30/06/2013 08:01 GMT+7

Đảo xa thật gần

MY LĂNG - MINH TỰ (từ Song Tử Tây, Trường Sa)
MY LĂNG - MINH TỰ (từ Song Tử Tây, Trường Sa)

TT - Tối 29-6, tại nhà thi đấu Quân khu 7 (TP.HCM), những giọt nước mắt đã rơi trên mắt người kể chuyện và nước mắt đã ướt nhòe trong khóe mắt những người tham dự tại cầu truyền hình trực tiếp giữa đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) và TP.HCM đã tạo nên những xúc cảm khó quên cho một đêm Hát cùng Trường Sa - Song Tử Tây thân yêu.

Chương trình do Đài truyền hình TP.HCM (HTV) phối hợp với Quân khu 7, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân thực hiện.

h99vIhd2.jpgPhóng to
Người tham dự lắng nghe chia sẻ của một chiến sĩ đảo Song Tử Tây tâm sự qua cầu truyền hình - Ảnh: MY LĂNG

Cha ngư dân, con hải quân

Điểm nhấn của cầu truyền hình là phần giao lưu trực tiếp giữa ba chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây cùng bố mẹ ngay tại đầu cầu TP.HCM; là những câu chuyện được kể lại trong nước mắt cùng những chi tiết rất xúc động của những người vợ, người con của ngư dân ở xóm Cù Lao (thôn Mỹ Tân, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đã không trở về trong đêm bão kinh hoàng 23-11-1991, biến cả một xóm thành “xóm không chồng” sau một đêm...

Phần giao lưu còn mang đến một câu chuyện khá thú vị về gia đình ngư dân Trần Nhạn với truyền thống đi biển từ đời ông nội. Ông Trần Nhạn 39 tuổi nhưng đã có 30 năm bám biển. Người con trai của ông - Trần Tuấn Phụng - hiện là trung sĩ đóng quân tại đảo Song Tử Tây sau khi tạm gác lại việc học cao đẳng. “Nhìn con trên tivi thấy con trưởng thành, cứng cỏi ba rất mừng. Hãy cố gắng giữ sức khỏe để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Con cứ yên tâm. Ba má ở nhà vẫn khỏe. Sự bám biển của ba cũng là một cách giữ gìn biển truyền từ ông nội” - ông Trần Nhạn nói với con qua cầu truyền hình.

Đặc biệt, câu chuyện ngắn về cha, về chiếc lon đựng cá để dành cho con sau mỗi chuyến đi biển xa và một ngày không thấy chiếc lon ấy nữa trong ký ức của một đứa trẻ mới hơn 2 tuổi của chị Nguyễn Thị Thu Lệ - con gái của ngư dân Nguyễn Lưu đã nằm lại vùng biển gần Hoàng Sa trong đêm bão 22 năm trước - đã khiến nhiều khán giả không kìm được nước mắt. Khi nhận được học bổng, cô sinh viên ấy quyết tâm trở về quê hương, về vùng đất nhọc nhằn nơi mình sinh ra để cống hiến, làm việc và được nhìn thấy biển - nơi ngoài khơi xa xăm ấy ba của Lệ đã yên nghỉ cùng với sóng. Hiện Lệ đang làm việc tại Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Dung Quất.

Sau chương trình, binh nhất Đinh Công Chánh, quê ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), ra Trường Sa từ tháng 7-2012 đến nay gần tròn một năm, cho biết ở nơi đảo xa không tránh khỏi nỗi nhớ TP.HCM đông vui tấp nập. Trong đó có nỗi nhớ cha mẹ, gia đình. Thật bất ngờ khi qua cầu truyền hình này đã gặp được ba mẹ mình tại đầu cầu TP.HCM. Chánh chia sẻ: “Lúc đó tôi nghẹn ngào không biết nói với ba mẹ một lời, nhưng cảm nhận đã ở rất gần Sài Gòn, gần với gia đình, ba mẹ”.

Một người có thâm niên ở 14 năm trên quần đảo Trường Sa là anh Nguyễn Hữu Bệ - trạm trưởng trạm hải đăng Song Tử Tây - cười tươi nói: “Đêm nay xem chương trình này, tôi không cầm được nước mắt khi thấy cảnh các em lính trẻ trò chuyện với cha mẹ mình qua cầu truyền hình. Các em còn trẻ lắm, nhưng rồi sóng gió biển cả cũng tôi luyện cho các em dạn dày”.

Đảo xa rộn ràng như hội

Trước đó, suốt ba ngày đêm vừa qua (từ sáng 27-6) trên đảo Song Tử Tây, hòn đảo cực bắc của quần đảo Trường Sa, rộn ràng như hội khi đoàn công tác thực hiện cầu truyền hình với sự có mặt của 116 thành viên gồm đầy đủ mọi thành phần: nghệ sĩ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, đạo diễn... và hơn 32 tấn thiết bị truyền hình “đổ bộ” lên đảo. Những thiếu nữ xinh đẹp, âm nhạc rộn ràng, màn hình LED, đèn chiếu sáng rực, camera giăng khắp đảo... đó là những hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện trên hòn đảo tiền tiêu này.

Trung tá hải quân Nguyễn Mạnh Hùng, đảo trưởng kiêm chủ tịch UBND xã Song Tử Tây, hồ hởi kể rằng không phải đợi đến bây giờ, mà từ một tuần trước, không khí trên đảo đã náo nức, khi được tin đoàn công tác của HTV ra đảo làm cầu truyền hình. Ông Lê Quang Trung, giám đốc Trung tâm sản xuất chương trình của HTV, cho biết đây là một trong vài chương trình có quy mô lớn nhất của HTV, mang ra đảo cả camera quay trên không (flycam), và công phu nhất là cây đàn piano được tháo rời ra để chở ra đảo rồi lắp lại.

Tàu vừa cập bến, bộ đội đã chờ sẵn trên bờ và suốt ngày 27-6 họ phải quần quật để chuyển cho hết 32 tấn thiết bị “khổng lồ” lên tận sân bóng nằm dưới mốc chủ quyền làm sân khấu của chương trình. Âm nhạc rộn ràng và múa hát cười nói suốt ba ngày trên đảo. Trung úy Nguyễn Hữu Tăng, 31 tuổi, người chuyên làm MC các chương trình của đảo, tâm sự: “Không ngờ có ngày mình lại được lên sân khấu hát cùng với các ca sĩ nổi tiếng như Đức Tuấn, Thanh Thúy, và đặc biệt là NSND Trần Hiếu”. NSND Trần Hiếu 78 tuổi vẫn hào hứng với chuyến đi Trường Sa đầu tiên và cũng có thể là duy nhất trong đời nghệ sĩ của ông. Sáu em nhỏ trong đội ca Tuổi Ngọc của Nhà thiếu nhi quận 1, TP.HCM chạy nhảy khắp nơi trên đảo, vào nhà dân rủ các bạn nhỏ ở đây cùng chơi.

Trung tá Nguyễn Hữu Minh, trưởng ban tuyên huấn Vùng 4 hải quân, cho hay đây là chương trình lớn nhất ở đảo Song Tử Tây từ trước đến nay. Mỗi lần có tàu ra là đảo vui lắm. Lần này đoàn công tác ở lại đảo đến gần bốn ngày, lại toàn là nghệ sĩ, nên đảo vui như hội.

MY LĂNG - MINH TỰ (từ Song Tử Tây, Trường Sa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên