26/07/2013 09:30 GMT+7

Thu nhập của người lao động: Mối quan tâm hàng đầu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Ban chấp hành Tổng liên đoàn Lao động VN đánh giá như vậy trong báo cáo trình Đại hội công đoàn VN lần thứ XI (diễn ra tại Hà Nội từ ngày 27 đến 30-7).

avfOch56.jpgPhóng to

Khu nhà trọ của công nhân kề cận Khu chế xuất Linh Trung 2, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức (TP.HCM) - Ảnh: N.C.T.

Bản báo cáo được Chủ tịch TLĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng nhận định là thẳng thắn để đại hội thảo luận, tìm biện pháp đổi mới hoạt động của tổ chức công đoàn cũng như để Đảng, Nhà nước tiếp tục hoàn thiện chính sách nhằm cải thiện đời sống mọi mặt của người lao động.

Một bộ phận thờ ơ với tình hình đất nước

Không tặng hoa đại hội

Giấy mời dự Đại hội Công đoàn VN lần thứ XI ghi rõ: “Không tặng hoa đại hội, nếu đại biểu có nhã ý tặng hoa xin vui lòng chuyển thành tiền vào Quỹ tấm lòng vàng”.

Báo cáo của TLĐLĐ cho biết hiện cả nước có 50,3 triệu người đang làm việc trong các thành phần kinh tế, trong đó có 15 triệu người làm công, hưởng lương.

Đội ngũ lao động nước ta có trình độ học vấn, nghề nghiệp khá hơn trước, có khả năng tiếp cận với khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại. Tỉ lệ lao động đã qua đào tạo là 42%, đã qua đào tạo nghề khoảng 30%.

Đa số lao động có ý thức chính trị, tin tưởng, ủng hộ đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; có tinh thần yêu nước, đoàn kết; có ý thức vươn lên, cố gắng học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, chuyên môn, nghiệp vụ.

“Tuy nhiên, một bộ phận lao động còn thờ ơ, không quan tâm đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội đất nước; còn hạn chế về nhận thức chính trị, nhận thức về Đảng, về giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn, hiểu biết chưa đầy đủ về pháp luật, chính sách; thiếu kiến thức thực tiễn, ý thức trách nhiệm chưa cao; cán bộ quản lý và chuyên gia giỏi, công nhân kỹ thuật cao chưa nhiều; trình độ nghề nghiệp của khá đông lao động trực tiếp sản xuất còn thấp, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm làm việc, thể lực chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất công nghiệp, kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp yếu, một số còn mắc tệ nạn xã hội” - TLĐLĐ VN đánh giá.

Ông Tùng khẳng định vấn đề lương, thu nhập của người lao động chính là mối quan tâm hàng đầu của cá nhân ông và TLĐLĐ VN trong nhiều năm qua và tổ chức công đoàn đã đấu tranh trong mọi cơ hội có thể để tăng mức lương tối thiểu cho người lao động.

TLĐLĐ VN đánh giá: từ năm 2008 đến nay mức lương tối thiểu đã được điều chỉnh năm lần, tăng trung bình hơn 20% mỗi năm nhưng chưa được cải tiến, đổi mới cơ bản nên còn nhiều mâu thuẫn và bất hợp lý. Mức lương tối thiểu thấp, chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.

“Chính sách lương chưa khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ; tiền lương của cán bộ lãnh đạo, quản lý ở một số doanh nghiệp quá cao so với hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự bất hợp lý và khoảng cách thu nhập lớn trong xã hội” - báo cáo nhấn mạnh.

Lo ngại về điều kiện sống, làm việc

Theo ông Tùng, tuy rằng kinh tế đất nước vẫn tăng trưởng trong những năm qua nhưng đời sống của người lao động chậm được cải thiện. Họ đang phải đương đầu với rất nhiều khó khăn: chỉ khoảng 5% người lao động được lưu trú trong các khu nhà do nhà nước, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, còn lại hàng chục vạn lao động vẫn phải thuê chỗ ở, sống trong các khu nhà tạm bợ, thiếu thốn, không đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu, không an toàn và dễ phát sinh các tệ nạn xã hội. Nhiều khu công nghiệp không có nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, nhà trẻ, trường mẫu giáo phục vụ việc nuôi dạy, học tập cho con em người lao động.

Báo cáo của TLĐLĐ VN cũng nêu những điều đáng quan ngại về điều kiện làm việc và vấn đề tai nạn lao động. Công nhân, lao động vẫn phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm, nặng nhọc, độc hại, môi trường bị ô nhiễm, không đảm bảo các điều kiện về an toàn lao động, vệ sinh lao động.

Trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có tới 66% số cơ sở sản xuất bị ô nhiễm môi trường, 30% số cơ sở ô nhiễm tiếng ồn. Mức ăn giữa ca của người lao động thấp, chất lượng an toàn thực phẩm bữa ăn không đảm bảo, đã có nhiều trường hợp công nhân, lao động bị ngộ độc thực phẩm tập thể với số lượng hàng trăm người.

“Bình quân hằng năm xảy ra hơn 5.000 vụ tai nạn lao động với gần 6.000 người bị tai nạn lao động, trong đó có gần 600 người chết. Trên thực tế con số này còn lớn hơn rất nhiều vì đơn vị để xảy ra tai nạn lao động không báo cáo với cơ quan quản lý nên không thống kê được hết” - báo cáo viết.

Nợ bảo hiểm hàng chục ngàn tỉ đồng

Tình trạng doanh nghiệp trốn tránh, chiếm dụng, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp rất nghiêm trọng. Tính đến ngày 31-12-2012, nợ đọng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp của cả nước là hơn 4.600 tỉ đồng; năm tháng đầu năm 2013, số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lên đến hơn 9.500 tỉ.

(trích báo cáo của Ban chấp hành TLĐLĐ VN)

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên