07/06/2013 10:44 GMT+7

Khó khăn khi xử lý hành vi trốn thuế

G.M. - N.K. - M.T.
G.M. - N.K. - M.T.

TT - Trong năm 2012, Cục Thuế TP.HCM đã thanh tra, kiểm tra gần 12.500 hồ sơ về thuế, phạt và truy thu hơn 6.000 tỉ đồng.

Đây là số thu cao nhất từ trước tới nay, chiếm 50% số thuế thanh tra, kiểm tra của cả nước và 4% tổng số thu của Cục Thuế TP. Thông tin được công bố tại hội nghị sơ kết năm năm thực hiện quy chế phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục Thuế TP.HCM và Công an TP ngày 6-6.

Tại hội nghị, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM cảnh báo: các phần tử xấu đã lợi dụng sự thông thoáng của Luật doanh nghiệp, Luật thuế để thành lập các doanh nghiệp rồi mua bán hóa đơn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trốn thuế.

Những bất cập trong công tác cấp giấy phép kinh doanh như: không cần có vốn thật, thích “vẽ” ra bao nhiêu cũng được, trụ sở đăng ký kinh doanh không cần có giấy chủ quyền hay hợp đồng thuê có công chứng, khi đăng ký không phân biệt hình ảnh trên CMND có đúng người hay không...

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt là các công ty sản xuất gia công hàng xuất khẩu, thường sử dụng chiêu bài báo thua lỗ liên tục trong nhiều năm, thậm chí nhiều doanh nghiệp có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu nhưng vẫn mở rộng kinh doanh, phát triển sản xuất. “Đây là vấn đề hết sức bất thường của các nhà đầu tư FDI” - lãnh đạo PC46 khẳng định.

Theo đại tá Vũ Hồng Nam - trưởng PC46, quá trình trinh sát của đơn vị đã xác định nhiều vụ chuyển giá ở các doanh nghiệp FDI. Họ định giá nguyên vật liệu đầu vào cao hơn so với giá thực tế, nhưng lại định giá bán sản phẩm rất thấp trong các giao dịch liên kết nhằm chuyển thu nhập và lợi nhuận từ nước có thuế suất cao qua nước có thuế suất thấp.

Các doanh nghiệp FDI còn nâng giá mua máy móc, thiết bị nguyên vật liệu từ nước ngoài, nâng cao các chi phí như trả lương cho chuyên gia, quảng cáo với giá không tưởng và vô cùng phi lý. Nhiều doanh nghiệp FDI sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của những công ty mà người đại diện đã bỏ trốn để khấu trừ thuế và xuất bán hàng cho công ty mẹ ở nước ngoài với giá trị thấp nhằm trốn thuế tại VN.

Đại diện PC46 cũng cho rằng các văn bản pháp luật hiện nay có nhiều bất cập trong quy định xử lý hành vi trốn thuế dưới dạng sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa các thủ tục nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế.

Cụ thể, quy định hiện hành buộc cơ quan chức năng phải có nghĩa vụ chứng minh được việc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn của các công ty “ma” thật sự không mua bán hàng hóa, không có kho bãi vận chuyển... là “trói” chân tay cơ quan điều tra, không thể chứng minh được như vậy.

G.M. - N.K. - M.T.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên