12/05/2013 07:38 GMT+7

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị

Theo TTXVN
Theo TTXVN

TT - Sáng 11-5, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã bế mạc sau mười ngày làm việc.

* Bầu bổ sung bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính trị* Bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng vào Ban Bí thư

Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư nói: “Trách nhiệm của chúng ta sau hội nghị này là phải triển khai thực hiện có kết quả các nghị quyết và kết luận của trung ương vừa thông qua, coi đây là khâu mấu chốt quyết định trong việc biến nghị quyết thành hiện thực”.

Bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Nguyễn Thiện Nhân vào BCT

nL0oo44q.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân

Tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân

Hoàn thiện dự thảo sửa đổi Hiến pháp

So với bản dự thảo Hiến pháp được công bố, đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân được tiếp thu, tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng. Đối với những vấn đề mới, nhạy cảm, còn ý kiến khác nhau, trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến chỉ đạo định hướng lựa chọn, tiếp thu, giải trình.

Đối với các quan điểm sai trái, những luận điệu tuyên truyền chống phá của các thế lực thù địch, trung ương kiên quyết phê phán, bác bỏ. Trung ương giao Đảng đoàn Quốc hội cùng với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa Cương lĩnh chính trị năm 2011 của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 2 và Hội nghị Trung ương 5, các kết luận của Bộ Chính trị và kết luận của hội nghị lần này, khẩn trương chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý, hoàn thiện bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để trình kỳ họp sắp tới của Quốc hội.

Hội nghị trung ương đã xác định cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị từ trung ương đến cơ sở, nhằm mục tiêu xây dựng tổ chức bộ máy đồng bộ, tinh gọn, có tính ổn định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có số lượng hợp lý, có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị phải đồng bộ với đổi mới thể chế kinh tế; thống nhất giữa các tổ chức trong toàn hệ thống, bao gồm Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Tăng cường quyền làm chủ trực tiếp của nhân dân, nhất là ở cơ sở. Không nhất thiết ở trung ương có tổ chức nào thì ở địa phương cũng có tổ chức đó. Đối với những vấn đề thực tiễn đòi hỏi, đã đủ rõ, chín muồi thì kiên quyết thực hiện; những vấn đề chưa đủ rõ, còn có ý kiến khác nhau thì cần chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu, tổng kết để làm rõ, có bước đi thích hợp, không nóng vội, chủ quan, duy ý chí...

Thí điểm xây dựng chính quyền đô thị

Phát biểu bế mạc của Tổng bí thư nhấn mạnh: Cần tiếp tục rà soát, kiện toàn các cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước (bao gồm cả Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, chính quyền địa phương).

Đẩy mạnh áp dụng cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện “xã hội hóa” dịch vụ công, từng bước giảm chi lương viên chức từ ngân sách nhà nước; quản lý chặt chẽ việc thành lập mới các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức quần chúng và số lượng viên chức ở các đơn vị sự nghiệp công lập. Khẩn trương tổng kết và có kết luận về việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân ở một số huyện, quận, phường. Nghiên cứu, thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Thực hiện giảm dần số lượng cán bộ không chuyên trách cấp xã.

Sửa chữa sai lầm, khuyết điểm

Hội nghị trung ương yêu cầu phải kiên quyết, kiên trì tiếp tục lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết trung ương 4 với những bước đi vững chắc để có thể thật sự tạo được chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng Đảng. Trước mắt, tập trung xây dựng và thực hiện thật tốt, có kết quả cụ thể các chương trình, kế hoạch sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra trong đợt sinh hoạt chính trị vừa qua. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình cần tiếp tục được thực hiện một cách nghiêm túc gắn với kiểm điểm công tác hằng năm.

Tiếp sau nghị quyết trung ương 4, lần này trung ương bàn và ban hành nghị quyết về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận. Bởi vì chỉ có làm tốt công tác dân vận, tăng cường mối liên hệ máu thịt giữa nhân dân với Đảng thì Đảng mới có sức mạnh. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát triển kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, có rất nhiều vấn đề mới đặt ra tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những hiện tượng phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng là thách thức đối với mối liên hệ giữa dân với Đảng.

FrX0gKCm.jpg
Ông Trần Quốc Vượng

Cải cách cơ bản tiền lương

Trung ương đã xem xét các báo cáo công tác kiểm tra của Đảng năm 2012; công tác tài chính Đảng năm 2012; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị từ sau Hội nghị Trung ương 6 đến nay. Đồng thời yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị đề án cải cách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công để trình trung ương xem xét, quyết định vào thời gian thích hợp. Ngoài những quan điểm, định hướng chính sách, biện pháp đã được xác định tại kết luận của Hội nghị Trung ương 5 khóa XI, cần quán triệt và thực hiện nghiêm túc kết luận của Hội nghị Trung ương lần này; đẩy mạnh việc nghiên cứu, tổng kết một cách cơ bản, sâu sắc, toàn diện các mặt để có một hệ thống các chính sách, biện pháp cải cách cơ bản chế độ tiền lương. Chú trọng một số giải pháp có tính đột phá, nhất là đột phá trong cải cách hành chính, tinh giản biên chế và tạo nguồn lực tài chính bảo đảm cho tính khả thi của đề án.

Chủ động quy hoạch cán bộ cấp cao

Về xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, trên cơ sở tờ trình và các báo cáo của Bộ Chính trị, trung ương đã cho ý kiến về nguyên tắc, tiêu chí, phương pháp lựa chọn nhân sự đưa vào quy hoạch; về số lượng cho mỗi chức danh; về cơ cấu độ tuổi, giới tính, thành phần xuất thân và phương án nhân sự giới thiệu vào quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo. Ngay sau hội nghị này, Bộ Chính trị sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến của trung ương để hoàn thiện, ban hành quy hoạch; đồng thời bám sát những quan điểm, nguyên tắc, tư tưởng chỉ đạo của đề án đã được Hội nghị Trung ương 6 khóa XI thông qua và kế hoạch số 10 của Bộ Chính trị để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện quy hoạch, từng bước đưa công tác cán bộ ở trung ương đi vào nền nếp, chủ động hơn, chính xác hơn.

Bầu bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính trị

Tại hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vào Bộ Chính trị, đồng thời bầu bổ sung ông Trần Quốc Vượng, chánh Văn phòng Trung ương Đảng, vào Ban Bí thư.

* Bà Nguyễn Thị Kim Ngân

- Sinh ngày: 12-4-1954. Quê quán: xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

- Trình độ học vấn: thạc sĩ kinh tế, cử nhân chính trị.

Trước năm 2006, bà Nguyễn Thị Kim Ngân giữ các chức vụ: giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, thứ trưởng Bộ Tài chính, bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Năm 2006: bí thư Ban Cán sự Đảng, thứ trưởng thường trực Bộ Thương mại. Năm 2007: bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội. Tháng 7-2011: phó chủ tịch Quốc hội.

* Ông Nguyễn Thiện Nhân

- Sinh ngày: 12-6-1953. Quê quán: xã Phương Trà, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

- Học hàm, học vị: giáo sư - tiến sĩ.

Từ tháng 5-2001 đến tháng 6-2006: phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM. Từ tháng 7-2006 đến tháng 7-2007: bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Từ tháng 8-2007 đến tháng 6-2010: phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Từ tháng 7-2010 đến nay: phó thủ tướng.

* Ông Trần Quốc Vượng

- Sinh ngày: 5-2-1953. Quê quán: xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

- Trình độ học vấn: thạc sĩ luật.

Tháng 7-2007, ông Trần Quốc Vượng được Quốc hội bầu làm viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Trước đó, ông từng là phó chánh văn phòng thường trực Văn phòng Trung ương Đảng. Từ tháng 7-2011: chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

______________________

Thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh

Tình hình chung của đất nước bên cạnh mặt thuận lợi cơ bản cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế - xã hội bốn tháng đầu năm 2013 tuy có những mặt chuyển biến tích cực, đúng hướng, nhất là trong việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội nhưng vẫn chưa vững chắc, còn nhiều khó khăn. Thu chi ngân sách đạt thấp; sản xuất công nghiệp tăng chậm so với cùng kỳ 2012; số doanh nghiệp bị giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn; sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu và dịch bệnh. Việc làm, thu nhập của người lao động, an sinh xã hội còn nhiều vấn đề phải giải quyết. Trong khi đó, tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đặt ra những thách thức mới cho sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trung ương cho rằng đây là ba lĩnh vực cực kỳ quan trọng, có nội dung phong phú, nhiều mặt và quan hệ mật thiết với nhau. Thời gian qua, các lĩnh vực này ở nước ta đã bước đầu được quan tâm, có bước phát triển và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều lúng túng, bị động; thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra còn lớn. Tài nguyên chưa được khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững, một số loại bị khai thác quá mức nên bị suy thoái, cạn kiệt. Ô nhiễm môi trường còn diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng, ở một số nơi rất nghiêm trọng; đa dạng sinh học suy giảm, gây nguy cơ mất cân bằng sinh thái trên diện rộng. Dự báo thời gian tới, tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức có thể còn gay gắt, nặng nề hơn.

Nhiệm vụ chung đặt ra là phải đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững; thí điểm phát triển mô hình kinh tế xanh theo địa bàn và theo ngành, lĩnh vực và từng bước nhân rộng trên cả nước.

(Trích phát biểu bế mạc của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày 11-5-2013)

Theo TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên