Phóng to |
Người dân làm thủ tục đăng ký hộ khẩu tại Công an TP.HCM - Ảnh: TTO |
Dự thảo sửa đổi Luật Cư trú: Đừng chặn đường về quê hươngXóa tên thường trú của người xuất cảnh quá hai năm?"Cớ gì tôi đi nước ngoài mà ông ở nhà xóa tên tôi?"
Thẩm tra dự án Luật Cư trú, Ủy ban pháp luật của Quốc hội cho rằng quyền tự do cư trú là một trong các quyền cơ bản của công dân đã được quy định tại Điều 68 của Hiến pháp năm 1992 và tiếp tục được khẳng định trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật cư trú lần này không được làm ảnh hưởng đến quyền cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp.
Tuy nhiên, một số quy đinh trong dự luật đã được xây dựng theo hướng đã siết chặt hơn điều kiện được đăng ký thường trú tại các TP trực thuộc Trung ương
Tạm trú 2 năm mới được thường trú
Dự thảo Luật quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương theo hướng công dân có một trong các điều kiện: Có chỗ ở hợp pháp: trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 2 năm trở lên.
Trường hợp đăng ký vào huyện, thị xã thuộc TP trực thuộc trung ương thì phải có thời gian tạm trú liên tục tại TP đó từ 1 năm trở lên.
Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Cư trú, số người chuyển về các thành phố làm ăn, sinh sống tăng nhanh. Tính đến 1-7-2012, tổng dân số tại 5 thành phố trực thuộc trung ương (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) gồm 4.561.985 hộ với 18.887.151 nhân khẩu. Từ tháng 7-2007, khi Luật Cư trú có hiệu lực thi hành đến tháng 7-2012 dân số của các thành phố trực thuộc trung ương tăng 2.038.205 hộ, 9.799.336 nhân khẩu. Theo thống kê, mật độ dân số trung bình của 5 TP trực thuộc trung ương là 1686 người/km2, cao gấp 6,5 lần so với mật độ dân số trung bình của cả nước (265 người/km2), trong đó TP.HCM là 3.589 người/km2, cao gấp 13,6 lần so với cả nước, Hà Nội là 2.013 người/km2, cao gấp 7,6 lần so với cả nước. Nguồn: Bộ Công an |
Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân, tổ chức thì phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố, có xác nhận của chính quyền địa phương về điều kiện diện tích bình quân, được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
Công dân đăng ký thường trú vào nội thành thành phố Hà Nội thì phải thực hiện theo quy định của Luật Thủ đô.
Dự thảo Luật cũng quy định thì sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú có thời hạn tối đa 24 tháng và trước khi hết hạn tạm trú 30 ngày công dân phải đến cơ quan công an làm thủ tục gia hạn.
Trong khi đó, Luật cư trú hiện hành quy định rõ sổ tạm trú không xác định thời hạn. Dự thảo luật cũng giảm thời hạn làm thủ tục thay đổi nơi đăng ký thường trú khi thay đổi chỗ ở hợp pháp từ 24 tháng xuống còn 12 tháng.
Ủy ban pháp luật của Quốc hội nhận thấy, quy định như dự thảo Luật là chưa thực sự phù hợp bởi trên thực tế có rất nhiều trường hợp, thời hạn tạm trú của công dân là dài hơn 24 tháng, khi đó việc bổ sung quy định về thời hạn của sổ tạm trú đã phát sinh thêm thủ tục hành chính.
Mặt khác, dự thảo Luật cũng chưa quy định thủ tục gia hạn cụ thể.
Đối với trường hợp có nhu cầu tạm trú dưới 24 tháng, nhưng để giảm tránh việc phải đăng ký gia hạn nhiều lần, công dân sẽ đăng ký thời hạn tạm trú với thời hạn tối đa 24 tháng. Như vậy, trong trường hợp này, yêu cầu quản lý nhân khẩu thông qua sổ tạm trú là rất khó thực hiện.
Băn khoăn về hiệu quả siết nhập cư
Theo lập luận của Bộ Công an, sửa Luật cư trú theo hướng siết chặt các điều kiện thường trú vào TP sẽ có nhiều lợi ích.
Cụ thể, quy định tăng thời hạn tạm trú để được đăng ký thường trú từ 1 năm lên 2 năm đối với trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc TP trực thuộc trung ương sẽ giảm tốc độ tăng dân số cơ học vào TP, chính quyền địa phương sẽ có thêm thời gian, điều kiện về vật chất để đầu tư cơ sở hạ tầng, các dịch vụ công phục vụ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đang cư trú tại địa phương.
Quy định về điều kiện diện tích tối thiểu khi đăng ký thường trú vào TP trực thuộc trung ương sẽ khắc phục được tình trạng một chỗ ở có nhiều hộ cùng đăng ký thường trú nhưng thực tế họ không ở chỗ ở đó vì quá chật hẹp.
Từ đó, chính quyền địa phương xác định được chính xác số người đang cư trú tại chỗ ở nơi họ đăng ký thường trú, trên cơ sở đó đưa ra được các chính sách về kinh tế - xã hội phù hợp, sát với thực tế.
Ngoài ra, tốc độ tăng dân số cơ học vào thành phố trực thuộc trung ương chậm lại sẽ khắc phục được tình trạng quá tải về cơ sở hạ tầng, về dịch vụ công, về hạ tầng giao thông.
Từ đó, người dân sẽ giảm được các chi phí không cần thiết như chi phí để tiếp cận các dịch vụ công giảm vì không phải mất nhiều thời gian chờ đợi, chi phí cho việc đi lại giảm vì giao thông không bị ùn tắc nên người dân đi lại sẽ mất ít thời gian hơn.
Người dân cũng sẽ trả ít tiền hơn để mua nhiên liệu vận hành phương tiện tham gia giao thông. Lượng khí thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường ít đi sẽ giảm phần nào sự ô nhiễm môi trường.
Sức khỏe của người dân tăng lên, người dân sẽ giảm được các chi phí cho dịch vụ y tế, chính quyền sẽ giảm được chi phí để khắc phục hậu quả của ô nhiễm môi trường gây ra…
Các chi phí giảm thì chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, việc sửa đổi điều kiện đăng ký thường trú tại quận nội thành của các TP trực thuộc trung ương như vậy vẫn chưa giải quyết được vấn đề người dân tập trung cư trú đông ở nội thành.
Bởi lẽ, người dân cư trú tại đó là để sống và làm việc, không phải vì không được đăng ký thường trú mà họ không sinh sống tại nội thành. Do vậy, đề nghị cần có giải pháp tổng thể về kinh tế - xã hội khắc phục vấn đề tập trung dân cư vào nội thành của các thành phố lớn trực thuộc trung ương.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị cân nhắc quy định xác nhận của chính quyền địa phương và cho rằng việc xác nhận về diện tích nhà ở và số lượng người đang cư trú tại nơi ở đó sẽ tăng thêm thủ tục hành chính, gây phiền hà, tốn kém, dễ bị lợi dụng làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người dân.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận