để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc mà tìm những loại thuốc khác thay thế. Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP cho hay hiện bệnh viện đang thiếu ba loại thuốc. Nhưng đến đầu tháng 9 bệnh viện sẽ bị thiếu khoảng 20% trong số hơn 300 mặt hàng thuốc đang sử dụng tại bệnh viện.
Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP cho biết hiện bệnh viện đã hết gần 20 loại thuốc sử dụng trong điều trị nội khoa. Đơn cử thuốc Ventolin dạng phun khí dung điều trị bệnh suyễn đã hết, bác sĩ phải kê toa cho bệnh nhân ra ngoài mua. Đối với kháng sinh đặc trị, có mặt hàng chỉ cầm cự được đến hết tháng 8. Hiện bệnh viện đang sử dụng 500-600 loại thuốc nhưng nếu không có giải pháp khắc phục thì trong vòng hai tuần nữa, khoảng 50% mặt hàng thuốc đang sử dụng trong bệnh viện sẽ hết.
Ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi, bác sĩ Nguyễn Minh Thành - giám đốc bệnh viện - nói đang thiếu khoảng 30 loại thuốc hết sức cần thiết trong điều trị. Hiện bệnh viện đang phải mua trực tiếp một số loại thuốc để phục vụ bệnh nhân. “Chúng tôi đang thấp thỏm, nếu không có giải pháp tháo gỡ thì bệnh nhân sẽ rất khổ” - bác sĩ Thành bày tỏ lo lắng. Theo ông Thành, hiện bệnh viện chưa có cách nào tháo gỡ mà đang chờ TP có chủ trương để thực hiện theo.
Bệnh nhân phải ra ngoài mua thuốc
Đề nghị rút ngắn thời gian xét duyệt kế hoạch đấu thầu thuốc Ngày 14-8, đại diện khoa dược Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho hay dù đã là tháng 8-2013 nhưng bệnh viện này vẫn đang sử dụng danh mục thuốc trúng thầu của năm 2012, còn danh mục trúng thầu năm 2013 nhanh nhất phải tháng 9-2013 mới có thể công bố. Theo vị này, thông thường gói thầu năm 2012 chỉ có giá trị trong năm, nhưng với tình hình chậm trễ như hiện nay thì thời điểm đấu thầu đã muộn mất tám tháng. Lý do là Bộ Y tế xét duyệt kế hoạch thầu quá chậm, thông thường phải mất khoảng sáu tháng, khiến thời gian bệnh viện tổ chức đấu thầu bị chậm. “Bộ Y tế nên xem xét giảm thời gian xét duyệt”- vị này cho biết. Trong khi đó, việc công bố danh mục thuốc gốc sau khi thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc vào bệnh viện có hiệu lực (tháng 6-2012) khá chậm, khiến bệnh viện ở khu vực Hà Nội thiếu thuốc. Theo Ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội VN), tình trạng thiếu thuốc do danh mục thuốc gốc ban hành chậm diễn ra suốt những tháng đầu năm 2013. Một tình trạng phổ biến nữa là thuốc có trong danh mục được bảo hiểm y tế chi trả nhưng không trúng thầu, nên bệnh nhân phải đi mua ngay ở nhà thuốc bệnh viện. Với những trường hợp như thế này, quy định hiện hành là bệnh nhân vẫn được chi trả, nhưng phải mang hồ sơ, giấy tờ lên... Bảo hiểm xã hội tỉnh thành, gây khó khăn cho bệnh nhân, chả lẽ vì vài viên thuốc mà chạy hàng trăm cây số lên tỉnh. Nhưng muốn “mở” cho bệnh nhân thì thuốc trúng thầu có khi bác sĩ lại không kê mà kê thuốc không trúng thầu. |
Theo lãnh đạo một số bệnh viện, chưa bao giờ các bệnh viện lại rơi vào tình cảnh như hiện nay. Đúng ra từ tháng 6-2013 phải có kết quả đấu thầu thuốc tập trung cho các bệnh viện mua thuốc, nhưng đến nay chưa có. Các bệnh viện đều phải cố gắng cầm cự thêm một, hai tháng nữa, nhưng bây giờ đã giữa tháng 8 mà vẫn chưa thấy có chỉ đạo nào của Sở Y tế về việc mua thuốc, khiến các bệnh viện luôn thấp thỏm vì rơi vào tình trạng thiếu thuốc hoặc sắp hết thuốc.
Nếu tình trạng chưa có kết quả đấu thầu thuốc kéo dài mà không có biện pháp tháo gỡ, thời gian tới mỗi bệnh viện sẽ thiếu ít nhất hàng trăm loại thuốc. Đối với người bệnh bình thường đến bệnh viện khám bệnh mà phải mang toa ra ngoài mua thì gây phiền hà cho họ. Còn bệnh nhân bảo hiểm y tế mà không có thuốc cấp thì người bệnh sẽ phản ứng, bệnh viện cũng nhức đầu vì không biết giải quyết ra sao.
Trước tình trạng thiếu thuốc hiện nay, Bệnh viện An Bình buộc phải để bệnh nhân tự bỏ tiền ra ngoài mua thuốc theo toa bác sĩ, rồi sau đó đến Bảo hiểm xã hội TP thanh toán lại. Đại diện Bệnh viện An Bình cho biết tình trạng thiếu thuốc đã chất thêm nỗi vất vả cho bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Dù biết vậy nhưng bệnh viện không thể làm cách nào khác vì không phải thuốc nào bệnh viện cũng được quyền dùng tiền mặt ra ngoài mua trực tiếp...
Lãnh đạo một bệnh viện chuyên khoa còn khẳng định nếu tình hình thiếu thuốc chưa có giải pháp tháo gỡ, bệnh viện sẽ đề xuất phương án chỉ cấp thuốc năm ngày cho bệnh nhân ở TP và bảy ngày cho bệnh nhân ở tỉnh vì thuốc dự trữ không đủ cấp cho bệnh nhân. Trong khi đó, một bác sĩ của Bệnh viện Nhi Đồng 1 phân tích khi bệnh viện thiếu thuốc, có một giải pháp tình thế được nhiều bệnh viện áp dụng là tìm thuốc khác thay thế. Tuy nhiên, thuốc thay thế thường không có nhiều ưu điểm như loại thuốc đã được hội đồng thuốc bệnh viện chọn sử dụng.
Các bệnh viện đều cho rằng để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, UBND TP nên chấp nhận cho gia hạn kết quả đấu thầu của năm 2012 thêm một thời gian nữa hoặc cho đấu thầu trực tiếp để rút ngắn thời gian làm thủ tục. Ngoài ra, TP nên cho phép bệnh viện mua thuốc bằng tiền mặt trực tiếp để giải quyết vấn đề thiếu thuốc trước mắt.
Trước thực tế nhiều bệnh viện lo lắng thiếu thuốc như vậy nhưng chiều 14-8, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - giám đốc Sở Y tế TP - lại cho rằng tình hình sử dụng thuốc của các bệnh viện vẫn ổn định, hoàn toàn không có chuyện thiếu thuốc.
3-4 tháng nữa mới đấu thầu xong
Theo ghi nhận của chúng tôi, hợp đồng mua sắm thuốc năm 2012 của hầu hết bệnh viện công lập thuộc Sở Y tế TP.HCM đã hết hạn từ tháng 3-2013. Trong lúc các bệnh viện đấu thầu thuốc riêng lẻ thì ngày 14-5, UBND TP chỉ đạo Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế TP (trực thuộc Sở Y tế) thực hiện đấu thầu tập trung mua sắm thuốc năm 2013 cho toàn ngành y tế TP. Trong lúc chờ kết quả đấu thầu tập trung, Sở Y tế TP đã xin UBND TP cho phép các bệnh viện được thương lượng với các công ty dược phẩm gia hạn hợp đồng đấu thầu thuốc năm 2012 để mua thuốc cho đến tháng 6-2013.
Tuy nhiên, trong văn bản ngày 24-7 gửi Bộ Y tế báo cáo việc mua thuốc năm 2013, Sở Y tế TP cho biết hiện nay Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công đang tiến hành các thủ tục tổ chức đấu thầu, dự kiến khoảng tháng 11 đến tháng 12-2013 có kết quả đấu thầu thuốc tập trung năm 2013. Cùng thời gian này, Sở Y tế TP có công văn kiến nghị UBND TP cho phép các bệnh viện được tiếp tục ký hợp đồng với nhà cung cấp đã ký hợp đồng mua bán thuốc năm 2012 với bệnh viện cho đến khi có kết quả đấu thầu tập trung năm 2013 để các đơn vị được mua và có thuốc sử dụng từ tháng 7-2013 cho đến khi có kết quả đấu thầu mới... Tuy nhiên ngày 2-8-2013, Văn phòng UBND TP có văn bản gửi Sở Y tế TP chỉ đạo “không chấp thuận đề nghị của Sở Y tế tại công văn nêu trên”. UBND TP còn đề nghị Sở Y tế TP cần nghiên cứu các thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Tài chính để thực hiện việc đấu thầu mua thuốc y tế và mua vật tư tiêu hao năm 2013 theo đúng quy định.
Khi biết UBND TP bác kiến nghị của Sở Y tế TP, nhiều bệnh viện tỏ ra lo lắng nguy cơ thiếu thuốc chắc chắn sẽ xảy ra trên diện rộng với số lượng lớn vì còn 3-4 tháng nữa Sở Y tế mới đấu thầu tập trung xong.
________________________________________________
7 tháng, trung tâm đấu thầu chưa có giám đốc
Ngày 24-1, UBND TP.HCM có quyết định thành lập Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công của ngành y tế thành phố theo phương thức tập trung, trực thuộc Sở Y tế. Theo quyết định thành lập, trung tâm có nhiệm vụ tham mưu cho sở về việc mua sắm, cung ứng và điều phối hàng hóa (gồm thuốc, hóa chất, vật tư y tế), trang thiết bị chuyên dụng phục vụ phòng bệnh, khám chữa bệnh của các đơn vị y tế công lập; quản lý, cung ứng và điều phối hàng hóa, trang thiết bị y tế chuyên dụng theo kế hoạch hoặc theo yêu cầu đột xuất...
Tuy nhiên, đến nay đã hơn bảy tháng từ ngày có quyết định thành lập, trung tâm này vẫn chưa có giám đốc để điều hành thực hiện các nhiệm vụ nói trên. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc tổ chức đấu thầu tập trung bị chậm trễ.
__________________________________________
Bệnh viện dùng “nước biển” quá đát Người nhà bệnh nhi Phan Ngô Đăng Khoa (11 tuổi, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) phản ảnh Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ đã dùng “thuốc” quá đát cho con anh và hai bệnh nhi trong quá trình bé điều trị tại khoa nhiễm. Đó là gói Hydrite (gói “nước biển” khô bù muối) có hạn sử dụng ngày 1-8-2013. Trong quá trình điều trị dài ngày ở đây (từ ngày 29-7), gia đình đã không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế mà điều trị đóng tiền dịch vụ, đến nay bệnh vẫn không thuyên giảm. Ngày 14-8, gia đình yêu cầu chuyển viện lên tuyến trên ở TP.HCM theo dõi và đặt vấn đề có chăng các loại thuốc quá đát đã ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ - cho hay bệnh nhân bị tiêu chảy kéo dài phải kiên trì trong điều trị. Riêng về gói Hydrite không phải thuốc điều trị, mà chỉ là dùng để uống bù nước cho bệnh nhân tiêu chảy nên không ảnh hưởng đến quá trình điều trị. Có lẽ do khoa dược sơ suất chưa rà kỹ hạn dùng các loại này nên đã phát cho khoa sử dụng. Bệnh viện sẽ kiểm tra và chấn chỉnh. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận