25/06/2013 06:25 GMT+7

Xem xét xóa thêm 140 dự án "treo"

D.NGỌC HÀ - HOÀNG LỘC - VŨ THỦY
D.NGỌC HÀ - HOÀNG LỘC - VŨ THỦY

TT - Từ nay đến cuối năm, UBND TP.HCM sẽ xem xét, xử lý thêm gần 140 dự án “treo”. Đa số dự án “treo” này là các dự án nhà ở.

TP.HCM xóa “treo” gần 100 dự ánDanh sách các dự án được xóa "treo" tại TP.HCM

QURbYHMV.jpgPhóng to
Tiếc đất trong dự án Thảo cầm viên Sài Gòn bỏ hoang, anh Trần Văn Quý, một người dân ở Củ Chi, mượn để trồng cây ngắn ngàyẢnh: Ngọc Hà

Phân loại để xóa “treo”

Con số 130 dự án “treo” vừa được UBND TP công bố xóa “treo” chủ yếu là những dự án bị chủ đầu tư xí đất rồi để đó, chưa bồi thường hoặc bồi thường rất ít. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng ngàn hộ dân ở các dự án dở dang vẫn còn đang bị “treo” quyền lợi bởi các chủ đầu tư chỉ bồi thường, xây nhà hoặc phân lô trên phần diện tích dễ bồi thường, trên đất công...

Phần diện tích đất cần bồi thường số tiền lớn do mật độ dân cư đông đúc hoặc có pháp lý sử dụng đất phức tạp hay bị người dân khiếu kiện nhiều... đã bị để lại. Có dự án chủ đầu tư giải tỏa được phần đất xây căn hộ, đất ở để phân lô bán nền, còn phần đất dành cho công trình công cộng như công viên, trường học hoặc đường giao thông thì “treo” hết năm này đến năm khác. Đặc biệt, nhiều dự án có diện tích nhỏ chỉ vài ngàn mét vuông khoét lõm trong những khu dân cư hiện hữu cũng có tình trạng “treo” một vài hộ dân cuối cùng, nằm ở phần đất công cộng hoặc ở rìa dự án.

Lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết sẽ xem xét cụ thể từng dự án một để có hướng tham mưu cho UBND TP xử lý các dự án này. Trường hợp phần diện tích dự án đã làm xong có hạ tầng tương đối, có thể kết nối được với bên ngoài, còn phần diện tích nhà, đất chưa bồi thường có đường đi, có thể chỉnh trang độc lập, không phụ thuộc phần còn lại của dự án thì sở sẽ đề xuất cho điều chỉnh giảm nhỏ diện tích dự án. Trong từng trường hợp cụ thể, các cơ quan chức năng sẽ có cân nhắc để bảo đảm dự án có đầy đủ cơ sở hạ tầng (có thể yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, giảm quy mô dân số...).

Các chủ đầu tư phải cam kết tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng phần diện tích còn lại để tránh “treo” quyền lợi của người dân. Sở TN-MT TP cho biết sẽ đề xuất UBND TP và các địa phương hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án lớn, có mục đích chỉnh trang đô thị, xây dựng hạ tầng đồng bộ tạo bộ mặt khang trang cho đô thị mà chủ đầu tư đã bồi thường được từ 80% diện tích đất trở lên.

Ngoài ra, Sở TN-MT TP cũng xem xét để đề xuất UBND TP xử lý các dự án đã bồi thường, giải phóng mặt bằng xong nhưng chưa triển khai, bỏ hoang đất. Các dự án này nằm rải rác ở một số quận ngoại thành và các huyện. Cụ thể, H.Nhà Bè có 24 dự án, H.Củ Chi có 20 dự án, Q.12 có 4 dự án, H.Bình Chánh, Q.8... đều có dự án bị bỏ hoang. Trong đó, có dự án Thảo cầm viên Sài Gòn rộng 485ha nằm trên địa bàn hai xã An Nhơn Tây và Phú Mỹ Hưng của huyện Củ Chi đã thu hồi đất của dân từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa triển khai...

Có tiêu chí rõ ràng

Trong đợt tổng rà soát dự án “treo” cuối năm 2012, UBND TP đồng ý gia hạn văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư cho gần 400 dự án có tổng diện tích khoảng 3.300ha đến cuối năm nay. Đây là các dự án mà chủ đầu tư đã bồi thường giải phóng mặt bằng được trên 50% diện tích. Ngoài ra, các chủ đầu tư còn phải chứng minh có năng lực thực hiện dự án, có kế hoạch, thời gian và giải pháp cụ thể để thực hiện dự án. Sở TN-MT TP sẽ theo dõi sát sao tiến độ này và đề xuất xử lý nếu chủ đầu tư vi phạm tiến độ cam kết.

Theo Sở TN-MT TP, trong 400 dự án nói trên, chỉ hơn 300 dự án chủ đầu tư có khả năng tiếp tục theo đuổi, số còn lại đang được sở xem xét thu hồi trong năm nay. Toàn TP còn đến 40 dự án đã được UBND TP ban hành quyết định thu hồi đất (chủ đầu tư mới bồi thường dưới 50% diện tích) cũng sẽ được xem xét xóa “treo” trong năm nay.

Theo quy định, nếu chủ đầu tư triển khai dự án chậm 12 tháng hoặc triển khai nhưng chậm tiến độ 24 tháng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, trong danh sách các dự án bị hủy bỏ văn bản chấp thuận địa điểm hoặc hủy bỏ quyết định giao đất lần này, nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giao đất gần 10 năm. “Đúng là trước khi có nghị quyết 16 về quản lý quy hoạch của HĐND TP, Sở TN-MT và UBND các quận, huyện chưa kiên quyết trong việc xử lý các dự án treo” - lãnh đạo Sở TN-MT TP thừa nhận.

Xóa “treo” vẫn chưa hết khổ

Người dân có đất trong dự án khu đô thị An Phú Hưng (thuộc xã Tân Hiệp và xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn) cho biết tuy đã xóa dự án “treo” nhưng quyền lợi về nhà, đất của người dân vẫn chưa được thông.

Bà Trần Thị Phước, một người dân ở ấp Nhị Tân 2, xã Tân Thới Nhì, cho biết UBND xã chỉ cho sửa chữa, chống dột chứ không cấp giấy phép xây dựng mới. Người dân chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không chuyển nhượng được. Bà Phước cũng như nhiều gia đình ở ấp Nhị Tân 2 tuy đang sử dụng hàng ngàn mét vuông đất nhưng vẫn chưa có “miếng giấy lận lưng” nào về quyền sử dụng đất.

Những khu đất trong các dự án “treo” đã bị thu hồi (công viên hồ sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh hay dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Q.Bình Thạnh) nhưng người dân còn bị hạn chế nhiều quyền lợi. Theo quy hoạch của huyện Bình Chánh, khu vực thuộc dự án hồ sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc cũ vẫn giữ nguyên chức năng khu sinh thái văn hóa. Chỉ những hộ dân nào có đất ở mới được xây nhà, muốn bán đất phải bán nguyên thửa chứ không được tách nhỏ. Chính vì bị “kẹt” đủ đường nên nhiều người dân “lách” bằng cách xin phép chính quyền xây nhà ở cho con nhưng thực tế là xây nhà để bán. Còn khu vực dự án Bình Quới - Thanh Đa hiện chưa có quy hoạch phân khu (1/2000) nên người dân chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất hoặc tách thửa nhỏ.

D.NGỌC HÀ - HOÀNG LỘC - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên