Phóng to |
Nhiều vấn đề "nóng" được đại biểu đặt ra tại Quốc hội - Ảnh: Việt Dũng |
Nông nghiệp lâu nay là chỗ dựa vững chắc cũng đang bị lung lay. Mục tiêu tăng trưởng 5,5% khó đạt được, trong khi lạm phát thấp không còn được nhìn nhận là thành tích mà là kết quả của chu kỳ kinh doanh, chu kỳ tăng trưởng đang đi xuống. Một số ý kiến nhận xét chỉ số giá tiêu dùng giảm do không còn tiền (sức mua trong dân) chứ không hẳn do kiềm chế giỏi.
Về thị trường vàng, ông Đồng nói ở kỳ họp trước Quốc hội yêu cầu bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, nhưng sau hàng loạt phiên đấu thầu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước, nay giá vàng trong nước và nước ngoài chênh đến 6 triệu đồng/lượng. Thống đốc NHNN giải thích rằng mục tiêu là ổn định thị trường chứ chưa phải đưa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới về sát nhau, trong khi đó nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra yêu cầu như nêu và nghị quyết này được thông qua với sự tán thành của nhiều thành viên Chính phủ.
Ông Đồng cũng đề cập sự suy giảm niềm tin của thị trường và của người dân, trong khi đây là yếu tố vô cùng quan trọng để vực dậy nền kinh tế đang lâm trọng bệnh. “Hi vọng qua kỳ họp này, Quốc hội không chỉ nhận diện rõ vấn đề nan giải của nền kinh tế là tồn kho tiền hàng, mà còn vấn đề tồn kho kiến nghị, đặc biệt là tồn kho trách nhiệm và giải pháp”- đại biểu Đồng nói.
Những con số cứ như cài đặt!
Đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ băn khoăn về mức độ chính xác của các chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ.
Ông Hiến nói: “Đã từ nhiều năm nay, chúng ta cứ chấp nhận một thực tế vô lý là GDP các địa phương luôn cao hơn gấp rưỡi, gấp đôi GDP quốc gia. Vấn đề sinh tử của nền kinh tế chúng ta là giải quyết cục máu đông nợ xấu, hàng tồn kho bất động sản. Nhưng mức độ tin cậy của các số liệu này là rất thấp. Cuối năm 2012, Thống đốc NHNN cho rằng nợ xấu khoảng 10%, trong khi Thanh tra NHNN công bố nợ xấu là 8,6%. Cùng thời gian, Ủy ban giám sát tài chính đưa ra con số 11,8%. Tháng 3-2013, NHNN thông báo nợ xấu còn 6%.
Cách đây vài ngày, NHNN quyết định lùi áp dụng thông tư 02 về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đến ngày 1-6-2014 (thay vì 1-6-2013). Thông tư 02 nằm trong tổng thể những cố gắng để làm lành mạnh cơ cấu hệ thống ngân hàng, như thống đốc nói áp dụng thông tư 02 là để nhận diện đúng hơn con số thực và bản chất nợ xấu.
Nhưng vấn đề ở đây là nếu áp dụng thông tư 02 thì nợ xấu hiện tại của một ngân hàng có thể từ 3-4% sẽ tăng lên 10-15% hoặc hơn nữa như ý kiến của các chuyên gia. Như vậy con số thực nợ xấu nghiêm trọng hơn những gì đã công bố. Cho đến giờ này chúng ta thật sự không biết lượng tồn kho bất động sản là bao nhiêu, số liệu của cơ quan quản lý, của hiệp hội bất động sản và các tổ chức nghiên cứu là rất khác nhau. 200 nghìn căn hay 40 nghìn căn, 83 nghìn tỉ đồng hay 40 nghìn tỉ đồng? Nợ công là bao nhiêu, 55% GDP hay 95% như nghiên cứu của Ủy ban kinh tế?”.
Ông Hiến đặt thêm câu hỏi: Tại sao mỗi năm hơn 50 nghìn doanh nghiệp phá sản và dừng hoạt động, vốn đầu tư toàn xã hội ngày càng giảm mà tạo việc làm mới cứ đều đặn hằng năm từ 1,5-1,6 triệu người. Và tỉ lệ thất nghiệp hằng năm cứ giảm, năm 2010 là 2,8%, năm 2011 là 2,2% và năm 2012 còn 1,99%? Những con số cứ như là cài đặt vậy! Có tin được không khi giải quyết khiếu nại đạt 85,6%, giải quyết tố cáo đạt 89%, trong khi đó 77,51% là khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực đất đai? Tin vào con số nào khi trong 10 ngày tết Bộ Y tế báo cáo có 25 nghìn người bị tai nạn, còn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia là 700 người? Có nên vui mừng khi lần đầu tiên sau rất nhiều năm số người chết do tai nạn giao thông dưới 10 nghìn người?...
"Băn khoăn về số liệu thống kê là có cơ sở, những con số thiếu độ tin cậy có thể do kỹ thuật, có thể do phương pháp, có thể do trách nhiệm, do thiếu minh bạch và do cả bệnh thành tích nữa. Không có số liệu đúng và đủ thì không thể đánh giá đúng tình hình, không thể đưa ra quyết sách đúng được. Không thể chấp nhận người dân thấy sao thì cứ biết vậy. Quốc hội phải biết, người dân có quyền được biết chuyện gì đang xảy ra thật sự xảy ra ở đất nước mình”- Ông Hiến nói.
Chưa ai bị giáng chức do ban hành văn bản sai
Phó chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Lê Thị Nga (Thái Nguyên) thể hiện sự bức xúc về chất lượng xây dựng văn bản dưới luật. Nhiều bộ ngành đã đề xuất hoặc trực tiếp ban hành các quy định xa rời thực tế, thiếu khả thi, cá biệt còn trái luật như báo chí đã nêu. Những văn bản như vậy gây bức xúc dư luận, mất lòng tin trong dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu lực quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo tình trạng nhờn pháp luật. Có những quy định bất hợp lý dù mới chỉ dưới dạng dự thảo nhưng đã gây xáo trộn tâm lý, đời sống người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất kinh doanh vì DN và người dân thường đón đầu xu hướng thay đổi chính sách để điều chỉnh tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh.
Cũng theo bà Nga, các quy định chưa bảo đảm tính công bằng, nghiêm minh. Bà phân tích trường hợp liên quan đến mũ bảo hiểm, suốt sáu năm qua các cơ quan có trách nhiệm đã buông lỏng quản lý chất lượng và quản lý thị trường ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh. Khi Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vào cuộc mới phát hiện số mũ không đảm bảo chất lượng phổ biến tới 70%. Thay vì xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm quản lý thị trường, tiêu chuẩn chất lượng thì một số bộ lại đề xuất giải pháp phạt người tiêu dùng khi họ tham gia giao thông. Cử tri có quyền đặt câu hỏi, khi thì buông lỏng bỏ mặc mũ dởm hoành hành, khi thì thắt chặt quản lý đột ngột và đề xuất xử phạt người tiêu dùng, tất yếu sẽ tạo ra một cơn sốt mũ chuẩn. Ai bị thiệt hại? Ai được hưởng lợi? Bà Nga nói: “Số đông người dân đều mong mua được mũ tốt để bảo vệ sức khỏe. Việc hàng ngàn tỉ đồng của dân bỏ ra để mua phải 70% mũ bảo hiểm không bảo đảm chất lượng để lưu hành 37 triệu xe máy thuộc trách nhiệm của ai? Không lẽ chỉ là lỗi của dân. Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học cần làm rõ để trả lời cử tri”.
Đề cập những bất hợp lý của nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, bà Nga nêu vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng nghị định này vẫn “án binh bất động” không hề được sửa đổi. Thực tế một số công chức tham mưu, soạn thảo, thẩm định có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế,... song hàng chục năm nay chưa thấy cán bộ nào bị thôi việc hay giáng chức, bồi thường do ban hành văn bản sai. Bà Nga đề nghị Quốc hội sớm tiến hành giám sát tối cao về chấp hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định thông tư khách quan hơn, tiến tới bổ sung vào luật và tăng thẩm quyền cho cơ quan kiểm tra văn bản sau khi ban hành.
Cần quyết sách mạnh hơn
Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) cho biết cử tri cả nước, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp mong đợi tại kỳ họp này đưa ra quyết sách ngăn chặn xu hướng suy giảm kinh tế. Ông Lịch phân tích trước đây lạm phát là con ngựa bất kham, nay không còn như vậy nữa, đây là thời điểm thuận lợi để ta tiến hành biện pháp mạnh hơn để hướng tới các mục tiêu trung, dài hạn. Đây là lúc hành động để sau vài ba năm nữa kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và quay lại phát triển như thời kỳ vàng son 1991-1996, 2001-2007. Kinh tế VN nếu không tăng trưởng được 7-8% trong vài thập niên thì khó đạt mục tiêu công nghiệp hóa. Mặc dù đồng tình sáu nhóm giải pháp Chính phủ đã nêu, nhưng ông Lịch cho rằng chưa đủ mạnh để vực nền kinh tế dậy.
Ông Lịch đề xuất thêm bốn nhóm giải pháp:
Thứ nhất, trong hai năm rưỡi còn lại của kế hoạch năm năm, tức từ nay đến hết 2015, chúng ta cần xây dựng một Chương trình trung hạn phục hồi tăng trưởng kinh tế với các chính sách công cụ đồng bộ. Có sự phối hợp giữa các chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, chính sách thị trường hóa giá cả một số loại dịch vụ công mà Nhà nước đang còn quy định giá và chính sách ngoại thương.
Chương trình phục hồi kinh tế trung hạn sẽ chấm dứt tình trạng ban hành các giải pháp theo kiểu “ăn đong” như vừa qua. Chính sách chủ đạo của Chương trình trung hạn này là thực hiện chính sách "lạm phát mục tiêu”, với mức tăng CPI 6,5-7% mỗi năm trong ba năm 2013-2015 và dưới 5% trong các năm tiếp theo. Phải chuyển chính sách từ kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát chủ động. Mức lạm phát mục tiêu sẽ tạo ra dư địa cho chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng như lộ trình điều chỉnh giá cả dịch vụ, hàng hóa công cộng mà không gây ra lạm phát do chi phí đẩy.
Thứ hai, từ chính sách” lạm phát mục tiêu” nêu trên, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa phải phục vụ cho mục tiêu huy động tổng đầu tư xã hội từ 30-32% GDP trong 3 năm sắp đến. Ở đây đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, qua đó huy động các nguồn lực bổ sung cho nhau nhằm bảo đảm tổng đầu tư xã hội.
Thứ ba, trước mắt trong hai năm 2013 và 2014 cần mạnh dạn tăng công chi dưới nhiều hình thức để kích thích tăng tổng cầu. Cụ thể, tăng trần bội chi ngân sách so với mức 4,8% GDP hiện nay; phát hành trái phiếu Chính phủ, ngoài định mức 45 nghìn đồng/năm như Quốc hội đã cho phép nhằm thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và các công trình xây dựng dang dở.
Chúng ta ý thức việc phải bảo đảm an toàn của nợ công, nhưng trong tình thế hiện nay chính đầu tư công là giải pháp có tác động nhanh nhất để kích thích sự tăng tổng cầu của nền kinh tế, khi chính sách tiền tệ đang có tác dụng hạn chế. Tôi biết đây là một quyết định rất khó khăn của Quốc hội nhưng là tình thế phải lựa chọn, ông Lịch nói.
Để huy động các nguồn lực của Nhà nước, bên cạnh việc tăng bội chi ngân sách, ông Lịch đề nghị: "Rà soát lại nhiều nguồn vốn của Nhà nước đang có để huy động cho đầu tư công phần giảm vay nợ. Chúng ta hoàn toàn có thế bán cổ phần của Nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ để đầu tư vào hạ tầng giao thông, thanh toán nợ đọng, hoàn thành những công trình xây dựng dang dở. Hiện nay hàng trăm doanh nghiệp có vốn của Nhà nước nhưng những doanh nghiệp đó chẳng tham gia gì vào vai trò chủ đạo của nền kinh tế Nhà nước, trong khi đó hàng loạt lĩnh vực cần có vai trò của Nhà nước nhưng chúng ta lại không có tiền. Hệ thống giao thông huyết mạch của quốc gia không tiền đầu tư, vậy chúng ta để hàng trăm ngàn tỉ đồng ở những doanh nghiệp nhà nước với mục đích gì, khi ở đó đã có thị trường, không cần bàn tay Nhà nước can thiệp?
Thứ tư, về ngắn hạn trong năm 2013, ông Lịch đề nghị Ngân hàng Nhà nước bằng tất cả sự linh hoạt trong điều hành chính sách tín dụng để bảo đảm trong năm 2013 mức tăng dư nợ tín dụng trên 12% và trong các năm 2014- 2015 còn mức tăng tín dụng gấp 3- 3,5 lần mức tăng trưởng GDP mỗi năm; đồng thời cũng có sự linh hoạt hơn trong chính sách tỉ giá để không thiệt hại đối với sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu và các sản phẩm công nghiệp sản xuất thay thế hàng nhập khẩu.
Chiều nay Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận