10/08/2013 18:34 GMT+7

Chính quyền đô thị: người dân được lợi gì?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TTO - Tại hội nghị nhằm cung cấp thông tin chính thức về đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP cho đại biểu HĐND TP.HCM ngày 10-8, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết sau hội nghị này sẽ tổ chức lắng nghe ý kiến nhân dân bằng những hình thức thích hợp.

Bốn thành phố trong TP.HCMNên cho thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ 2014Không được đem dân ra thí điểm

zVwh5jLY.jpgPhóng to
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu tại Hội nghị nghe báo cáo đề án thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị TP.HCM sáng 10-8 - Ảnh: Minh Đức
0j0SJ41W.jpgPhóng to
Đại biểu Lâm Thiếu Quân đóng góp một số ý kiến tại hội nghị sáng 10-8 - Ảnh: Minh Đức

Đồng thời HĐND sẽ tiếp tục tổ chức một số hội nghị để lắng nghe ý kiến về đề án của các đại biểu chuyên trách HĐND TP; các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, thường trực HĐND các khóa… Tiếp theo đó, thường trực HĐND TP cũng sẽ triệu tập một kỳ họp bất thường để HĐND TP cho ý kiến về đề án.

Tại hội nghị nói trên, đại diện ban biên tập đề án đã tiếp nhận và giải thích nhiều câu hỏi của đại biểu, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết hình thành chính quyền đô thị TP, nhu cầu phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương và nâng cao hơn nữa tính tự chủ, tự chịu của các cấp chính quyền…

Một trong những điểm mới của mô hình chính quyền đô thị ở TP là xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị với đề xuất hình thành bốn TP thuộc TP.HCM (tạm gọi là TP Đông, Tây, Nam, Bắc).

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Tấn Ngời - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP - cho rằng khi trình bày đề án ra dân, cần cho dân biết rõ lợi ích của dân như thế nào khi thực hiện đề án. “Nên lấy ý kiến người dân về xây dựng chính quyền đô thị, không chỉ lấy ý kiến của các sở ngành hoặc các tổ chức vì chúng ta luôn nói nhà nước của dân, do dân, vì dân thì quyết định phải là dân” - ông Ngời nói. Ông cũng cho biết Ủy ban MTTQ VN TP sẽ tổ chức lắng nghe nhân sĩ, trí thức… phát biểu về đề án trong tuần tới.

“Tôi đọc mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đề xuất giống như con mèo tam thể, nhìn rất đẹp nhưng thấy sao rối rắm. Khi chính thức đưa đề án ra HĐND TP, tôi sẽ có lập luận về vấn đề này”.

(ông Nguyễn Thanh Chín - ủy viên thường trực HĐND TP.HCM)

Nói rõ là nêu ý kiến cá nhân, ông Nguyễn Thanh Chín - ủy viên thường trực HĐND TP - đặt vấn đề hiện TP đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Tuy nhiên, trong mô hình chính quyền đô thị như đề xuất thì bốn TP (Đông, Tây, Nam, Bắc) lại tổ chức HĐND và cấp HĐND này so với HĐND quận huyện trước đây có tương đương nhau không, có thẩm quyền quyết định những gì… Ông Chín cũng nêu băn khoăn thứ hai là chi phí xây dựng cho các TP mới đề xuất, các nhà kinh tế cần tính toán...

Theo ông Trịnh Xuân Thiều (đại biểu HĐND TP), đề án chính quyền đô thị đã được mong đợi từ lâu, lần này đưa ra đề án khá cụ thể. Một trong hai câu hỏi mà ông Thiều đặt ra là hiệu quả kinh tế - xã hội (của mô hình chính quyền đô thị) so với chính quyền hiện tại như thế nào? Kể cả trong đảng bộ và dân cũng muốn chứng minh được điều này.

Ông Lâm Thiếu Quân (đại biểu HĐND TP) cũng đặt ra những câu hỏi thực tế: “Tôi đọc gần hết nội dung đề án nhưng chưa thấy người dân sẽ được lợi gì trong quá trình này (thực hiện chính quyền đô thị). Khi tổ chức theo mô hình mới sẽ phát sinh bao nhiêu chi phí, bao nhiêu nhân sự…”.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên